Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

BA & CON GÁI

Tối qua có một chuyện mà mình cứ mắc cười hoài, giờ phải ghi lại mới được. Chẳng là sau khi cho con Chipmun ngủ, mình đi phơi quần áo, lúc vào mình mở cửa nhẹ nhàng sợ nó thức giất, bất ngờ mình thấy ông xã đang ngồi ở góc bàn, xem cái gì chừng chăm chú lắm. Chắc lão đang coi cái gì thú vị lắm đây. Tiến đến gần lão êm ru như một con mèo rình mồi, mình nhìn xuống bàn…. Hóa ra lão đang coi “sổ liên lạc” của con gái. Lão xem rất kỹ từng lời nhận xét của cô giáo, lật qua lật lại trang có dán bông sen với lời khen cháu ngoan bác Hồ. Rồi lão nhìn hình con gái, lão mỉm cười. Đóng sổ lại, rồi mở ra, lão xăm xoi như thể trong cuốn sổ mỏng manh đó có chứa bảo tàng. Coi tới coi lui chừng 5 phút, lão lật lại trang chữ ký phụ huynh, ngồi ngay ngắn, nắn nót ký tên, ghi họ tên đàng hoàng. Lại ngắm ngía, lại cười tủm tỉm. Lại bỏ xuống bàn, rồi lại cầm lên coi, rồi lại cười. Mình hết chịu nổi liền khều nhẹ lão. Có chút giật mình, lão kéo tay mình ngồi xuống rồi thì thầm: “hôm nay nhận sổ liên lạc, lần đầu tiên ký tên vào chỗ phụ huynh, tự nhiên anh thấy vui vui. Anh không nghĩ một thằng như anh lại có con ngoan và dễ thương vậy. Anh không nghĩ một ngày nào đó, anh cũng có con gọi mình là ba. Anh vui lắm, rất vui”. Ôi! Ông xã!

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

MỘT KẾT CỤC BUỒN!

Tôi không biết họ yêu nhau được bao lâu, chỉ biết sau khi M về nước (M đi hợp tác lao động tại Nhật) được 3 tháng thì họ làm đám cưới. Một đám cưới không bình thường, cưới chạy bầu. Bà con, họ hàng cũng nhiều người thắc mắc, nhưng rồi cũng tặc lưỡi cho qua, vì M cũng đã hơn 30, thôi kệ, cưới cho rồi. Chỉ có ba má M là ngỡ ngàng và buồn, vì họ không mong M lập gia đình sớm vậy, họ muốn M có việc làm ổn định tại quê nhà sau gần 4 năm xa xứ. Hơn nữa, cô vợ mà M chọn có cái gì đó không hợp với gia đình M, đánh giá khách quan thì cô đó không xinh, ưa nhìn chút, có vẻ hiền và gia giáo. Song nói theo kiểu của dân miền tây thì cô gái này không có duyên, cũng không có nghĩa là vô duyên (xin giải thích thêm rằng quan điểm “duyên” của dân miền tây là cô gái phải có sức cuốn hút, nhìn là muốn nói chuyện, hay ít ra nhìn là có thiện cảm, chỉ đơn giản thế thôi). Mà dù có nhiều ý kiến khen chê gì gì nữa, thì đám cưới vẫn diễn ra và cái sự không hài lòng dần dần lộ rõ. Đầu tiên là việc rước dâu, do nhà gái tận Bạc Liêu, nên nhà trai xuống sớm 1 ngày, thuê khách sạn tại thị xã nghỉ đêm, để sáng qua rước dâu. Cả ngày lẫn đêm hôm đó, không một bóng người của nhà gái gọi điện hỏi thăm xem nhà trai thế nào, dửng dưng như không phải chuyện của họ. Tội nghiệp chú rể, cũng không biết giải thích sao về cái sự vô tình đó. Kế đến là đi rước dâu, nhà trai trang phục chỉnh tề, sui gia áo vest, áo dài cài hoa lịch sự. Đúng 9:00 có mặt tại nhà cô dâu và xuýt nổi điên khi thấy ông sui bận quần tây cũ xì rách gấu cùng bà sui còn y nguyên bộ bà ba mà nếu đem đi ủi thì mất gần 1 năm mới thẳng. Bạn đừng nghĩ họ nghèo, chủ trại cua mà, nghèo sao được khi cho con đi học thành phố, nghèo sao được khi nhà đầy đủ tiện nghi không thiếu món gì. Có chăng là coi thường nhà trai (tui cũng nghĩ vậy). Ông sui trai giận đỏ mặt tía tai, may còn bà sui trai hiền thông cảm, bảo ông sui trai đừng giận, vì con. (hai chữ vì con nghe nặng quá). Rồi thì cái đám cưới kỳ dị cũng diễn ra, lúc đón dâu, chỉ mình cô dâu xách vali theo chú rể, không một người nhà gái đi theo đưa tiễn. Buồn.

