Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

CÁI NHẪN

Tôi không thích đeo nhẫn, bất cứ loại nhẫn gì ngay cả nhẫn cưới. Ông xã cũng vậy, thế là cả hai thống nhất không đeo nhẫn. Và có hàng loạt những chuyện thú vị xảy ra.

Tôi đi mua sắm với em gái, dắt theo con gái bé xíu. Hai dì cháu mải chơi điện tử, bỏ tôi một mình lang thang trong siêu thị. Bất chợ tôi thấy một anh chàng đang vát một bao hàng to loay hoay thế nào mà va phải đống dù đang treo gần đó, suýt ngã, tôi tiện tay đỡ dùm. Ôi chao, anh chàng điển trai ác, hehe!! Sau đó tất nhiên là cảm ơn, làm quen. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất vui, cho đến khi em gái tôi cùng con gái chơi xong, chạy ào đến. Con gái tôi liến thoắng “mẹ ơi, về thôi, con đói bụng”. Tôi bật cười khi thấy anh chàng tròn mắt nhìn tôi, và thoáng thấy anh ta liếc vào bàn tay tôi. À ha, lại bé cái lầm!!!

Một đêm, 11g, điện thoại réo um, ox say quá ngủ mất. Tôi bực bội vớ cái điện thoại càm ràm “A lô”. Đầu dây bên kia là một giọng nữ ngọt ngào “anh sao rồi, đỡ say chưa?!”. E hèm, lại bông hoa gì đây “xin lỗi em, chị là bà xã của anh Lưu, anh ấy ngủ rồi, cảm ơn em đã quan tâm. Em tên gì để mai chị nhắn lại với ảnh”. Một thoáng im lặng “dạ, xin lỗi chị, em làm phiền giờ này, không có gì đâu ạ”, “vậy hả em, mai chị nhắc anh ấy gọi em nhé, chào em”.
Sáng,
- Này ông ròm, tối qua có em gái gọi nhé, chà mệt tí mà có bé quan tâm dữ.
- À, con bé đó mới vô, chắc hông biết anh có bx như cọp hà? He he. Anh còn hấp dẫn chán.

Đấy lại nhầm, vì sao, vì cái nhẫn.
Vậy nên đeo hay không để khẳng định chủ quyền?!
Có lẽ là nên thoải mái đi, vì đeo hay không vấn đề không nằm ở chiếc nhẫn, mà nằm ở con người. Suy cho cùng, thế lại hay!!!

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

SỰ THA THỨ!!

Sáng nay, như bao buổi sáng, tôi lại đọc báo, và có 1 câu chuyện làm tôi phải suy nghĩ. Một bạn gái trẻ tâm sự, bạn ghét ba vì đó là một người đàn ông “đốn mạc” (tôi dùng nguyên văn lời bạn ấy viết), một người đàn ông chỉ có công duy nhất là tạo ra bạn ấy, còn tất cả từ nuôi nấng đến dạy dỗ là một con số không tròn trĩnh. Bạn ấy kể, sau khi bạn ấy chào đời, ba bạn có người phụ nữ khác, nhưng vẫn về nhà sai khiến, đay nghiến, mắng chửi mẹ bạn ấy, đánh đập con cái, cấm đoán mọi chuyện …. Mỗi một từ bạn ấy viết hằn rõ những thù hằn và căm phẫn. Đến giờ, bạn ấy đã là một người thành đạt, còn người đàn ông ấy, giờ đã bị vợ hai đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Ông ta quay về cầu xin mẹ bạn ấy tha thứ, rồi với lòng vị tha, mẹ bạn ấy chấp nhận, nhưng bạn ấy thì không. Nỗi đau năm nào không hề phai nhòa trong tâm trí, thế nên bạn ấy đã đối xử với ông ấy như chính cách mà ông ta đã đối xử với bạn trong nhiều năm qua. Cho đến một ngày, vì không chịu đựng được sự tức giận nên bạn ấy đã đay nghiến ông ấy: “Ông không sống được thì biến khỏi nhà tôi đi! Nhà này không ai tiếc một kẻ khốn nạn như ông đâu. Tôi rất nhục nhã khi phải là con gái của một người đàn ông độc ác và tàn bạo như ông đó” và rồi bạn nhận thấy sự đau khổ và hối hận hiện lên khuôn mặt. Ông ta chỉ biết câm lặng cúi mặt xuống, rồi lặng lẽ đi vào phòng của mình. Rồi bạn ấy lại day dứt: “Tôi có sai không khi nói với ông ta những lời cay độc ấy? Tôi có tàn nhẫn quá với người đã sinh thành ra mình không? Khi đay nghiến ông ta những lời lẽ cay độc như thế, tôi cảm thấy rất thỏa mãn vì mình đã trả thù được cho những nỗi đau mà mẹ tôi đã từng phải gánh chịu, những đau khổ, ê chề mà tôi và bạn trai tôi đã từng trải qua… nhưng thật lòng, tôi vẫn không thấy vui chút nào khi phải buông ra những lời lẽ lăng mạ ba mình như thế”.

