Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

MƯA ĐÊM!!!

Mưa đêm … sài gòn lại mưa đêm, bóng đèn heo hắt, vàng vọt dưới những hạt mưa. Lâu rồi, không có cái cảm giác trống trải như bây giờ.. chợt thấy mình nhiều hoài niệm.
Mưa ngày xưa, rơi rỉ rả trên mái ngói rêu phong, se se lạnh trong từng cơn gió nhẹ, quyện cùng hương vị của đất, của cỏ, của cây làm tâm hồn thật thư thái.
Mưa ngày xưa, có hơi ấm của bàn tay, của những cái xiết nhẹ nồng nàn hạnh phúc.
Mưa ngày xưa cũng có những đắng cay, những vị mặn chát của nước mắt chia ly …
***
Tôi đã có một chiều lang thang trên phố,
Chợt nhận ra rằng, trong vô định ta không biết về đâu.
Những nẻo đường dường như ngút ngát, không bến bờ và không cả lối đi.
Một chiếc lá vô tình rơi trên tóc, cơn gió nào hờ hững đến bên tôi
Để ký ức bay qua miền dĩ vãng, rồi êm đềm lạc lối giữa hồn ai

Tôi đã thấy bao tình nhân trẻ
Tay trong tay vội vã tránh cơn mưa
Ánh mắt ấy, ngày xưa tôi cũng có
Nụ cười nào như vỡ vụn giữa không gian
Những ký ức đi qua miền tối sáng
Cứ chập chờn như những ánh sao đêm
Đễ lại tôi lạc loài trong nhung nhớ

Những mảnh đời, những hạnh phúc đã trôi xa … 

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

BÓC LỘT TIỀN HỌC SINH!!!