Cô dâu mới về nhà chồng được 4 tháng thì cái bụng đã lùm lùm, bà con xì xào, ông sui trai thêm 1 lần đỏ mặt vì giận. Cô dâu mới có lẽ còn quá trẻ để biết làm dâu, dù mẹ chồng cô rất hiền, cũng không thể chịu nổi cô con dâu ương bướng. Cô yêu chồng, yêu đến ghen tuông mù quáng, chồng đi về trễ chút, cô đá thúng đụng nia, chồng đi công tác, cô gọi liên tục. Có lần cô nổi điên đánh chồng một bạt tai tóe khói ngay trước mặt má chồng. May là cô đang có bầu nên không bị ba chồng tống cổ ra đường. Rồi cô cũng biết lỗi, khóc lóc xin ba mẹ chồng tha thứ. Ông bà ta nói đúng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, đỉnh điểm là khi cô sinh con được 2 tuần, cũng trong một cơn ghen mù quáng, cô đùng đùng đòi ẵm con về ngoại dù rằng con gái cô sinh non 2 tháng, dù rằng mẹ chồng đã hết lời khuyên can. Cô ẵm con đi ngang đồng giữa trưa, vừa đi vừa khóc và thế là bà con lại được dịp bàn tán “dâu ông năm kìa, bộ ổng đối xử ác lắm sao mà con nhỏ sinh non ngày vậy xách gói bỏ đi”, lời nói gió bay, bay thẳng đến tai ông sui trai. Lần này thì cô dâu mới đi thiệt, đi vì ba chồng cấm cửa.

Sau vụ um xùm đó, M chỉ còn cách chạy đi chạy về thăm con, vì nói cách nào ba cũng không chấp nhận cho vợ M quay về. Cũng phải thôi, vì ông cụ nào giờ ăn ở đàng hoàng, hiền lành tử tế, nay vì cô con dâu mà mang tiếng ác, sao mà ông chịu. Ở đời, cái gì cũng có chữ nhưng, cũng lại cái câu “vì con” mà ông chấp nhận cho con dâu quay về sau khi ông bà sui gái lên năng nỉ, xin lỗi (kể ra thì ông bụng dạ hiền thật). Tưởng đâu sau trận này, cô dâu sửa đổi, mà cô thay đổi thật, cô nói năng với ba má lễ phép hơn, cô biết điều hơn và cô cũng ghen hơn. Ngay trước đêm thôi nôi con, cô lại đánh chồng vì cái tội không nghe cô nói mà lo nhắn tin cho con nào đó (cô nghĩ thế). Đến nước này thì chính M là người nổi giận và nhất định đuổi cô đi. Dĩ nhiên là đời nào cô chịu đi, cô vịnh cớ con bệnh, bắt M phải chăm nom, phải chở mẹ con cô đi thành phố khám bệnh. M có lẽ đã nhận ra sai lầm của mình khi quá vội vã trong hôn nhân, đã tỏ ra mệt mỏi, để mặc mẹ con cô trong bệnh viện. Giờ thì cô cũng thấy bơ vơ, hối hận, nhưng quá trễ để níu kéo tình cảm. Ba ngày trong bệnh viện, cô đã có thời gian để suy nghĩ về mình về gia đình. Cô quyết định giải phóng cho cả hai. Sau khi M chở cô từ bệnh viện về, cô đã thưa với ba má chồng cho cô và M ly dị, con cô sẽ nuôi và M chu cấp đến khi nó lớn. Không ai phản đối, dường như ai cũng trông chờ lời nói đó từ cô. Chấm dứt đời sống hôn nhân sau đúng 2 năm. Liệu có quá dài chăng?! Tôi không biết, tôi chỉ thấy buồn cho ba má, bởi tôi biết M là đứa con mà ba má đặt nhiều kỳ vọng nhất. “Vì con” ba má lại chấp nhận sai lầm của M lần nữa, khi nó tuyên bố sang năm sẽ cưới vợ khác.