Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

NỖI SỢ!

Từ lúc có con, tôi bỗng đâm ra nhát và mít ướt. Tôi sợ đủ thứ.

Tôi sợ ra đường vào buổi tối, tôi sợ chạy xe nhanh, tôi sợ một tiếng kèn nào đó sẽ làm tôi giật mình đánh rơi con xuống đường.

Tôi sợ đi cầu thang, tôi sợ những bậc thang bằng đá trơn trợt sẽ làm con tôi té ngã.

Tôi sợ cô giáo, tôi sợ một ngày tôi phát hiện ra con tôi bị bạo hành vì không biết nghe lời.

Tôi sợ nghe điện thoại, sợ 1 giọng nói xa lạ nào đó bảo rằng đem tiền mà chuộc con về.

Tôi sợ bác sỹ, sợ nghe tiếng nói đều đều lạnh lùng của ông bác sỹ khi báo tin con bị bịnh nặng.

Chung quanh tất cả đều đáng sợ và nguy hiểm với con tôi.

Tôi nhạy cảm và mít ướt

Những hình ảnh tai nạn không làm tôi xúc động bằng cảnh một cậu bé ngồi yên lặng giữa đống đổ nát của trận động đất chờ ba mẹ về.

Tôi khóc ngon lành khi đọc những câu trả lời ngây thơ của chú bé 9 tuổi Nhật Bản khi có người hỏi về ba mẹ.
Tôi lặng người khi nhìn những bức ảnh chụp hình của hơn 30 em bé bị vùi trong đống đổ nát tại Tứ Xuyên.
Có phải khi đã làm mẹ, người ta dễ xúc động và nhạy cảm hơn chăng?! Tôi không biết, duy có một điều tôi biết rất rõ là khi đã làm mẹ, người ta yêu trẻ con hơn.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

HẠNH PHÚC GIẢN ĐƠN

Hôm nay, một ngày đầu tuần bận rộn, mình lại thêm nhiệm vụ đón con. Nhiệm vụ thường ngày và ổn định của ông xã. Nhưng hôm nay ông xã đi công tác và mặc nhiên, mình làm nhiệm vụ thay ổng.

4g cổng trường bé đã vắng, bởi phụ huynh thường đón con sớm hơn 15-20’.

Lớp mầm 3 nằm gần cuối hành lang, chỉ còn chừng 5-6 bé.

Thoáng nhìn thấy mẹ, con gái mình chạy ào ra, bất kể chướng ngại vật, nhào tới ôm mẹ thật chặt làm mẹ té chúi nhủi (nó luôn thích ôm bạo lực như thế)

Rất chuyên nghiệp, nó chạy đến ngăn tủ cá nhân, lôi giày và ba lô ra, rồi ngồi xuống ngế, phủi chân cho sạch trước khi mang giày (đi học có khác).

Xong, dắt mẹ tới trước cô giáo, thưa cô con về.

Ra đến xe, nó dòm lom lom vào mẹ và phán: “hôm nay mẹ mặc váy hả? vậy thôi, con ngồi sau nhe” – chuẩn đến thế là cùng.

Đường về nhà phải qua hai cây cầu to và đẹp, nó lại liếng thoắng: “sao không có con diều hả mẹ? à, con biết rồi, hôm nay mấy bạn phải đi học, không ai rảnh thả diều” (tư duy gớm, mới 3 tuổi thôi nhé). “mẹ à, mai mốt con lớn con đi thả điều một mình, mẹ không đi theo đâu, mà mẹ đừng lo, con lớn rồi, ông bụng bia sẽ không bắt con đâu” (lại tư duy).

Gió lớn quá, con ôm mẹ chặt nhé, kẻo bay xuống sông, trôi ra biển mất tiêu. “yên tâm, con ôm chặt rồi, không bay đâu, bay mất rồi ai mà cho mẹ hun chứ”, lý sự gớm.

Bất giác tôi thấy vui lạ, có một niềm vui mà tôi không tả được, cứ nghĩ đến con là thấy vui. Có lẽ tôi đã lọt vào cái gọi là “chủ nghĩa tôn thờ trẻ con” như 1 blogger đã nói. Hóa ra, có một sinh vật bé nhỏ, gọi mình bằng “mẹ ơi, mẹ à” thật là thú vị và hạnh phúc.

