Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

CHUYỆN NHỎ BÊN ĐƯỜNG!


1. Sáng, đứng chờ chị bán cafe làm cho 1 ly, chợt giật mình:
- Tui nói rồi nhe, bà về nói với con bà, trắng đen phải rõ ràng, thiệt là thiệt và gian là gian, đừng có nửa nạc nửa mỡ tui không có ưa. Tính tui vậy đó - tiếng ông già bàn bên cạnh rổn rảng.
- Ông nói hay quá, chuyện tụi nó, sao tui biết. Mà ông nói nửa nạc nửa mỡ, ông không ưa, vậy sao ông khoái ăn ba rọi - bà thím ngồi kế đáp trả.
Ông giá ngắc ngứ vài giây:
- Kệ tui, tui vậy đó....

2. Lần nào tui mua đồ ở cửa hàng cũng là mẹ nó bán, lần này, mẹ nó bận việc, nó bán dùm. Nó mới 6 tuổi thôi:
- Con lấy cho cô cục xà bông
- Dạ, cô lấy loại nào? 6.000 hay 10.000
- Lấy 10.000 đó con
- Dạ, cô chờ chút con thối tiền
- Ừa
- Dạ, tiền của cô, con cám ơn cô...
Nhà mẹ con nó nghèo và thằng bé đang học lớp tình thương của phường.

3. Chợ sáng rất đông người, chợt có tiếng la:
- Móc túi ...
Một bà to béo, chột tay thằng nhóc đen thui ốm nhách
- Mới bi lớn móc túi hả mậy, tao quánh mày chết, nộp cho công an, cho mày đi tù rục xương.
Tiếng mọi người lao xao, đồ mất dạy, đánh chết mẹ nó đi. Thằng bé giương đôi mắt tèm lem, nó híc híc từng tiếng:
- Dạ, con đâu có móc túi, con thấy bà làm rớt tiền, con lụm cho bà. Mà con kêu hoài bà không có nghe, nên con nắm áo bà lại thôi hà. Tiền của bà nè.
Từ tay thằng bé, một nắm tiền chắc cũng khoảng vài trăm. Bà béo vội cho tay vào túi, lục lạo rồi chộp ngay nắm tiền. Tay buông thằng bé, bà béo không nói một tiếng, quày quả bỏ đi...

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

CON GÁI !!!

1. Mẹ đang chải đầu, cột tóc cho con gái:
- Mun ơi, con uống sữa hông, bỏ uổng quá
- Sữa mẹ để tối qua, giờ uống cho đau bụng à
- Ừa, mẹ quên há. Mà sao con biết sữa qua đêm bị hư?
- Thì mẹ dạy chớ ai. Mẹ làm mẹ cái kiểu gì mà dạy con rồi không nhớ. Thiệt hết nói
Mẹ ....

2. Mẹ nghe con gái la om sòm:
- Ba thôi nghe, chọc con hoài, con mét mẹ
- Thì mét đi, coi mẹ làm gì ba?
- Mẹ, ba chọc con nữa kìa
- Ba chọc cho vui thôi mà, có làm gì đâu con
- Con không thích, ba cắn tay con nữa nè
- Vậy để mẹ nói ba hé
- Mẹ nói sao thì nói cho ba rút kinh nghiệm đi, nói hoài mà đâu có chịu sửa. Con bực lắm rồi nhen.
Ba ... hết ý kiến.
(Con gái mới 6 tuổi mà thế rồi...)

20/11 ...


20/11 ... năm xưa
Tôi nhớ hồi tôi còn bé, đại khái là lớp 6-7 gì đó, 20/11 luôn là một ngày đặc biệt đối với chúng tôi. Nói chúng tôi, vì lúc đó chúng tôi có 5 đứa, cùng sống chung một nhà. Tôi nhớ rất rõ, thường đêm 19/11, cô Út của tôi sẽ đi mua hoa. Cô mua 1 bó hoa cúc trắng rất to cùng dây và nơ. Cô rất khéo tay và tỉ mỉ. Sau đó, cô sẽ lấy 1 cái bàn dài và bày tất cả dụng cụ cắt tỉa lên đó, trong khi bọn lóc nhóc tụi tui ngồi chung quanh, háo hức nhìn cô bó hoa. Ngày xưa, làm gì có nhiều giấy gói bóng đẹp như bây giờ, nên cô tôi gói hoa bằng báo cũ. Những tờ báo được cô xếp ngay ngắn, cắt khéo léo những hoa văn quanh rìa (như người ta cắt giấy nghệ thuật ogami ấy). Rồi cô cột hoa cúc thành từng bó vừa tay, lấy giấy bao lại, thắt một cái nơ bằng vải màu đỏ. Đơn giản, nhưng rất thẩm mỹ. Mỗi đứa chỉ được 1 bó vì làm gì có nhiều tiền để mua nhiều hơn. Vậy mà bọn tôi, đứa nào cũng thích, cứ ngồi nhìn cô bó hoa mà xuýt xoa "đẹp quá, đẹp quá". Riêng tôi, tôi thích nhìn cái cách cô tôi bó hoa, đầy tâm huyết. Cô tập trung thật cao, sao cho bó nào cũng đều và đẹp như nhau để bọn tôi khỏi ganh tỵ - đó là theo cách giải thích đơn giản của cô với bọn con nít tụi tui. Chứ thật lòng, tôi biết, của cho không bằng cách cho. Tôi đã học được từ cô đức tính đó, đã không tặng gì thì thôi, một khi đã làm thì phải "coi cho được", phải xuất phát từ cái tâm. Và điều tôi thấy cô tôi vui nhất là khi bọn tôi về nhà, khoe rần trời là bó hoa của cô Út đẹp nhất, cô con thích nhất. Lúc ấy, cô Út sẽ cười thật tươi và lại suy nghĩ ... năm sau phải làm sao cho đẹp hơn để tụi nó tự hào. 
20/11... năm nay
Con tôi đã 6 tuổi, tôi cũng quen dần với việc quà cáp cho thầy cô của con gái, nhưng thay vào đó là "bao lì xì" chứ không phải những món quà đơn sơ như ngày xưa nữa. Tôi cũng không bắt gặp ánh mắt háo hức từ con gái khi tôi gói quà cho cô giáo nó. Bởi, món quà giờ rất xa xỉ, nó không còn mang ý nghĩ cảm ơn nữa, mà như một sự trả lễ. Buồn!