Con gái mình đang học lớp 2 tại một trường điểm của Quận 5 (học đúng tuyến chứ chẳng chạy trường gì cả). Hết năm lớp 1 qua năm lớp 2, mình dần quen với những phong trào thi đua của nhà trường. Rồi một ngày, rảnh rỗi, mình xem lại những phong trào đó, chợt nhận ra mình đang tiếp tay bóc lột con mình.
1.    Phong trào trích tiền ăn sáng giúp đỡ bạn nghèo. Thoạt nghe thì có vẻ rất nhân văn, chia sẽ giúp đỡ bạn nghèo, tập cho các bé có lòng nhân ái. Nhưng ngẫm lại thì phong trào đó giống như một cái áo cà sa khoát lên mình 1 con quỷ. Học sinh tiểu học, đa phần phụ huynh ít khi cho tiền, thường ăn sáng tại nhà rồi đi học. Một số phụ huynh cho các con vài đồng lẻ 5-10.000 mua quà vặt. Đó là con nhà khá giả, còn con nhà bình dân thì ba mẹ cho tiền ăn sáng luôn, mà cũng rất còm cõi. Vậy thì học sinh lấy tiền đâu mà bỏ heo đất mỗi ngày. Có phải là các con phải nhịn quà vặt, nhịn ăn sáng để bỏ ống heo cho có phong trào. Rồi thì giáo viên ghi là tùy lòng hảo tâm, nhưng thử hỏi có bé nào dám không bỏ ống heo không? Bạn bỏ ống mà mình không bỏ thì bạn cười, cô nhắc nhở, có khi còn bị chọc quê. Và hậu quả là bé không đủ tiền ăn sáng, có khi nhịn luôn rồi thì ốm, rồi ba mẹ lại phải chăm sóc sức khỏe. Bé không có tiền mua quà thì mè nheo ba mẹ cho có tiền để đóng.. Chính con gái mình còn hỏi “mẹ ơi, bộ bạn nghèo khổ lắm hả? Sao lúc nào cũng phải cho tiền bạn nghèo? Mình phải nuôi bạn nghèo hả mẹ? Bộ bạn nghèo không có ba má nuôi hả mẹ? Lớp con có bạn nộp tiền xong bị xỉu đó mẹ, tại không có tiền ăn sáng. ..v ...v. Vô hình chung làm hình ảnh giúp đỡ bạn nghèo thành một hành động vô cùng phản cảm, và có phải chăng chính nhà trường đang vô tình cướp đoạt tiền quà của các bé.
2.    Hồi xưa, thời mình đi học, cũng có phong trào ủng hộ các chú bộ đội bằng các hình thức cực kỳ dễ thương như viết thư, làm thơ tả, vẽ tranh về bé và các chú bộ đội... chủ yếu là ủng hộ tin thần các chú. Lúc đấy hình ảnh các chú bộ bội mới oai phong làm sao, cao thượng làm sao. Giờ thì vẫn phong trào ấy nhưng được thay thế bằng các vật phẩm cụ thể như: xà bông, bàn chải + kem đánh răng, khăn tắm ... nói chung là các nhu yếu phẩm. Tội nghiệp, chú bộ đội giờ chắc nghèo lắm, phải đi xin viện trợ từ các cháu thiếu nhi mà tờ tiền 2.000 có khi còn chưa biết giá trị. Mình nhìn cái thông báo ghi rất rõ “phụ huynh cho các bé các vật phẩm ... để ủng hộ chú bộ đội theo phong trào em yêu chú bộ đội của phòng GDDT...” thấy sao mà mỉa mai quá. Chẳng thà ghi là phụ huynh giúp đỡ ủng hộ còn thấy hợp lý, đàng này ... trẻ con mà. Ủa, như vậy nhà nước đâu cần nuôi bộ đội làm gì, trẻ con nó cũng nuôi được rồi, vậy thu thuế dân làm chi. Lại thêm 1 hành động làm méo mó 1 hình ảnh đẹp bằng sức mạnh đồng tiền.
Mà hình như bây giờ cái gì cũng được quy ra tiền. Đầu năm con đi học đã có thêm quỹ tình thương ủng hộ học sinh nghèo dành cho phụ huynh đóng, giữa năm lại có thêm chuyện ủng hộ tiền cho bạn nghèo ăn tết, rồi còn quỹ khuyến học dành cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.... Vậy làm học sinh nghèo sướng he, lúc nào cũng được ưu tiên, cứ đà này thành phố chúng ta sẽ xóa sạch hộ nghèo và học sinh nghèo. Ngoài ra, sở an sinh XH cũng khỏe, khỏi lo lắng nhiều vì đã có các bé cùng các bật phụ huynh cùng góp sức xóa nghèo. 
Cày cuốc cật lực cho con đi học, vẻ vang đâu chưa thấy, chỉ thấy các con lèm bèm “mẹ (ba) phải cho tiền con giúp bạn nghèo” ... nhân ái quá.

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

VIẾT VỀ MẸ!!!