Cuối bài viết có rất nhiều những comment, tôi cũng đọc lướt qua, đa phần là thông cảm và khuyên bạn gái hãy tha thứ, chỉ có tha thứ mới làm lòng mình thanh thản. Nhưng cũng có vài comment chỉ trích bạn ấy là bất hiếu, là cư xử như không có văn hóa … Đọc xong tôi thấy buồn cười và bực bội với những comment chỉ trích đó. Bởi tôi thấy đó là những con người giả dối, tự tỏ ra cao thượng. Tôi rất thích câu nói của người xưa “không ở trong chăn làm sao biết chăn có rận”. Họ không ở trong hoàn cảnh của cô gái ấy, họ không thể hiểu được những nỗi đắng cay tủi nhục của cô bé không có tình thương. Họ giống như những gã triết gia bề ngoài tỏ ra đạo mạo nhưng bên trong thì rỗng tếch và thối nát. Tôi khinh những kẻ đó, tôi cũng không ủng hộ cách bạn gái đối xử với ba, tôi chỉ mong với thời gian, niềm thù hận đó sẽ nguôi ngoai, bạn gái với bản lĩnh của một người thành đạt sẽ biết cư xử thế nào cho hợp lẽ phải. Không thể bắt bạn ấy chuyển từ thù hận sang thương yêu được, chỉ mong bạn ấy bình tâm tìm cho mình giải pháp tốt. Thế thôi.

Giời tôi cũng đang tự hỏi, nếu tôi là cô gái đó, tôi sẽ như thế nào?!

