Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

BỖNG DƯNG LI DỊ

Tíc tíc . . cái điện thoại cứ nhấp nháy báo hiệu có tin nhắn, bận rộn nãy giờ chưa rảnh đọc. Để coi nào : “mày ơi, chồng tao đòi li dị, ổng có người mới rồi, tao buồn quá!” – shock thiệt àh. Con nhỏ bạn có 2 con, mới hôm kia gặp nó, còn tíu tíc rủ đi mua quà kỷ niệm ngày cưới vậy mà giờ “li dị”. Quái. Gọi cho nó cái.
- Hey, chuyện gì vậy mậy, giỡn chơi àh, tao không quởn đâu nhá.
- Đâu rảnh giỡn vậy, tối qua ổng dìa, quăng cho tao cái đơn, đòi li dị (khóc nức nở), tao hỏi lý do, ổng nói gọn lỏn, anh yêu người khác rồi, giờ anh cần tự do. Vậy thôi.
Phải mất gần 5’ nó mới bình tĩnh nói tiếp: “ổng sẽ trợ cấp nuôi con đầy đủ, sẽ dọn ra riêng với cô kia”… Nó còn nói nhiều, nhưng sao tôi không nghe được gì cả, nỗi buồn của nó lan sang tôi rồi.
Sao người ta có thể nói li dị nhẹ nhàng quá vậy?! Bất chợt, nghĩ về mình, ox giờ đang đi công tác ở tận Quy Nhơn, có bao giờ …. Nếu một ngày nào đó, mình cũng như cô bạn, mình sẽ thế nào?! Nhớ ox quá. Gọi kiểm tra cái nào.
- Alô, em hả, anh đang dìa Nha Trang, em ăn mực 1 nắng hông?! Khi nào về anh mua cho he. Ở nhà ngoan đi, anh về có thưởng he. À, mà em bảo mấy em gái Nha Trang xinh lắm, anh chả tìm ra cô nào hết. Cho thông tin trật lất. Trong đó có hẹn bồ nhí đi chơi chưa, mai anh dìa là hết tự do nhe, tranh thủ đi cưng. He he. Anh đang lái xe, tí về đến hotel, anh gọi cho em nhe. Hun con 1 cái dùm anh luôn.
Chưa kịp mè nheo gì hết, lão làm cho 1 thôi, 1 hồi … tự dưng quên mất cái vụ kiểm tra kia. Thôi thì phước ai người đó hưởng, lo lắng chi chuyện chưa đến.