Viết về mẹ... đó là điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến, cũng như chưa bao giờ thích viết mặc dù tôi có thể tự xem như mình là một nhà văn ...  nghiệp dư.
Tôi không biết phải viết về tình cảm đó như thế nào bởi tôi chưa từng cảm thụ rõ ràng tình yêu của mẹ dành cho tôi kể từ khi tôi được sinh ra đời. Tôi không sống cùng ba mẹ trong một khoảng thời gian khá dài. Chính xác là khi tôi năm tuổi, tôi được chuyển sang ở cùng với các cô vì lý do rất chính đáng “đi học cho gần trường”, bởi nhà nội rất xa và không có ai đưa đón. Mặc dù các cô đều rất thương và chăm chút cho tôi nhiều. Mỗi tối, có cô Út dạy cho học, mỗi sáng có chú đưa đi học, có cả gia sư dạy thêm những môn yếu và thậm chí, mãi đến năm tôi tốt nghiệp trung học, tôi vẫn chưa biết ủi quần áo ra sao ... Nhiệm vụ duy nhất của tôi là học và học, thế nên tôi không được phép đi chơi, không giao du bạn bè. Niềm vui và sự háo hức của tôi chỉ thực sự bắt đầu vào ngày thứ bảy. Đó là ngày mà tôi được ba hay ông nội đón về với mẹ. Nhưng tôi cũng không hẳn là nhớ mẹ nữa, tôi thích về nhà nội vì nhà nội có vườn cây, có đủ trò chơi mà ông nội bày cho chơi, và quan trọng là không bị cô nào la rầy hết. Việc đầu tiên khi tôi về nhà nội là chạy ù vào thưa mẹ, ôm mẹ ... rồi hết. Không phải vì mẹ hờ hững với tôi mà vì mẹ quá nhiều việc, mẹ phải nấu cơm, giặt quần áo, cho heo ăn, sàn cám ...có khi mẹ làm đến tối mịt. Trong cái đầu bé xíu của tôi, tôi không hiểu sao mẹ nhiều việc vậy, mà việc nào cũng lâu thế nên cách giúp mẹ duy nhất (theo yêu cầu của mẹ) là đi chơi, đừng quấy rầy. Rồi chơi mãi đến khi mệt, chạy ù vô bếp, mẹ làm cho một ly cam, cho cái bánh xong lại chạy ra chơi tiếp.
Cứ như vậy, cho đến năm tôi vào đại học, tôi đã có thể chạy xe một mình về nhà nội, thăm mẹ. Vì vậy, tôi được phép của nội, dọn về ở cùng mẹ. Khỏi phải nói tôi mừng đến mức nào, tôi hăm hở gom đồ, không đợi đến ngày cuối tuần nữa, mà đi luôn trong buổi chiều. Tôi có phòng riêng, có một không gian riêng và quan trọng là tôi được ở bên mẹ. Nói nghe có vẻ tình cảm, mà thật ra là vì muốn thoát khỏi sự quản lý gắt gao của bà nội (quên nói, kể từ khi ông nội mất, bà qua ở với mấy cô, còn ba mẹ ở riêng).
Mẹ có một tiệm tạp hóa nho nhỏ, mỗi thứ bảy, tôi có nhiệm vụ đi lấy hàng, định giá và trưng bày vô tủ kiếng. Mẹ vẫn bận rộn với hàng núi công việc không tên của mình, ba vẫn cặm cụi đi làm, đi công tác. Mỗi người một việc, thỉnh thoảng, ba mẹ cũng hỏi thăm đại khái con học hành ra sao, cần đóng tiền hay mua gì không... Sống với mẹ rồi, tôi phần nào hiểu được sự cực nhọc của mẹ, có lẽ chính những va chạm của cuộc sống đã làm mẹ thay đổi, mẹ nóng tính hơn, hay cáu gắt và quát tháo.  Tuổi trẻ với cái thói tự ái, pha đỏng đảnh cao ngút trời, tôi phản ứng khá gây gắt mỗi khi mẹ rầy la, mẹ trong tôi là điều gì đó thiệt là phiền hà, cổ hũ và không bao giờ chịu lắng nghe hay hiểu ý tôi. Đến một ngày, một việc nhỏ thôi, đã cho tôi có cái nhìn khác về mẹ.
***
Tôi thi xong môn cuối, kết quả khá tốt, tâm trạng hưng phần, tôi dự định sẽ kể cho mẹ nghe, nhưng khi về đến nhà, tôi thấy đèn không mở, dù đã 6 giờ tối, cũng lạ, thường giờ này mẹ đã lên đèn, nấu cơm rồi. Nhìn quanh không thấy mẹ, tôi vào tận sân sau và mẹ đang ngồi lặng lẽ trong một góc, không hay tôi về.
  •   Mẹ con mới đi học về, mẹ sao vậy?
  • Ờ!! (ánh mắt mẹ nhìn xa xăm, ngân ngấn nước)
  • Có chuyện gì hả mẹ?
  • Ba mẹ mới gây lộn... ba nói mẹ ngu quá...

Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nghe mẹ tâm sự. Ba mẹ chênh lệch trình độ quá, mẹ mới học hết lớp năm còn ba đã là cử nhân chính trị cao cấp. Nhiều khi mẹ muốn chia sẽ với ba, ba nói cao siêu quá, mẹ không hiểu vậy rồi dần dần, ba không muốn nói nữa, mà hễ nói ra bao giờ cũng có câu “nói hoài không hiểu, ngu quá”.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận thế nào là tình thương của tôi dành cho mẹ, cũng như lần đầu tiên trong đời tôi giận ba.
  •        Mẹ biết mẹ học không cao, bởi vậy mẹ ráng hết sức để tụi con được đi học cho bằng người ta, đừng có như mẹ, bị người ta coi thường, rồi mai này con có chồng, nhà chồng không coi khinh con được...

Rồi mẹ chậm rãi kể tôi nghe những nỗi tủi hờn của mẹ từ khi lấy ba, những lần cãi nhau gây gắt, mẹ giận dữ dắt tôi bỏ đi thậm chí thề không bao giờ quay lại nhưng chỉ vì một câu nói của ông nội mà mẹ đã thay đổi “con dẫn con của con đi rồi, tương lai nó sẽ ra sao? Có được ăn học đủ đầy như bây giờ không??”. Mẹ chịu đựng sự khó tính của bà nội, sự hờ hững của ba chỉ để tôi có được ngày hôm nay. Đã có lúc tôi thầm cảm ơn mẹ, sự hy sinh của mẹ thật vỹ đại, nhưng một cái nhìn khác, tôi cảm thấy sao mẹ nhu nhược quá, sao mẹ lại có thể cam chịu như vậy, mẹ cần phải có chính kiến của mình có hạnh phúc thật sự của mình chứ, rồi tôi chuyển từ yêu thương sang giận dữ, lấy hết can đảm nói thẳng với ba rằng: “con không thích ba nói mẹ như vậy, có ngu gì thì cũng là người sinh ra con, nuôi con ăn học và là vợ của ba”. Năm đó tôi hai mươi tuổi.
***
Tôi lập gia đình, có con và cảm nhận về mẹ chuyển sang một cấp độ khác, một góc nhìn khác. Tôi không thích những bài hát, nhưng lời ca tụng về mẹ bởi tôi thấy điều đó giống như một sự kể công, một sự ghi nhớ công đức sáo rỗng. Với tôi, có con là niềm vui, là sự mong chờ của chính bản thân mình, chăm sóc, thương yêu con là chuyện hiển nhiên chả có gì là to tác. Tôi không có quan điểm sinh con để nhờ vả khi về già, cũng không có ý định sinh con để sau này nó nuôi lại. Tôi cực kỳ ghét cái lối nghĩ thiển cận đó, thế mà không hiểu sao, quanh tôi nhan nhản những con người hiện đại lại giữ nguyên cái suy nghĩ lỗi thời, lạc hậu như vậy. Nói thế không có nghĩa là tôi khó chịu với việc con cái chăm sóc ba mẹ. Đó là điều hiển nhiên giữa việc cho và nhận. Tôi thích xem đó là niềm vui hơn là nghĩa vụ và trách nhiệm. Mỗi khi tôi mua tặng mẹ một món quà, tôi thấy mình vui và tôi nghĩ người nhận hẳn sẽ cũng vui. Mỗi khi tôi hỏi thăm mẹ, tôi thấy mình hạnh phúc và tôi nghĩ, mẹ cũng sẽ hạnh phúc như thế. Cũng giống như khi tôi mua quà cho con gái, nó thích thú cười nhăn nhở, tôi cũng cười. Giống như khi tôi kể cho nó nghe chuyện linh tinh, nó yên lặng lắng nghe và bình luận vài câu chả ăn nhập gì, tôi thấy sung sướng. Nói theo thuyết nhân quả là cho gì nhận đó, khi cho niềm vui, ta sẽ nhận lại niềm vui, khi cho đi khổ đau, ta cũng sẽ nhận lại khổ đau.... Năm đó tôi ba mươi tuổi.
***
  • Mẹ thở dốc từng hơi, ngồi bệt xuống sàn nhà.
  • Lau có chút xíu mà mệt quá.
  • Để tí con lau cho
  • Thôi, mày lo cho con mày đi, mẹ có mua con tôm bự lắm, làm cái gì cho nó ăn, tao thấy nó ốm rồi.
  • Nó ốm đâu mà ốm, tại nó cao lên, mẹ thấy vậy thôi hà
  • Không, nó ốm thiệt, cái tay nó nhỏ xíu. Với lại nó đen thui, mà nó khoái ăn đồ tây quá, mẹ không biết nấu cho nó ăn. Nên đợi mày dìa nấu.