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

VĂN HÓA KẺ CẢ!

Mình làm việc trong ngành, ít nhiều có quan hệ ngoại giao với các cấp lãnh đạo. Không có ý phân biệt vùng miền, nhưng thực tế chứng minh (ít ra qua kinh nghiệm bản thân), các nhà lãnh đạo khu vực phía Bắc luôn có thái độ kẻ cả và khi người. 
1. Tháng 6, mình có 1 đoàn khách thuộc đài truyền hình tỉnh Triết Giang TQ - sang Saigon làm 1 bài phóng sự về văn hóa ẩm thực khai hoang. Để có được giấy phép và visa báo chí, mình đã lên Sở ngoại vụ thành phố, gặp phó phòng đối ngoại để được tư vấn. Họ đã làm mình ngạc nhiên vô cùng, thái độ làm việc rất thân thiện, nhiệt tình và tôn trọng doanh nghiệp. Trong quá trình đoàn đi quay, luôn có cán bộ của sở đi theo để giúp đỡ và giám sát - nhân viên trẻ đẹp, có trình độ. Nói chung, cả nhân viên cty và nhân viên đối tác đều hài lòng với tác phong làm việc đó. Họ nhìn nhận nhân viên công quyền của Saigon có hình ảnh rất tốt. Mình cũng cảm thấy tự hào, và có cái nhìn thiện cảm hơn so với trước. 
2. Tháng 10, mình có việc ra gặp Bộ Tài Chính Hà Nội, đón tiếp vẫn lịch sự (mình nói trong giới hạn lịch sự ngoại giao thôi nhá). Nhưng trong hành vi, không có sự nhiệt tình, thay vào đó là thái độ rất kẻ cả. Để tiện cho công việc về sau, mình chủ động xin card, bà phó phòng tài chính dửng dưng đưa card, mình lịch sự gởi lại card của mình, bà ấy phất tay khỏi đi em (bạn mình giải thích rằng, ý là mày có việc thì đến tìm tao, chứ tao không có rảnh để nói chuyện với mày). À thì ra vậy! Shock tập 1. Khi ra về, gặp 1 ông bên tài vụ, mình cũng lịch sự chào, ông ấy gởi cho mình cái card, mình gởi lại. 10' sau mình có việc quay lại văn phòng, mình thấy card của mình nằm dưới đất. Cả ngày hôm đó, mình chỉ đưa ra 1 cái duy nhất cho ông ta. Shock toàn phần. 
3. Sở du lịch Đà Nẵng mở roadshow để hợp tác quảng bá du lịch khu vực miền Trung, các nhân vật cộm cán của Đà Nẵng cũng có mặt. Sau phần giới thiệu, là phần lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp. Mình thấy họ lắng nghe, ghi chép rất nghiêm túc. Rồi thì ông giám đốc sở DL DAD đứng lên, giải thích từng câu hỏi 1, không sót câu nào với thái độ cầu thị rất rõ ràng. Mình không biết các ông sẽ giải quyết ra sao, nhưng ngay tại lúc đó, mình thấy nể cách làm việc của các ông, thái độ tôn trọng lẫn nhau rất  tốt. Sau đó 1 tháng, thì có công văn thông báo miễn giảm giá cũng như các quy định hỗ trợ việc làm thẻ cho hướng dẫn viên. 
Cả 3 câu chuyện đều là thực, đó là lý do tại sao khi đọc các bài báo, các câu trả lời của các ông bà chức quyền HN, mình không có chút tin tưởng cũng như tôn trọng nào. Họ, không xứng đáng để ngồi vào cái vị trí đó. Tham quyền cố vị chỉ làm cho hình ảnh công quyền HN nhếch nhác và rẻ tiền mà thôi.

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

GIÁO VIÊN THỜI NAY - VÔ ĐẠO ĐỨC!!!

Không biết ai là giáo viên đọc bài này nghĩ gì nữa. Giáo viên được ví như mẹ thứ 2, được mọi người tôn trọng mà hành xử như đồ vô học kiểu này thì mình thiệt không biết nói sao. Hoàn toàn đồng cảm, bởi chính mình và ông xã đã trải qua tình huống đó. Phụ huynh càng nhỏ nhẹ, giáo viên càng coi thường. Đến khi chịu không nổi, làm tới thì các cô chối leo lẻo, khóc lóc như bị oan lắm. Mình nghĩ bộ GD nên đưa thêm cái môn đạo đức vào giảng dạy cho các trường sư phạm, để giáo viên tương lai thật sự là con người chứ không phải con thú đội lốt người như hiện nay (mình cũng xin lỗi nếu những lời này xúc phạm đến giáo viên chân chính)
http://vnexpress.net/tin-tuc/ban-doc-viet/doi-song/con-toi-bi-co-hat-hui-ban-xa-lanh-vi-2-000-dong-2903802.html

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

TỪ THIỆN!