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

BÀI HỌC CẢM ĐỘNG TỰ CẬU BÉ NHẬT!!! (copy từ báo Dân Trí)

(Dân trí) - “Một câu chuyện cảm động về cậu bé 9 tuổi ở Nhật đã dạy cho tôi bài học làm người trong lúc khốn khó nhất.”
Một bé trai tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagy, chờ lấy nước sôi để ăn mỳ.
Dưới đây là bài viết cảm động của một độc giả gửi báo Dân trí về cách ứng xử tuyệt vời trong cơn hoạn nạn ở Nhật của một cậu bé mới 9 tuổi.
Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt của em thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm.
Em kể khi đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của em làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường em nhìn thấy chiếc xe và cha bị nước cuốn trôi, nhiều khả năng đã chết.
Hỏi mẹ đâu, em nói nhà em nằm ngay bờ biển, mẹ và em em chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến thân nhân.
Nhìn thấy em nhỏ lạnh, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người em nhỏ. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho em và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu bé ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.
Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc, để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại.
Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
=> Hic, hic, đọc xong không cầm được nước mắt, rinh về nhà để từ từ suy ngẫm.

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

BỰC BỘI!

Đôi khi mình thấy mình thật sự cô đơn, có những lo toan, có những bế tắc, có những bực bội dỗi hờn cần người để chia xẻ, mình lại không có ai. Rất nhiều lần mình ngồi thừ ra với đống danh sách bạn bè dài ngoằng mà không biết gọi cho ai. Người có thể tâm sự lại không đồng quan điểm, người đồng quan điểm lại không thể xẻ chia. Rắc rối. Mình luôn gặp rắc rối với những tư duy đó.
Mình đang bực bội ông chồng, chính xác là về quan điểm … đại khái như quan điểm cộng đồng vậy. Ông ấy có 1 cậu em trai nối khố, họ thân nhau từ thời hoạn nạn, nghèo khó (đó là ổng kể tôi nghe vậy). Ngày mai cậu em ấy cưới vợ, nội bộ gia đình cậu ấy lục đục thế nào mà bà cô khó ưa của cậu ấy đem hết tiền để dành của cậu ấy ra Hà Nội (tiền cậu gởi ba giữ và ông ba thì sợ mất, đưa cho bà cô giữ), rắc rối thế đấy. Kết quả là bây giờ cậu ta không đủ tiền để thanh toán cho tiệc cưới. Vậy là ông chồng nghĩa hiệp của mình ra tay, định cho cậu ấy mượn 40 triệu, xui cho ổng là cty ổng vừa huy động vốn xong nên ổng chỉ còn chừng 10 triệu thôi vậy là nhờ mình đi mượn tiền dùm, hứa vài ngày trả. Mà trời hỡi, thời buổi này, ai làm gì còn tiền để mà cho mượn đột xuất vậy. Mình cũng giúp hết mình rồi mà không được, thế là lão giận. Công bằng mà nói thì lão tốt, nhưng mà lão phải nghĩ chứ, chuyện nội bộ nhà đó, làm không xong xấu mặt cả họ, còn anh chị em cậu ấy nữa, chả lẽ chẳng ai lo à. Mình giúp trong giới hạn thôi chứ. Mình bực quá, mắng lão cũng không được mà làm lơ cũng không xong. Ức chế quá đi. Giờ tính sao đây!

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

NHẢM THỜI BÃO GIÁ

Dưới đây là bộ sưu tập thơ sau khi các user "tức cảnh sinh tình" vì tăng giá. Thu gom lại cho bà con đọc thư giãn và động viên nhau vượt qua thời kỳ đen tối này.

Anh đội viên thức dậy,
Thấy trời khuya lắm rồi,
Mà sao Bác vẫn ngồi,
Thì ra Bác mất ngủ,
Anh đội viên ủ rủ,
Xăng tăng giá Bác ơi,
Bác bảo Bác biết rồi,
Mười chín nghìn một lít,
Anh đội viên sụt xịt,
Xe cháu xe tay ga,
Bác chạy toyota,
Chú khổ sao bằng Bác,
Hai bác cháu phờ phạc,
Vì lạm phát dâng cao,
Và họ cùng ước ao,
Cầu cho lương "Lên giá".
***
Bắc thang lên hỏi ông trời
Xăng lên kinh wa chừng nào thì ngưng
Ông trời ổng bảo mày ngu
Tao đi xe đạp xăng lên kệ mày
***
Đau đầu vì điện
Điên đầu vì đô
Ngây ngô vì vàng
Ngỡ ngàng vì đất
Ngất vì tỉ giá
Ngã vì lãi suất
U uất vì lương
Hết đường với thuế
Ế vì lạm phát
Nát vì giá xăng
***
 Sao anh không về xem bão giá.
Từ mấy ngày qua chới với luôn.
Tiền lương vừa lãnh cầm đi chợ.
Tai nghe báo giá, mặt xanh rờn.
Giá theo lối giá, lương đường lương.
Đời sống hôm nay thật thảm thương.
Tiền lương, tiền thưởng như chiếc lá,
Có trụ qua mùa bão giá không ? ...
Mơ đến ngày nao đến ngày nao.
Lương mình được lãnh tăng thật cao.
Điện, nước, xăng, dầu là chuyện nhỏ.
Cuối tháng lãnh lương thở cái phào.