Mẹ vẫn vậy, vẫn càm ràm, nói nhiều và ca cẩm đủ thứ trên trời dưới đất. Đôi khi cách mẹ quan tâm khá độc tài và quân phiệt, kiểu như “tao nói đúng là nó đúng”, nhưng dù kiểu nào thì cũng thể hiện sự quan tâm để cho tôi có được những thứ tốt nhất, những điều hay ho nhất – theo quan điểm và cách nghĩ của mẹ. Đổi lại, tôi chấp nhận và gật gù vẻ đồng tình, không tranh luận. Điều mà khi tôi 20, thậm chí 30 tôi không cách nào làm được. Tôi hiểu và thương mẹ theo một cách khác, không vồn vã, không khoe khoang, không chỉ trích. Chỉ đơn giản là mẹ cần lắng nghe...
Bây giờ tôi gần bốn mươi.
***

Tôi viết những dòng này, chỉ để ghi nhớ những cột mốc thời gian quan trọng có mẹ  trong đời tôi. Chỉ để nhớ rằng, tôi có một người mẹ luôn quan tâm đến tôi theo một cách riêng mà không phải người mẹ nào cũng có thể làm được. 

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

CAFE BUỒN!!!

-       Hey, đến sớm vậy cậu??
-       Lâu không hẹn anh, nên đến sớm chờ mà. Uống gì anh? Café pha sẵn, ngọt như cũ ha?
-       Chà chú mày còn nhớ gu của anh hả? tốt
-       Nhớ chứ, mới có ba năm mà anh. Với lại em coi như anh hai trong nhà, tí xíu chuyện không nhớ coi sao được.
-       Ờ, giờ sao rồi, hẹn anh có việc gì?
-       Không có gì, lâu rồi không lên Sài gòn, với lại em chỉ có mình anh, nên lên đây phải gọi anh chứ sao. Em cũng thường anh.
-       Quán café sao rồi, đông khách hông? Cậu lên đây rồi ai coi quán, bạn gái hả? hay là lên mời tui đám cưới.
-       Cưới gì anh ơi, em chia tay gần 3 tháng rồi. Quán cũng dẹp luôn vì hông ai coi. Em tính nghỉ lấy lại tinh thần rồi từ từ tìm việc sau.
Câu chuyện cứ như thế diễn ra chậm chạp, rỉ rả như những giọt café đặc quánh … Trí kể tôi nghe về quãng thời gian qua bằng giọng trầm trầm, đều đều pha lẫn đắng cay.
***
-       Em gái ơi, đừng có bẻ sen, nó đang ra búp, bẻ uổng lắm – giọng Trí như van lơn, đau lòng nhìn đám sen bị mấy cô gái trẻ quần thảo tơi tả
-       Dạ, em định bẻ vài bông dìa ướp trà cho ba uống. Cho em xin vài bông thôi anh – giọng một cô gái nhỏ nhẹ.
-       Nếu vậy thì em đừng có bứt làm gì, mơi anh ướp cho vài trăm trà, không lấy tiền đâu.
-       Thiệt hả anh, cám ơn anh nhe, anh tốt quá.
Vậy là Trí quen Thương, cô gái miền tây, tận Sa Đét, có cái nụ cười tươi chết người. Rồi cũng như bao người trẻ tuổi yêu nhau, họ cũng có như ước mơ về mái ấm tương lai. Và rồi cũng như bao đôi tình nhân chân chất khác, họ cũng phải xoay vần với cơm áo gạo tiền. Nhà Trí và Thương đều là nhà nông, nhưng cả hai đều được ba mẹ cho ăn học, vì vậy, họ muốn tự tay xây dựng nên mái ấm của mình. Trí đã bàn với Thương, anh sẽ lên thành phố, làm việc vài năm, kiếm ít tiền làm vốn. Còn Thương tiếp tục học cho xong đại học ở Cần Thơ, rồi tìm việc làm. Trí sẽ cùng Thương mở một quán café nho nhỏ, rồi sẽ mở ra kinh doanh thêm gì đó.  Và với niềm tin vào tương lai tươi sáng đó, Trí hăm hở vác ba lô lên Sài gòn, lao vào vòng xoáy của mưu sinh hòng thực hiện lời hứa với Thương.