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

KHÔNG ĐỀ

Không biết từ khi nào, tôi bỗng nhiên thích đọc blog. Trước kia, tôi nghĩ blog là vớ vẩn lắm, ai rỗi hơi mới viết blog và điều quan trọng mà tôi quan điểm là blog chỉ dành cho tuổi “tin” – cái đám choai choai học đòi viết văn vớ vẩn. Thi thoảng, tôi đọc vài blog 360 độ trên yahoo, và tôi thấy nó thiệt sự vô vị và trẻ con. Cho đến một ngày, tôi tra trên google tìm thông tin của các thánh đường hồi giáo tại Việt Nam (à, tôi quên nói, tôi làm điều hành cho một công ty du lịch), tôi tình cờ vào blog của bạn Kazenka. Bạn ấy cung cấp cho tôi nhiều điều thú vị, và nếu không nói quá thì chính bạn ấy đã góp phần làm tour dành cho người hồi giáo phát triển tốt đẹp (ít nhất là đến thời điểm này). Tôi cảm ơn bạn ấy lắm, rồi thì tôi lại tình cờ biết được bạn ấy là một chuyên gia vi tính. Điều thú vị là đây, bởi tôi vẫn cho rằng dân IT thì chỉ toàn điện đóm, chả có tí gì gọi là “romance” thế nên việc đọc blog của bạn ấy thật sự là một điều ngộ nghĩnh. Cũng nhờ bạn ấy mà tôi biết đến một thế giới blog khác, một thế giới dành cho những người thành đạt, nghiêm túc và giàu cảm xúc. Hay nói chính xác hơn là một thế giới nội tâm phong phú của người từng trải, hiểu đời và thâm thúy. Tôi như bị thôi miên, khi đọc từng bài viết của Kazenka, rồi tò mò lần giở những blogger khác. Nó dẫn tôi đi từ thú vị này đến ngạc nhiên khác. Ô hay, Nguyễn Ngọc Tư cũng viết blog, nhà báo cũng viết blog, biên tập viên cũng viết blog, mỗi một blog là một thế giới đầy hấp dẫn. Tôi từng là tín đồ của truyện ngắn, tôi có hàng trăm cuốn truyện ngắn, với hàng ngàn lần đọc, tôi ngỡ mình đã chạm hết những cảm xúc của cuộc sống, vậy mà với những trang blog, tôi thấy mình như ếch vừa bò ra khỏi cái giếng bé nhỏ, để thấy trời bao la như thế nào. Có những đoản văn chỉ vài ba hàng chữ, thế mà nó làm tôi trăn trở cả ngày. Có những câu chuyện làm tôi phải tự nghĩ về mình, bởi đâu đó tôi thấy thấp thoáng có mình trong đó. Muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống như hiện hữu tại đây.
Rồi tôi cũng tập tành viết blog, tôi bỏ hẳn quyển nhật ký viết tay, bởi cảm xúc của tôi trôi tuột đi khi tôi không có thời gian để viết vào đêm. Với blog, tôi có thể viết mọi lúc, và quan trọng là khi tôi đọc 1 bài viết, nó gợi cho tôi nhiều xúc cảm hơn. Cảm ơn bạn Kazenka, cảm ơn những blogger đã cho tôi những bài học về nhân cách sống. Cảm ơn cái thế giới vô hình đã cho tôi những phút giây thật sự là chính tôi.

Nhưng tôi vẫn lười lắm, tôi thích đọc của các blogger khác hơn. Hì hì!!!

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

LẨN THẨN!

Lúc này anh xã đi công tác hơi nhiều, nên nhà chỉ còn 2 mẹ con. Lần đầu tiên ba đi xa, mẹ thấy cứ thiếu thiếu cái gì đó, đại khái như thiếu người để sai vặt và công việc bỗng dưng nhiều hơn. Nếu như mỗi tối, mẹ chỉ mỗi việc tắm con và đánh răng cho con đi ngủ thì hôm nay mẹ phải làm nhiều hơn: pha sữa, cho con ăn, dọn dẹp đồ chơi, thay quần áo, xức dầu, ngoáy mũi, đập giường, giăng mùng… tự dưng thấy cô độc quá, bỗng nhận ra giá trị của anh xã , thấy nhớ anh xã quá.

Rồi lần 2, lần 3, lần 4 … mẹ dần quen với việc vắng ba, vậy là răm rắp việc nào ra việc đó. Rồi 1 lần mẹ giận ba, tự nhiên nghĩ, không có ông ấy cũng không sao, mình vẫn làm tốt, vậy thì cần chi chồng cho mệt óc.

Tối nay, anh xã có nhà, mọi việc lại như cũ, mẹ thấy thảnh thơi lạ, hoá ra không như ta nghĩ, anh xã như nhà đèn ấy, thỉnh thoảng có cúp, ta vẫn thích nghi, nhưng không có điện dài hạn thì … oải thật đấy.

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

CHIPMUNK!

Làm biếng viết. bắt chước bà con đăng hình thôi. Hình của tóp mô đẹt 2010:


Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

YÊU TRẺ!!!