Sáng ra đọc báo, nhân đọc tới bài của Kỳ Duyên viết về "sự khác biệt giữa văn hóa Tây Phương và văn hóa Việt Nam". Mình thấy cô ấy nói hoàn toàn đúng. Hơn nữa, đó là quan điểm cá nhân. Thế mà các ông nhà báo hùa nhau copy, giật tít nghe hết cả hồn "Kỳ Duyên chỉ trích lối sống của người Việt".... úi trời ơi, thiệt là hết ý kiến. Nếu ai chưa từng đọc bài viết của KD, sẽ nghĩ rằng cô ấy xuyên tạc gì đấy. Rồi xúm nhau bình luận lối sống của cô ấy. Càng chứng minh những gì cô ấy nói là có cơ sở. 
Thêm nữa, mình lướt qua face của KD, thấy cô ấy post hình vui chơi với bạn, cũng thường thôi, ấy vậy mà có cả đống người còm là "ăn sang vậy, có biết dân nghèo .... tá lả" đại khái sao không tiết kiệm làm từ thiện. Bà nội cha nó, đụng tới là từ thiện, sao mà nghe nó ngứa lỗ tai quá. Từ thiện là từ tâm, mấy thằng ngồi đó đấu võ mồm chớ hỏi ra nó có bao giờ làm từ thiện. Toàn cái lũ ôn thần mà tỏ ra thanh cao. Tui khinh! Ghét quá! ghét quá!

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

SINH NHẬT BUỒN!

Mình luôn mong muốn có 1 sinh nhật đơn giản nhưng vui vẻ với thành viên 3 người. Vậy mà sinh nhật năm nay, không hoa cũng chẳng quà. Cũng không có chụp hình luôn.
Mặc dù ông xã đã xin lỗi, nhưng vẫn ấm ức. Ngồi nhà ngắm sông (nước ngập đó). Tủi thân quá đi!!!

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

VĨNH BIỆT ĐẠI TƯỚNG!!

Tôi cực kỳ ngưỡng mộ bạn nào đã làm nên tấm hình này! Tuyệt! Đầy đủ ý nghĩa.

Tôi đã khóc khi xem hình ảnh này. Bằng tất cả sự trân trọng. Vĩnh biệt ông!

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

MALAYSIA KÝ SỰ!

Mình đã có 1 tuần làm việc bên nước bạn, đi khảo sát và chào tour mới. 
Cảm nhận đầu tiên khi đến Malaysia là độ hoành tráng của sân bay và sự thân thiện của nhân viên hải quan. Có một sự cố nhỏ rất mắc cười. Khi qua máy quét hành lý xách tay, mình bị hải quan vịnh lại. Có chút lo lắng, anh hải quan cười và bảo mình mở túi cho xem, vì scan qua mấy thấy 1 xấp tiền dollar. Vừa hỏi mình lý do qua Malaysia, mình nói đi công tác. Anh ta hỏi tiếp, sao mang nhiều tiền. Mình mắc cười quá trời, giải thích là toàn tiền lẻ 1-2$ thôi, vì mình muốn mua đồ cho tiện, tổng thể tiền mặt có 200$. Anh chàng cười quá trời, xem qua rồi cho đi. Trong khi ông xếp mình trên người toàn đồ hiệu, cả mấy tỷ không sao, mình có 200$ mà bị vịnh, mắc cười quá trời. Xếp nói "tại nhìn mặt em thấy khờ khờ nên nó gọi, cứ tỉnh bơ như anh thì có sao" (mình cũng tỉnh lắm mà, đâu có khờ dữ vậy).
Phòng khách sạn mình ở - 3* Sky hotel ngay trung tâm KL
Đây là phông bao quanh khu vực đang thi công, rất lớn và đẹp nhe (kết hợp che chắn + thẩm mỹ, nếu không nói ra sẽ không biết bên trong có công trường)
Trung tâm thương mại - Time Square đi 1 ngày mới hết 
Phía sau mình là cầu nối vào khu thành phố mới, nơi tập trung các ban bệ của chính phủ. 
Những người bạn Malaysia - anh nào cũng đòi mình giới thiệu bạn gái Việt Nam.
Sân bay Malaysia, rất rộng và đặc biệt ... lạnh.
Trung tâm hành chính mới
Thánh đường màu hồng Putrajaya nhìn từ phía xa.
Cầu thang có nhạc nhe, mỗi bước phát ra tiếng nhạc - y như Tây Thi đi trên vũ đài

Tượng Hanuman trong khu vực động Batu
Sàn nhạc trong Time square
Siêu thị 
Đặc khu hành chính mới của Malaysia
Phía sau là cây cầu dẫn vào khu hành chính, rất đẹp
Phía ngoài động Batu, tượng rất đẹp, nhưng bên trong rất hôi & dơ
Đền thờ Putrajaya 
Khu quảng trường đang xây dựng, sau lưng là khu nhà mới - toàn đồ hiệu
Phía sau lưng tháp đôi
Cafe starbuge - ngon 

Tòa nhà có hình khối cầu ngay trung tâm



Cảnh sát Malaysia - khá thân thiện và đẹp trai!

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

DẠY CON XÀI TIỀN!

Đây đang là vấn đề nóng của diễn đàn chúng ta (nói thế cho nó xôm, thiệt ra có mình tui nóng thui). Tình hình là bà mẹ hơi già (là tui đó), có 1 cuộc tranh luận nhỏ nhỏ với cô gái trẻ (6 tuổi) về vấn đề tiền bạc như sau: 