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

VĂN HOÁ VIỆT

- Hi you, đang làm gì đó
- Nghe nhạc. nghe hông cho nghe thử, nhạc ấn độ vui lắm
- ừ hử, có belly dance hông?
- Sao lại hông? Rất đẹp, bà con ở SG khoái món này, cũng đang tính đi học cho vui hè.
- Xì, có gì lạ, nhảy cà tưng chán bỏ xừ.
- Ông này nói nghe hay, ông múa bụng được như họ hông mà chê?
- VN toàn văn hóa nô lệ, thấy cái gì lạ lạ du nhập là thành phong trào. Rõ chán.
- Nè nè, ông ăn nói cho đàng hoàng nhe, ông cũng là dân VN mà mạt sát vậy hả? tui có nói cái gì là phong trào chưa, chỉ là vui vui thôi. Mà mỗi dân tộc phát triển đều học tập văn hóa nước khác rồi phát triển, chả thằng nào tự đi lên mình ên mà không copy của thằng khác cái gì. . .
Sáng sớm đã có cuộc tranh luận như vậy đấy, nổi nóng. Bà con dạy chí phải, đừng bao giờ nói về tiền lương, chính trị và tôn giáo trong một cuộc tranh luận, vì như vậy dễ mất bạn.
- Uống nước xong, 8 với bà tiếp nà. Tui thí dụ cho bà coi. Tỷ như nguyên dàn nhạc cụ của mình, có thằng nào do mình sáng tạo ra hông, toàn học của tàu từ đờn tranh, đờn bầu, đờn cò. Đờn tranh biến tấu từ đờn sắt 9 dây của trung quốc, đờn bầu xuất phát từ đời Đường với tên gọi độc huyền bảo cầm, đờn cò còn gọi là đờn nhị cũng hông phải từ VN, đờn kìm tức nguyệt cầm xuất hiện ở VN từ thế kỷ 18, cũng không phải của dân ta tạo ra, chưa kể trong dàn đờn cổ còn có lai thêm gita thùng, bà coi có cái gì của mình không?!
- Ông nói vậy không được, không phải của mình, nhưng theo thời gian đã được cải tiến rồi, tức là tiếp thu có sáng tạo, chớ đâu có bê nguyên xi.
- Chưa hết, rồi còn hát bội, cũng từ hát kinh kịch mà ra, còn hát chèo, được cho là đặt trưng của sân khấu ta thì cũng xuất phát từ một anh lính mông cổ, anh ta bị bắt và vốn là một diễn viên nên đã phát tích ra món chèo, rồi được thêm thắt vô cho nó thuần tuý VN. Suy cho cùng cũng là “lang sa du nhập”, tui nói phải hông?!
Chết tiệc, thằng ôn này nói đúng quá, cãi nó sao giờ trời. Tự ái dân tộc quá, phải làm cho ra lẽ chớ.
- Đồng ý là ông nói không sai, nhưng không có nghĩa là nô lệ VN, bản thân mình cũng phát triển nó lên hay hơn, đẹp hơn mà. Giống như xứ mình không trồng được trái đào, mình có đuợc giống của nước khác, mình lai tạo thành ra đào VN, ngon hơn, đẹp hơn. Không ai phủ nhận được phát minh của dân tộc khác, nhưng một phát minh muốn tồn tại, phải ngày càng hoàn thiện chớ. Nếu nói như ông, mình nô lệ văn hóa dân tộc khác thì sẽ không có cái gọi là đờn cò, đờn kìm thuần việt.
- Bà đúng là công dân yêu nước quá he, nhưng tui cho bà biết cái gì cũng hô hào VN này nọ, chớ tui ở xứ này đố thằng nào biết VN là xứ nào. Hồi qua đây tui cũng tự hào, ai hỏi mày ở đâu tới là xưng liền, tao ở VN. Bố chúng nó tròn mắt hỏi VN là nước nào. Điên máu hông?! Rồi tui coi ba cái nghiên cứu gì gì của nó, thiệt như ếch ngồi đáy giếng. Buồn. Sự sai lầm của thời đại, ai làm gì mình làm theo và gọi là tiến bộ.
- Cả nước VN này chưa ai dám bảo là tiến bộ, chỉ là đang phát triển, ông dùng từ không chính xác, và cái nhìn phiến diện quá.
- Không tranh luận với bà, 12g khuya rồi, tui đi ngủ, bà đi ăn trưa đi. Quởn tám tiếp.
Quên nói, thằng này ở bên Mỹ, nên giờ nó đi ngủ là phải. Còn mình trầm ngâm đây. Nghĩ lại thấy nó nói cũng có phần đúng, như cháu của mình, về nhà học bài, nó cứ ra rả “đất nước ta rừng vàng, biển bạc” nghe mà rầu. Giờ này làm gì còn rừng vàng hả con, nó trụi lủi hết rồi, biển bạc thì sao, nghèo nàn khủng khiếp. Mai này nó lớn lên, có khi nào nó bảo: “chật, thằng nào soạn sách mà nói láo quá”!!!

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

CHO MỘT MỐI TÌNH

Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm…
Tôi không biết đã nghe bài hát này bao lần, mỗi lần nghe là một lần ray rức. Nhạc sỹ viết về tình si nghe nhẹ nhàng mà sâu sắc quá. Chết chìm trong ánh mắt của em, nghe say đắm làm sao. Ca từ ý nhị vô cùng, không như hàng loạt các ca khúc ngày nay sỗ sàng và thô thiển đến không ngờ.
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói,
Khép tâm tư lại thôi,
Đường hoa vẫn chưa mở lối…
Tình si mà không dám tỏ, chỉ giữ trong lòng mơ ước và chờ đợi. Vì sao ư?!
Đời lắm phong trần tay trắng tay,
Trời đông ngại gió lùa vai gầy…
Sao mà rõ ràng, mà thực tế nhưng không lộ liễu cho thiên hạ biết cái nghèo, cái khó của mình. Khi anh không có gì thì làm sao bảo bọc cho em, làm sao để che chở cho em. Cái hay của thi nhân ngày xưa, lồng ghép cái lãng mạn vào cái thực tế phũ phàng. Nghe sao có chút chua xót.
Ngày đi mắt em xanh biển sâu, mắt tôi rưng rưng sầu
Lặng nghe tiếng pháo tiễn ai qua cầu.
Đường phố muôn màu sao thiếu em,
Đây là câu mà tôi thích nhất, nó hoàn toàn hợp với tâm trạng của tôi mỗi khi nghĩ về người ấy. Chúng tôi đã chia tay nhau gần 7 năm, quãng thời gian đầu là những chuỗi ngày như thế, cô đơn và tràn đầy nỗi nhớ. Con đường về nhà đầy lá me bay, ngày xưa tôi và anh hay đi giờ sao trống trải lạ, vẫn dòng người tấp nập, vẫn muôn vàn ánh đèn, nhưng sao vẫn thấy lạc lõng, bơ vơ.
Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe tiếng lá bên thềm.
Hoang vắng đến nao lòng. Bài hát như chỉ dành cho riêng tôi, nhẩm đi nhẩm lại vẫn nguyên vẹn cảm giác ban đầu.