Nhưng mọi nỗ lực không mệt mỏi của Trí cũng không thể nào vượt qua được những khắc nghiệt nơi đô thành hoa lệ. Đi mòn hết đôi giày, mà Trí vẫn không tài nào tìm một việc làm cho đàng hoàng, hợp với chuyên ngành hướng dẫn viên của mình. Trí làm đủ mọi việc, từ giữ xe, cho đến giao hàng, tiếp thị, bưng bàn… và rồi dừng chân là một nhân viên sai vặt của một công ty nhỏ ngay trung tâm thành phố. Trí cần mẫn như vậy cho  đến ngày anh gặp Huỳnh – giám đốc của một công ty cơ khí. Sau vài lần ra vào công ty của Trí, xã giao tượng trưng, Huỳnh nhận ra Trí có một ưu điểm, đó là tính chân thực, rất hợp với vị trí thu mua còn trống trong công ty của anh. Vậy là Trí về đầu quân cho Huỳnh. Huỳnh quả là không nhìn lầm người, Trí làm tốt hơn cả mong đợi. Điều gì cũng chỉnh chu, chưa hề làm mất lòng đối tác cũng như đồng nghiệp.
Công việc ổn định, lương cao, Trí chẳng những có thể lo cho bản thân, mà còn lo luôn học phí của Thương những năm cuối. Trong tâm khảm của Trí, Thương luôn hiện hữu là tình yêu, là người vợ và là mục tiêu phấn đấu của Trí. Những chiều cuối tuần, không ngại cả trăm cây số, Trí luôn vượt đường xa để về bên Thương. Đôi khi chỉ để nhìn Thương, nắm bàn tay nhỏ nhắn của nàng, yên lặng nhìn đầm sen mướt mát, thấy lòng thật bình yên.
Những tưởng, con đường hoạn lộ của Trí mở ra từ đấy, khi ban giám đốc có dự định cất nhắc Trí lên thay thế trưởng phòng sắp nghỉ hưu thì một biến cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Trí. Một ngày, Trí lên phòng của Huỳnh, run run nộp lên bàn tờ giấy xin nghỉ việc.
-       Thế này là sao hả cậu? – Huỳnh nhíu mày đọc lướt qua tờ đơn
-       Dạ, em xin phép anh cho em cuối tháng nghỉ việc, em về quê có chuyện
-       Ba hay mẹ bịnh à? Cần anh giúp gì hông? Cứ nói thẳng, đừng ngại
-       Dạ không, việc riêng của em, không phải ba mẹ - Trí ấp úng, không biết nói sao
-       Vậy việc gì, chú nói thẳng anh nghe, nếu không có lý do chính đáng, anh không duyệt
-       Bạn gái em bị tai nạn, xe đụng gãy chân. Đi lại khó khăn quá, giờ cô ấy lại đang ôn thi tốt nghiệp đại học, em muốn về lo cô ấy. Chứ nhà neo người, không có ai chở cô ấy tới lui
-       Ah, cái cô đẹp đẹp lần trước anh về chú giới thiệu phải hông?
-       Dạ
-       Chú định nghỉ bao lâu?
-       Dạ em cũng không biết nữa, chắc nghỉ luôn, chứ nghỉ tầm một hai tháng, chắc mấy anh ở trên không chịu đâu.