1. Buổi sáng, con gái ngập ngừng bày tỏ:
- Mẹ, bạn Hồng Thanh trong trường con được ba cho tiền mua bánh và đồ chơi đó, vậy con có được không?!
- À, để mẹ coi (suy nghĩ vài giây vì nó đề cập vấn đề này đột ngột quá, phải tìm cách hoãn binh thôi). Sáng nay mình đi học trễ rồi, chuyện này để chiều về mẹ con mình nói sau hé. ok baby?
- ok mom
2. Tối, sau khi an vị trên giường, con gái trở lại vấn đề (nó nhớ dai thiệt, mình cố tình né không nói tới mà nó vẫn nhớ, hazaii)
- Mẹ, chuyện cho tiền đó, mẹ tính sao?
- Ừa, vậy con nói mẹ nghe, trong lớp có bao nhiêu bạn được cho tiền hả con?
- Dạ, có 2 bạn hà
- Lớp con có 30 bạn, mà chỉ có 2 bạn được cho tiền, chứng tỏ không phải bạn nào cũng được xài tiền. Mẹ nói con nghe nè, có vài điều con cần phải biết (cái này sọt trên gu gồ, các tiến sĩ bảo là trẻ 6t đã nhận thức về tiền bạc, vì vậy phải giải thích rõ ràng, không được đàn áp).
Thứ 1: Muốn có tiền phải lao động, như ba mẹ phải đi làm mới có tiền cho con, không tự dưng có tiền mà xài. 
Thứ 2: con chưa học đếm số và thành thạo việc cộng trừ vậy sao con có thể biết mà mua hàng.
Nói tới đó, nó ngắt ngang:
- Con biết mà, mua đồ chơi có 5.000 thôi
- Ok, vậy giờ mẹ ví dụ hé, con có 10.000, con mua hết 5.000 vậy cô bán hàng thối lại cho con bao nhiêu?
- Dạ ... ngắc ngứ 1 hồi nó đáp, thối lại con 2.000
- Con sai rồi, thối lại 5.000. Con thấy chưa? con chưa biết cộng trừ thì không thể xài tiền được. 
- Nhưng con hứa là mai mẹ cho con tiền mua đồ chơi mà, giờ không có con nói sao với bạn (nói tới đây nàng rưng rưng nước mắt)
- Chuyện này con có thể nói với bạn là "mẹ mình nói muốn có tiền phải lao động, có lương mới được xài, mình sẽ lao đông kiếm tiền vào tuần tới, khi nào có lương mình sẽ mua đồ". Bạn con sẽ không chọc ghẹo con đâu.
- Vậy làm sao mới có lương hả mẹ?
- Như vầy, mỗi tuần con có công việc là quét nhà 2 lần, mỗi lần con xong việc và làm tốt, mẹ sẽ trả lương cho con 2.000
- Nhưng 2.000 đâu có đủ mua đồ chơi, đồ chơi 5.000 lận. 
- Vấn đề là con phải để dành thôi, con có con heo đó, con để dành trong 3 ngày là con có 6.000 rồi. 6.000 lớn hơn 5.000 chưa?
- Dạ lớn
- Vậy đủ mua đồ chơi chưa? 
- Dạ, đủ. Nhưng mẹ ơi, bữa giờ con phụ mẹ rửa chén, lau nhà, xếp đồ đó, con có được tính lương không?! 
(con nhỏ này lẹ ghê, mình không nghĩ nó nhạy bén dữ vậy). 
- Àh, chuyện đó thì không, vì chúng ta chưa có thỏa thuận. Bắt đầu từ hôm nay mới có lương. Thêm nữa, không phải chuyện nào mẹ nhờ cũng tính lương đâu nhe. Chuyện nào mẹ nói là công việc quan trọng thì mới tính lương. Con hiểu chưa?!
- Dạ, ok mom. 
- Good, giờ ngủ nhé, mai đi học.
Thế là nàng ta ngủ ngon lành không mè nheo vụ tiền bạc nữa, sáng ra cũng rất vui vẻ đi học. 
Dạy trẻ bây giờ không giống như xưa, ngày xưa chỉ mới hỏi thôi, là bị nạt ngang rồi. Hại não quá!!! 
Bà con chú bác có cao kiến gì hay hơn không? chỉ tui dzới! đa tạ

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

I'M BACK!

Sau một thời gian dài ngưng hoạt động vì bị khủng bố một cách phi lý và vô cùng lãng nhách. Mình bình tâm để open lại cái blog này, vì mình vẫn muốn được chia sẻ tâm tư.
Đơn giản chỉ thế thôi.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

NAM NINH - QUẾ LÂM - DƯƠNG SÓC

Tóm lại sau khi đi tour về mình thấy có vài điều như sau:
1. Cơ sở hạ tầng TQ rất tốt, đường xá rộng rãi, phương tiện công cộng nhiều. Chỉ có điều giao thông vẫn như VN, khá lộn xộn.
2. Dịch vụ dành cho du lịch căn bản không bằng VN, ngay cả HDV cũng không chu đáo bằng. Phong cảnh cũng không phải là quá đẹp nhưng do quy hoạch bài bản nên có vẻ nổi trội hơn. 
3. Bảo tồn thiên nhiên và ý thức người dân khá tốt.
4. Món ăn rất dở, không có gì đặc sắc và xe thì quá tệ. Nhưng do quảng bá quá tốt nên ai cũng háo hức muốn thử
5. Có khá nhiều điểm tham quan và giải trí cho du khách (nơi nào cũng có chợ đêm hoành tráng).
Cuối cùng là ngay cả tôn giáo cũng khác VN, phật tại TQ có râu và có cả móng tay khá dài ... 


 Bến tàu Dương Sóc
 Đại hùng bảo điện
 Tàu hủ thúi
 Điệu múa dân tộc Miêu
 Món ăn đường phố
 Đồ ngọt
 Hải sản
 Sông Li
 
 Thuyền trên sông Li
 
 Đô thị tại Dương Sóc
 Quế Lâm


 Công viên Thanh tú sơn

 
 Chợ nhỏ ven đường
 
 Khu triễn lãm Asean
 Bảo tàng dân tộc Quế Lâm
 Xe điện Lạng Sơn

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

RA QUYẾT ĐỊNH!