Theo bạn thế nào là một người yêu trẻ?! Phải chăng đó là một người luôn thân thiện với trẻ con, luôn thích chơi đùa và nựng nịu chúng, bất kể chúng là con trai hay con gái, là da trắng hay da đen là cháu nội hay cháu ngoại?! Tôi cũng đồng quan điểm thế, vậy mà hôm qua tôi bắt gặp một quan điểm mới (ít ra là đối với tôi). Chỉ yêu trẻ khi trẻ là người thân là bà con ruột thịt, còn người ngoài, xin lỗi “don’t care”. Đó chính là em rể tương lai của tôi. Tối qua, cậu ấy qua nhà chơi, và nựng con gái tôi một lúc, chẳng hiểu thế nào cậu ta tâm sự: “em thương cháu em lắm, nhưng là cháu ruột cơ, còn chỉ là hàng xóm, thậm chí con bạn em cũng không hứng thú, em không thích hôn hay nựng thậm chí còn thấy chúng quá phiền nhức. Em không biết có phải mình ích kỷ không, nhưng thật sự là em không thấy cháu hay con nít nào đáng yêu hơn cháu mình”. Ngộ nhỉ, trẻ con nào mà không đáng yêu, cao lại có phân biệt kỳ vậy. Suy rộng ra, trường hợp cô giáo bỏ trẻ vào thang máy, cũng là một phần của sự phân biệt giữa con mình và con thiên hạ. Thế thì nó thành căn bệnh lãnh cảm nguy hiểm rồi. Nguy thật!

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

BA & CON GÁI

Tối qua có một chuyện mà mình cứ mắc cười hoài, giờ phải ghi lại mới được. Chẳng là sau khi cho con Chipmun ngủ, mình đi phơi quần áo, lúc vào mình mở cửa nhẹ nhàng sợ nó thức giất, bất ngờ mình thấy ông xã đang ngồi ở góc bàn, xem cái gì chừng chăm chú lắm. Chắc lão đang coi cái gì thú vị lắm đây. Tiến đến gần lão êm ru như một con mèo rình mồi, mình nhìn xuống bàn…. Hóa ra lão đang coi “sổ liên lạc” của con gái. Lão xem rất kỹ từng lời nhận xét của cô giáo, lật qua lật lại trang có dán bông sen với lời khen cháu ngoan bác Hồ. Rồi lão nhìn hình con gái, lão mỉm cười. Đóng sổ lại, rồi mở ra, lão xăm xoi như thể trong cuốn sổ mỏng manh đó có chứa bảo tàng. Coi tới coi lui chừng 5 phút, lão lật lại trang chữ ký phụ huynh, ngồi ngay ngắn, nắn nót ký tên, ghi họ tên đàng hoàng. Lại ngắm ngía, lại cười tủm tỉm. Lại bỏ xuống bàn, rồi lại cầm lên coi, rồi lại cười. Mình hết chịu nổi liền khều nhẹ lão. Có chút giật mình, lão kéo tay mình ngồi xuống rồi thì thầm: “hôm nay nhận sổ liên lạc, lần đầu tiên ký tên vào chỗ phụ huynh, tự nhiên anh thấy vui vui. Anh không nghĩ một thằng như anh lại có con ngoan và dễ thương vậy. Anh không nghĩ một ngày nào đó, anh cũng có con gọi mình là ba. Anh vui lắm, rất vui”. Ôi! Ông xã!

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

MỘT KẾT CỤC BUỒN!