-       Chú suy nghĩ kỹ chưa? Vì theo như anh biết thì nhà cô ấy không đến nỗi nào, còn có anh trai mà. Giờ chú đang có việc làm ổn định, vị trí đó nhiều người muốn lắm. Chú nghỉ rồi thì sống sao? Chuyển công tác về dưới luôn ha?!
-       Dạ, em nghĩ kỹ rồi anh. Em cũng tiếc lắm, nhưng mà em không có chọn lựa nào khác. Anh thông cảm dùm em.
-       Trước giờ, tình cảm anh dành cho chú thế nào, chú tự biết. Anh chỉ khuyên chú một điều, làm gì cũng suy nghĩ cho kỹ, biết cân phân nặng nhẹ, để có gì khỏi hối tiếc. Riêng chuyện tình cảm của chú, tuy rằng anh chỉ gặp bạn gái chú vài lần, nhưng anh thấy cô đó có gì đó không có thiệt lòng. Anh lo chuyện của chú sẽ không tới đâu. Anh vẫn mong rằng anh đã nghĩ sai, để chú thật sự có hạnh phúc. Anh cho chú ba ngày để suy nghĩ, nếu vẫn cương quyết nghỉ, thì anh duyệt.
-       Dạ, em cũng nghĩ hết cả tuần rồi, hôm nay em mới dám nộp đơn cho anh. Nên anh không cần chờ em ba ngày nữa đâu anh, em quyết định rồi. Em rất cám ơn anh đã coi trọng, giúp đỡ em trong thời gian qua… vì vậy em ..
-       Thôi khỏi trăng sao gì … Huỳnh cắt ngang lời của Trí. Chú quyết rồi thì anh duyệt. Chúc chú thật sự hạnh phúc
Rồi cũng như khi ra đi, Trí hăm hở cuốn gói về Sa Đét với tất cả tình yêu của mình. Trí chăm sóc Thương thật cẩn thận, đưa đi học, đón về. Rồi với số vốn nho nhỏ tích cóp sau hai năm làm việc miệt mài, Trí mở cho Thương một quán café nho nhỏ. Còn Trí, thì xin vào làm hướng dẫn viên của một hãng lữ hành nội địa.
***
-       Vậy ổn rồi, cưới là ok? Sao tự nhiên chia tay?
Huỳnh lên tiếng sau gần năm phút im lặng của Trí
-       Em cũng nghĩ là sẽ cưới thôi, cho đến một lần, em đi công tác sáu ngày. Khi về, em thấy  thái độ cô ấy khác khác. Cổ lãng tránh em, không còn vui như những lần trước, ngay cả điện thoại, cũng không cho em cầm. Em vẫn cho rằng tại mình đi nhiều nên cổ giận nên ráng làm cho cổ vui. Mà làm gì cổ cũng bực mình, càm ràm em.
-       Chà, căng à
Rít một hơi thuốc, Trí thong thả tiếp lời
-       Rồi một buổi chiều, cô ấy nhắn cho em một tin nhắn, chỉ có một câu “mình chia tay đi anh, em thấy không hợp với anh”. Vậy thôi đó, em gọi thì cổ không nghe máy, tới nhà thi không gặp. Nhất định tránh mặt em. Em thiệt tình không biết mình sai chỗ nào? Hay có gì không làm cổ vừa lòng mà cổ nở đối xử với em như vậy. Em đau lắm anh …
Nói rồi, Trí lại im lặng, Huỳnh cũng im lặng, nhẹ nhàng đặt tay lên vai Trí. Như chỉ cần có thế, Trí khóc rưng rức như một đứa trẻ. Có lẽ, nỗi đau quá lớn, Trí đã phải dồn nén rất lâu giờ chỉ chờ có dịp là tràn dâng mạnh mẽ. Trong nước mắt, Trí khẽ khàng:
-       Cô ấy là tất cả đối với em, là niềm tin là mục tiêu phấn đấu của em. Có những lần mệt mỏi, tưởng chừng như bỏ cuộc, em lại nghĩ về cô ấy, về ước mơ của tụi em, em lại thấy mình mạnh mẽ. Vì cô ấy, em hy sinh tất cả, làm tất cả … mà sao cô ấy nỡ bỏ em. Có phải em ngu lắm không anh?
-       Anh không phải là chuyên gia phân tích, cũng không biết nói lời an ủi, anh hiểu chú đang rất đau khổ, thôi thì khóc được cứ khóc, nhưng chỉ một lần này thôi. Nước mắt đàn ông quý lắm, đừng tùy tiện sử dụng.
-       Em đã tự hỏi mình rất nhiều lần, đã hút hết 3 gói thuốc trong một đêm, vẫn không hiểu tại sao?
-       Tình yêu khi đã hết, thì nó sẽ ra đi, níu kéo vẫn không được gì đâu. Tìm hiểu lý do để làm gì, khi mà kiểu gì thì cũng chỉ có một kết quả. Hợp rồi tan, là lẽ thường tình. Chỉ là con người có biết chấp nhận hay không thôi. Giống như tái ông mất ngựa vậy, kết thúc chuyện này, sẽ là mở đầu cho chuyện mới. Chia tay cô ấy, không hẳn là một điều xấu, biết đâu đó là cơ hội, để chú tìm được một người tốt hơn.
-       Từng tuổi này rồi, em hiểu đạo lý đó chứ, nhưng em vẫn không chấp nhận được, em đã vì cô ấy rất nhiều, sao cô ấy lại có thể phũ phàng từ bỏ em như vậy.
-       Chú đã nghe qua câu “thi ân bất cầu báo” chưa?, chú đang nghĩ là chú có ơn, và cô ấy cần báo đáp à?! Tình yêu không bao giờ có sự công bằng, chỉ là hài lòng và không hài lòng mà thôi. Khi người ta hài lòng về nhau, ta hy sinh cho nhau, khi ta không còn sự hài lòng nữa, ta ra đi. Anh không khuyên chú phải quên đi, phải này phải nọ. Cũng không cần phải gồng mình giả vờ như chưa có gì xảy ra, hãy để tự nhiên, buồn hãy uống rượu, hút thuốc, vui hãy đi chơi cùng bạn bè. Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả. Rồi một ngày, chú sẽ nhìn lại, thấy những gì ta làm hôm nay thật là điên rồ và vô nghĩa.
-       Tuần sau, cô ấy cưới rồi anh. Nghe bạn bè nói lại, đó là thằng Trường, bạn em, nhà cùng xóm với cô ấy….
-       Vậy chú lên đây để né tránh hay tìm bình yên?
-       Em cũng không biết nữa, em chỉ biết xách ba lô lên và đi. Em muốn đi thật xa, để có thể quên. Nhưng nơi nào cũng đầy kỷ niệm. Ba lô chỉ có vài bộ đồ, mà sao nó nặng trĩu vai em.
….
Hai thằng đàn ông yên lặng, cứ thế ngồi bên nhau, mỗi người một suy tư. Nhìn Trí, Huỳnh vừa cảm thông vừa giận, sao Trí có thể yếu mềm như thế? sao đời lại có cô gái bạc như thế? Và sao yêu chân thành lại đau khổ đến thế? Huỳnh cũng không lý giải được. Cũng như Trí, người anh yêu giờ đã vi vu trời tây, bỏ lại cho anh những kỷ niệm buồn và dang dở. Biết trách ai, hờn ai khi tình yêu đã ra đi.
Giọt mưa đêm vô tình rơi trên má,
Anh vô tình lại nhớ ánh mắt em ….

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

好 听!!!

https://www.youtube.com/watch?v=Eh5IKEz17_Q&feature=sharehttps://www.youtube.com/watch?v=Eh5IKEz17_Q&feature=share