Tháng 6 này công ty mình tổ chức đi Trung Quốc chơi, vì phải quá cảnh ở HAN rồi mới qua Nam Ninh, nên mình cùng vài đồng nghiệp dự định đi sớm hơn một chút để có thời gian đi dạo HAN vì lâu rồi không ra đấy. Vấn đề là gặp ngay xếp rất khó chịu, kẻ cả và hách dịch. Cho phép nghỉ mà thái độ như ban ơn. Chỉ trong một ngày mà ra tới 3 lệnh, lúc thì ok lúc lại không. Mình cực ghét cái thái độ đó. Thế nên mình quyết định không đi nữa. Quyết định xong tự dưng thấy khỏe cả người (dù thật lòng thì cũng tiếc tiếc).

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

VIẾT NHÂN NGÀY CỦA MẸ!

Tối qua, mấy chị em đã có một cuộc tranh luận nhỏ về mẹ:
- Chiều Ngọc về đã nghe mẹ cằn nhằn ba, la ba quá trời, tới tận bây giờ, hai về mẹ vẫn còn nhằn. Nghe nhức cả đầu luôn. 
- Ngọc thì nói gì, Khánh ở nhà cả ngày, ngày nào cũng nghe mẹ nhằn, khổ ghê
- Thiệt ra thì hai thấy vầy, mẹ có tuổi rồi, lại thích làm tùm lum, xong rồi mệt, mệt rồi sẽ bực, thôi kệ, để mẹ nhằn chút xả xì trét, chứ tụi mình đi cả ngày, đâu ai nói chuyện. Chịu khó chút đi.
- Mà Ngọc thấy mẹ vô lý quá, ba có làm gì động chạm mẹ đâu, mà mẹ cứ càm ràm ba hoài, Ngọc nói thì mẹ la mày biết gì mà hở ra là binh ổng. 
- Nhiều khi Khánh thấy ba cũng tội nghiệp, cứ đi loanh quanh, có bạn tới nhà chơi, có gì để làm đâu vậy là mấy ông uống bia, tâm sự chuyện đời, vậy mà mẹ cũng giận.
- Hai thấy vầy, mẹ không muốn ba uống bia vì sợ ba bịnh, mà nói hoài không nghe thì giận thôi. Còn mẹ càm ràm ba vì thấy ba tối ngày chỉ ăn rồi nằm coi tivi, không làm gì trong khi mẹ quá trời việc, thì gai mắt nên bực chớ gì. Kệ đi, mẹ nói đã rồi thôi.
- Nhưng Ngọc với Khánh vẫn bực, đi làm cả ngày, về nhà chỉ muốn vui vẻ, mà ngày nào về cũng nghe chửi hết, chịu không nổi...
Tụi nó còn lèm bèm nhiều nữa, mình chỉ biết im lặng & cười. 
Không biết tự khi nào, mình ít thấy bực mỗi khi nghe mẹ càm ràm. Mình hiểu, mẹ không có ý gì, chỉ là không có người để xả xì trét. Một mình mẹ loay hoay cả ngày, cơm nước, dọn dẹp, giữ cháu. Trong khi ba thì không thích làm gì hết, nhiều khi mình thấy mẹ giận cũng phải. Như mình nè, mỗi tối về, mình dọn dẹp cái phòng nhỏ xíu mà thấy ông chồng nằm khểnh coi tivi là thấy ghét, thấy chướng quá trời, phải sai ổng làm cái gì đó phụ mới được. Đồng vợ đồng chồng, chia sẻ với nhau mới hiểu và thương nhau hơn. Ví như mình giặt đồ thì ông xã đem phơi. Ổng nấu cơm thì mình rửa chén. Mình tắm con thì ổng dọn giường.... Nhiều khi ổng làm xong việc trước nằm chơi game mình cũng thấy chướng, huống hồ là mẹ.
Không biết khuyên hai đứa em sao cho nó hiểu nữa, thôi thì đành để tụi nó tự điều chỉnh. Đôi khi nói nhiều chưa chắc thấm. Mình hiểu mẹ là được rồi, cũng vui là ông xã đã bắt đầu hiểu và chiều mẹ như mình rồi (giờ thì mẹ muốn sao ổng cũng chiều, mẹ nói muốn làm bánh khoai mì, vậy là ổng dìa quê đào mì cho mẹ. Mẹ nói muốn về quê chơi, ổng lái xe chở mẹ đi, mẹ muốn đi đâu chở đi đó, vui vẻ không rên rỉ - có lẽ ổng cũng hiểu, mẹ nào cũng thương con, chỉ là thể hiện khác thôi...)./.

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

KHÔNG NGHE UỔNG NỬA CUỘC ĐỜI!


Trời ơi, hát hay dã man.
Nghe xong tê hết cả người.


Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

QUAN ĐIỂM CHIẾN TRANH CỦA CÁC QUỐC GIA!

1. MỸ: "Tao muốn đánh thằng nào, là tao đánh thằng đó. Ngoài ra, tao bao tiền súng!"

2. NATO: "Mỹ đánh thằng nào, tao đánh thằng đó!".

3. NGA: "Thằng nào bật tao, tao cắt dầu lửa!".

4. ISRAEL: "thằng nào ngấm ngầm muốn đánh tao, tao đánh thằng đó!".

5. NHẬT: "thằng nào đánh tao, tao sẽ bảo Mỹ đánh thằng đó. Nếu chúng mày không ngừng tấn công, tao cho Maria Ozawa nghỉ việc!".

6. TRUNG QUỐC: "Thằng nào gần tao, tao đánh thằng đó!".

7. ĐÀI LOAN: "Thằng nào đòi đánh tao, tao bảo báo chí chửi thằng đó!".

8. NAM HÀN: "Thằng nào định đánh tao, tao tập trận với thằng Mỹ!".

9. BẮC HÀN: "Thằng nào làm tao bực, tao sẽ đánh thằng Nam Hàn!".

10. Berlusconi (ITALIA): "Thằng nào oánh tao, tao... ngủ với vợ thằng đó!".

11. SINGAPORE : "Thằng nào đánh tao? ĐM! Chắc không thằng nào rảnh loz mà đi đánh tao!".

12. IRAQ : "Thằng nào đánh tao thì cứ đánh cho đã, chừng nào mệt thì tự động về!".

13. ARAP SAUDI : "Thằng nào đánh tao, tao mua thằng đó!"

14. Billaden: "Thằng nào đánh tao, tao khủng bố thằng Mỹ!".

15. Liên Hiệp Quốc: "Tao dán cái mác... vùng cấm bay lên thằng nào, chúng mày úp sọt thằng đấy cho tao!".

16. CUBA : "Thằng nào oánh tao, tao cho Việt Nam một mình canh giữ thế giới!".

17. VIỆT NAM: "Chỗ nào có oánh nhau, tao bày tỏ quan ngại sâu sắc. Còn thằng nào oánh tao, tao tuyên bố chủ quyền, tao cắt điện luân phiên, sau đó tao... cực lực lên án!".

@Nguồn: nhân dân ;-)

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

VỀ QUÊ NGOẠI - ĐỒNG THÁP!

Mình rất thích đi miền tây, không có lý do gì cụ thể, chỉ đơn giản là thích. Mình thích giọng nói, phong cách của người dân vùng sông nước này.
1.
10g sáng, xe tới nhà ông Tư, như đã báo trước, ông Tư đã "ăng tê ni" lịch sự, ngồi chờ ba mẹ mình tới rước. Mấy dì mấy cậu được báo có anh chị năm trên sài gòn về thăm, ai cũng mừng, cũng tranh thủ ghé qua chào 1 tiếng. Rồi rủ nhau cùng đi xuống nhà ông ngoại cho vui. Thế là cái xe 7 chỗ chật cứng, vậy mà ai cũng tươi cười, nói chuyện rôm rả.
2.
Nhà cậu Bảy mới xây rất rộng rãi, có 1 cái sân to đùng, xe chạy một hơi thẳng vô nhà luôn. Úi trời, bà con đông rần rần, vui hết biết, cô dì cậu mợ chạy ra đón, nắm tay cười hỏi thăm, mình với ox gật đầu muốn xái cổ mà có khi còn không nhớ là ai (hì hì).
3.
Vợ chồng mình phát huy tối đa khả năng xã giao và "ăn chực". ha ha. Mà làm giá lắm nhe, phải mời mọc dụ dỗ lắm mới chịu à, chớ ko phải chơi đâu. Anh Sol dụ "2 đứa qua nhà anh chơi đi, nhà anh bên cồn gần xịt, qua đi anh cho 2 đứa bây con cá đẹp lắm nhe, người ta trả anh mấy triệu mà anh không bán đó, qua chơi tí dìa anh chở cho thùng xoài nữa (dụ khị ghê chưa - 2 thằng làm bộ ỏng eo vài câu rồi cũng chôm xe dọt qua nhà anh). Thiệt là không đi thì rất uống. Nhà anh mới xây lại, to đẹp và mát nữa. Chị Thu vợ anh cũng rất thiệt tình, kêu vô nhà uống nước dừa, gọt đu đủ cho ăn, kêu anh hái xoài, dẫn mấy em ra sau vườn chơi, coi cá... túm lại là nhiệt tình hết chỗ chê. Mình thấy cây xoài có trái to quá, chép miệng:" trời, trái xoài đã ghê, phải đem dìa cho tụi kia dòm lé mắt hé". 3 giây sau là trái xoài trong tay anh sol liền. Ông xã la" trời, nó chưa có già mà anh". Kệ, sắp ăn được rồi, lâu lâu 2 đứa dìa, thích thì hái. (khoái ghê chưa).
4.
Dượng Sỹ hay tin anh chị Năm dìa, dặn tối qua nhà ăn cơm nhe, dượng nấu. Trời ơi, dượng làm mâm cơm ê hề, canh chua lươn với cá khô. Ta nói, ngon gì đâu. Rồi lại dụ:" mai 2 đứa bây ra ruộng dượng chơi, tao cho cái cần câu cá mỏi tay, trái cây đầy, tha hồ hái". Ông lưu nghe nói có cá là mắt sáng như sao. Gật đầu cái rụp liền.
Nhưng sáng ra, ba mẹ đổi ý, qua Vĩnh Hưng thăm cho biết nhà chị Mai Trinh, đành xin lỗi dượng. Dượng cũng buồn chút, rồi cũng chạy xe qua khách sạn từ giã anh chị Năm. Nhờ dượng qua khách sạn, mà mình biết ông dượng mình cũng có số có má dữ.
Vừa vô nhà hàng ngồi, ổng ngoắc em phục vụ tới rồi hỏi tỉnh queo "ê, thằng Bằng giám đốc mày còn làm không con, kêu nó chút xuống nhà tao nhậu he". Con bé phục vụ sượng trân mà ráng dạ dạ.
Ngồi một chập, lại có 1 ông đi qua, dượng gọi "chiều qua nhà tao nhe mậy, tao chờ". Ông kia gật xong, dượng nói "thằng đó giám đốc cty xăng Mỹ an đó, nhậu thiếu tiền tao hoài". Sợ chưa.
5.
Đường qua Vĩnh Hưng khá xa, trời nắng, mẹ muốn uống nước mía. Xe dừng bên lề mua nước mía. Mình dặn dì bán lấy ít đá thôi nhe dì, bà gật rồi quay ra nói với con "lấy ít đá thôi, dân thành phố hông uống nhiều đá nghe mậy". Cái từ dân thành phố nghe mắc cười quá trời.
6.
Nhà chị ngay thị xã, cũng to và đẹp. Trang thiết bị nội thất đủ, từ máy lạnh, tivi màn hình phẳng đến máy giặt. Y chang khách sạn. Sướng quá. Lại được đãi 1 trận hoành tráng. No ngắt ngư.
7.
Tổng cộng 3 ngày về quê, không tốn đồng nào đi ăn, toàn ăn chực từ nhà này qua nhà khác, vậy mà từ chối không hết đó chứ. Dù nhà nghèo hay giàu, nhà nào cũng hiếu khách, thậm chí không rõ bà con cũng được mời ăn rất nhiệt tình. Như hôm về qua nhà dì Sắc, mình đâu biết bà con ra sao, thấy ba mẹ với mấy dì nói chuyện nhà trên, mình với ông xã lỉnh xuống nhà dưới. Nhà bếp là cái nhà sàn, bên dưới là đầm sen, đẹp và mát rượi. Thấy có một em đang dọn cơm, bữa cơm rất đạm bạn, chỉ có khô sặc chiên ăn với gỏi bắp chuối. Vợ chồng mình xuống, thấy em có vẻ gượng, nhưng vốn tính xởi lở, ông xã mình nói liền
- trời đầm sen đẹp quá, cơm khô coi bộ ngon à. Em tên gì?
- Dạ tên Vân, anh chị trên sài gòn xuống hả, ăn cơm với em luôn nhe
- Ừa, vậy anh không khách sáo à, cho 2 cái chén nữa đi em
- mà mình bà con sao, anh chị biết hông?
- chị không biết nữa, mẹ chị nói vô thăm dì Sắc, bọn chị đi theo à
- Vậy hả, em cũng ko biết mình bà con sao nữa, nhưng cứ ăn cơm rồi tính chị hé.
Vậy là có bữa cơm, đơn giản nhưng rất ngon.
Miền tây thú vị lắm!!!

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

CON THẮM, CON BÀ TƯ BÁNH TẰM!

Tôi là con Thắm, con Bà Tư bánh tằm…

Thứ Năm, 04/04/2013 07:47

Chẳng biết chính xác từ khi nào, tôi bắt đầu mắc cỡ khi nghe người ta gọi mình là “con Thắm, con Bà Tư bánh tằm”. Năm đó tôi học lớp 8 trường xã, đã có mấy thằng bạn trong lớp để ý và bạn bè ghép đôi. Tôi nói với má: “Từ giờ trở đi, má đừng bán ở trường con nữa, tụi bạn cứ ghẹo con hoài”.

Nghe tôi nói vậy, mặt má buồn hiu: “Vậy rồi con ăn cái gì?”. Thường ngày má vẫn để dành cho tôi một dĩa bánh thật đầy, giờ ra chơi tôi sẽ chạy ù ra ăn. Hôm nào ngán thì tôi xin tiền má để mua bánh mì hay bánh lọt mặn. “Bánh của má có nước cốt dừa, ngán muốn chết. Thôi, con không ăn nữa đâu”- tôi vùng vằng.
Không bán ở trường, má tôi phải đẩy xe bánh tằm qua tận bên xóm Nhà Thờ rất xa. Tuy vậy có nhiều hôm bán ế, má ăn bánh tằm, nhường cơm cho anh em tôi. Anh hai thương má, cũng nhất quyết đòi ăn bánh tằm. Còn tôi thì vừa nhìn đĩa bánh, vừa lắc đầu rùng mình: “Con thấy bánh tằm là ngán tới óc o”.
Má không nói gì, chỉ lẳng lặng chan nước mắm, lùa vội mấy cọng bánh tằm rồi đi dọn dẹp, ngâm bột, khìa thịt, xắt bì… Anh hai lườm tôi: “Mày ngán thì tao không biết ngán chắc? Nói mà không sợ má buồn. Đồ dở hơi”. Tôi sửng cồ: “Ngán thì nói ngán, mắc gì không được nói? Anh mới là đồ dở hơi!”.
Tôi nói vậy rồi bưng chén cơm bỏ ra hàng ba.
Ba mất khi tôi mới 2 tuổi. Nhà nội nghèo nên má dắt anh em tôi trôi dạt từ Châu Đốc xuống Bạc Liêu. Má học được cách làm món bánh tằm bì và nuôi anh em tôi khôn lớn bằng thứ bánh đơn sơ ấy. Tôi nhớ có lần má nói: “Tụi con ráng học để sau này có cái nghề mà sống sung sướng tấm thân. Thấy con ông Ba không? Toàn kỹ sư, bác sĩ…”.
Anh hai thương má nên học rất giỏi, năm nào cũng lãnh thưởng. Còn tôi thì thất thường, lúc được lúc không. Thế nhưng học xong lớp 12, anh hai nhất quyết nghỉ học, trốn ra thị xã đi làm phụ hồ để kiếm tiền phụ má. Biết tin, má giận lắm. Một bữa, tôi chuẩn bị đi học thì má bảo: “Cơm nước má nấu sẵn rồi, đi học về thì dọn ăn rồi học bài. Má đi kiếm anh hai”.
Nói rồi má tất tả xách cái nón lá đi bộ ra chợ để đón xe lên thị xã. Tôi thắc mắc không biết làm sao mà má tìm được anh hai giữa nơi đông đúc, xô bồ ấy nhưng không kịp hỏi. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy cái dáng tảo tần của má. Chuyến xe lam về thị xã hôm ấy bị lật vì chở quá đông. Trong số 2 người bị thương nặng nhất và không qua khỏi có má tôi.
Hôm đó, tôi chờ tới chiều, tới tối mà không thấy má về, trong bụng đã lo. Tới khuya thì anh hai đưa má về. Có nhiều người quen ở xã cùng đi với anh. Khi biết má gặp nạn và không trở về nữa, tôi đã ngất đi. Còn anh hai tôi thì mắt đỏ ngầu dù tôi không hề thấy anh khóc.
Lo cho má xong xuôi, một bữa tôi đi học về không thấy anh hai đâu thì cuống cuồng đi tìm. Với tôi bây giờ, nỗi sợ hãi lớn nhất là anh hai lại bỏ đi. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tôi tìm thấy anh hai đang gục đầu trên mộ má. Anh khóc thành tiếng, khóc rất to. Tôi cũng vậy. Vừa khóc anh vừa nói, giọng khàn đặc: “Tại anh mà má mới chết…”. Tôi không biết nói gì nhưng trong bụng cũng thầm trách anh. Giá như anh đừng nghỉ học trốn ra thị xã thì má đâu có đi tìm để rồi không về nữa…
Mấy hôm sau, anh hai tôi dựng cái chòi nhỏ ở chợ xã. Anh lần mò bắt chước má làm bánh tằm bì để bán. Bánh anh hai làm lúc đầu không ngon lắm nhưng bà con thương nên rất đắt hàng. Dần dần, tay nghề của anh được nâng lên. Khi tôi học cấp ba rồi lên Cần Thơ học đại học thì anh cũng ra thị xã mở quán bánh tằm bì. Rồi anh cưới vợ. Lâu lâu anh lại làm bánh tằm bì mang lên ký túc xá cho tôi đãi bạn bè. Từ khi má mất, đĩa bánh tằm bì nào của tôi cũng chan đầy nước mắt…
Tôi đã đi nhiều nơi, chỗ nào có bánh tằm bì tôi cũng ăn thử để so sánh với bánh của má và anh hai. Thật tình, tôi không thấy ai làm bánh ngon như má. Bánh tằm của má làm bằng bột gạo. Hồi trước anh hai chuyên trị bị má bắt xay bột. Tôi nhớ má cột cái bao bồng bột ở miệng cái cối đá để hứng bột chảy ra; xay xong thì cột miệng bao lại thật chặt rồi lấy cái cối dằn lên cho nước chảy ra bớt. Sau đó má khuấy bột rồi đổ vô khuôn ép cho ra những sợi bánh dài, to hơn cọng bún một chút. Xong xuôi má cho bánh vô xửng hấp chín rồi để nguội. Bánh tằm của má dai dai, giòn giòn, thơm thơm; nhai lâu cứ ngọt lịm trong miệng…
Bì má làm cũng không giống ai. Má chọn một nửa thịt đùi, một nửa ba rọi ướp cho thật thấm mới khìa nước dừa xiêm rồi xắt sợi. Da heo má cũng mua về tự tay luộc, xắt… Hồi tôi còn nhỏ, má hay nhờ tôi ra lò heo của bác tư cuối xóm để lấy da heo về làm bì; lớn hơn một chút, tôi mắc cỡ không chịu đi nên anh hai phải “bao thầu” luôn. Có lần anh bực mình cốc vô đầu tôi đau điếng: “Cái thứ làm biếng như mày mai mốt bốc đất mà ăn”. Tôi vênh mặt: “Mai mốt em làm bác sĩ, tới chừng đó anh đừng có nhờ em chữa bệnh nghen”. Anh hai “xì”một cái: “Bản mặt mày giỏi lắm là bán bánh tằm bì chớ làm bác sĩ ai mà dám đưa cho mày chữa bệnh? Đồ làm biếng”.
Tôi công nhận mình làm biếng thật vì tôi nghĩ có má và anh hai lo hết mọi chuyện rồi. Tới chừng những người ấy không có bên cạnh, tôi mới thấy hụt hẫng. Tôi nhớ có lần, má kêu tôi xuống bếp: “Xuống đây má chỉ cho làm nước mắm nè. Con gái, con đứa ít ra cũng phải biết làm chén nước mắm cho ngon…”. Tôi viện cớ mắc học bài nên không chịu xuống cho má dạy.
Nhưng phải công nhận là nước mắm má làm để chan bánh tằm bì hoặc ăn cơm tấm thì ngon tuyệt. Tỏi ớt má đâm nhuyễn chứ không bằm, nước dừa tươi má nấu cho kẹo lại chứ không dùng nước sôi để nguội pha nước mắm như nhiều người vẫn làm. Vì vậy mà nước mắm của má sền sệt chứ không lỏng bỏng.
Cả nước cốt dừa để chan vô bánh tằm má cũng chăm chút thật kỹ: hành tăm xắt thật nhuyễn, nêm nếm vừa ăn, không đặc cũng không lỏng quá, sao cho mỗi đĩa bánh tằm chỉ cần chan một muỗng nhỏ là đủ. Hồi má mới bán bánh tằm bì, tôi rất thích chan nước cốt dừa vô cơm để ăn. Không biết có phải do ăn nhiều quá mà lớn lên một chút thì tôi lại thấy ngán…
Tôi đã lớn lên bằng những dĩa bánh tằm bì của má và anh hai. Giờ đây tôi đã trở thành bác sĩ như má hằng mong muốn nhưng trong lòng tôi chưa bao giờ vơi đi những niềm ân hận. Năm nào về đám giỗ tôi cũng ngồi thật lâu bên mộ má để thầm thì những lời mà khi còn sống, má chưa bao giờ được nghe…
Tôi nhớ dáng má thập thò trước cổng trường chờ giờ ra chơi để đem bánh tằm cho tôi ăn sáng; tôi nhớ những bước chân rón rén dù má phải nhấc cái càng xe lên để không gây ra tiếng động làm mất giấc ngủ của tôi mỗi sáng sớm; tôi nhớ những ngày mưa dầm bán ế, má ăn bánh tằm thay cơm…
Giờ đây, có nhiều hôm tôi bỗng thấy thèm quay quắt những cọng bánh tằm của má, thèm nghe tiếng má từ dưới bếp vọng lên nhắc tôi đi ngủ, thèm được má sai đi xuống xóm dưới lấy da heo về cho má làm bì…
Và tôi thèm được nghe người ta gọi tôi là “Con Thắm, con Bà Tư bánh tằm!”…
Đối với tôi, giờ đây đó là điều đáng tự hào nhất…
Hồng Thắm
Đây là bài viết chân thành nhất mà tôi từng đọc.