Tôi không biết họ yêu nhau được bao lâu, chỉ biết sau khi M về nước (M đi hợp tác lao động tại Nhật) được 3 tháng thì họ làm đám cưới. Một đám cưới không bình thường, cưới chạy bầu. Bà con, họ hàng cũng nhiều người thắc mắc, nhưng rồi cũng tặc lưỡi cho qua, vì M cũng đã hơn 30, thôi kệ, cưới cho rồi. Chỉ có ba má M là ngỡ ngàng và buồn, vì họ không mong M lập gia đình sớm vậy, họ muốn M có việc làm ổn định tại quê nhà sau gần 4 năm xa xứ. Hơn nữa, cô vợ mà M chọn có cái gì đó không hợp với gia đình M, đánh giá khách quan thì cô đó không xinh, ưa nhìn chút, có vẻ hiền và gia giáo. Song nói theo kiểu của dân miền tây thì cô gái này không có duyên, cũng không có nghĩa là vô duyên (xin giải thích thêm rằng quan điểm “duyên” của dân miền tây là cô gái phải có sức cuốn hút, nhìn là muốn nói chuyện, hay ít ra nhìn là có thiện cảm, chỉ đơn giản thế thôi). Mà dù có nhiều ý kiến khen chê gì gì nữa, thì đám cưới vẫn diễn ra và cái sự không hài lòng dần dần lộ rõ. Đầu tiên là việc rước dâu, do nhà gái tận Bạc Liêu, nên nhà trai xuống sớm 1 ngày, thuê khách sạn tại thị xã nghỉ đêm, để sáng qua rước dâu. Cả ngày lẫn đêm hôm đó, không một bóng người của nhà gái gọi điện hỏi thăm xem nhà trai thế nào, dửng dưng như không phải chuyện của họ. Tội nghiệp chú rể, cũng không biết giải thích sao về cái sự vô tình đó. Kế đến là đi rước dâu, nhà trai trang phục chỉnh tề, sui gia áo vest, áo dài cài hoa lịch sự. Đúng 9:00 có mặt tại nhà cô dâu và xuýt nổi điên khi thấy ông sui bận quần tây cũ xì rách gấu cùng bà sui còn y nguyên bộ bà ba mà nếu đem đi ủi thì mất gần 1 năm mới thẳng. Bạn đừng nghĩ họ nghèo, chủ trại cua mà, nghèo sao được khi cho con đi học thành phố, nghèo sao được khi nhà đầy đủ tiện nghi không thiếu món gì. Có chăng là coi thường nhà trai (tui cũng nghĩ vậy). Ông sui trai giận đỏ mặt tía tai, may còn bà sui trai hiền thông cảm, bảo ông sui trai đừng giận, vì con. (hai chữ vì con nghe nặng quá). Rồi thì cái đám cưới kỳ dị cũng diễn ra, lúc đón dâu, chỉ mình cô dâu xách vali theo chú rể, không một người nhà gái đi theo đưa tiễn. Buồn.

Cô dâu mới về nhà chồng được 4 tháng thì cái bụng đã lùm lùm, bà con xì xào, ông sui trai thêm 1 lần đỏ mặt vì giận. Cô dâu mới có lẽ còn quá trẻ để biết làm dâu, dù mẹ chồng cô rất hiền, cũng không thể chịu nổi cô con dâu ương bướng. Cô yêu chồng, yêu đến ghen tuông mù quáng, chồng đi về trễ chút, cô đá thúng đụng nia, chồng đi công tác, cô gọi liên tục. Có lần cô nổi điên đánh chồng một bạt tai tóe khói ngay trước mặt má chồng. May là cô đang có bầu nên không bị ba chồng tống cổ ra đường. Rồi cô cũng biết lỗi, khóc lóc xin ba mẹ chồng tha thứ. Ông bà ta nói đúng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, đỉnh điểm là khi cô sinh con được 2 tuần, cũng trong một cơn ghen mù quáng, cô đùng đùng đòi ẵm con về ngoại dù rằng con gái cô sinh non 2 tháng, dù rằng mẹ chồng đã hết lời khuyên can. Cô ẵm con đi ngang đồng giữa trưa, vừa đi vừa khóc và thế là bà con lại được dịp bàn tán “dâu ông năm kìa, bộ ổng đối xử ác lắm sao mà con nhỏ sinh non ngày vậy xách gói bỏ đi”, lời nói gió bay, bay thẳng đến tai ông sui trai. Lần này thì cô dâu mới đi thiệt, đi vì ba chồng cấm cửa.

Sau vụ um xùm đó, M chỉ còn cách chạy đi chạy về thăm con, vì nói cách nào ba cũng không chấp nhận cho vợ M quay về. Cũng phải thôi, vì ông cụ nào giờ ăn ở đàng hoàng, hiền lành tử tế, nay vì cô con dâu mà mang tiếng ác, sao mà ông chịu. Ở đời, cái gì cũng có chữ nhưng, cũng lại cái câu “vì con” mà ông chấp nhận cho con dâu quay về sau khi ông bà sui gái lên năng nỉ, xin lỗi (kể ra thì ông bụng dạ hiền thật). Tưởng đâu sau trận này, cô dâu sửa đổi, mà cô thay đổi thật, cô nói năng với ba má lễ phép hơn, cô biết điều hơn và cô cũng ghen hơn. Ngay trước đêm thôi nôi con, cô lại đánh chồng vì cái tội không nghe cô nói mà lo nhắn tin cho con nào đó (cô nghĩ thế). Đến nước này thì chính M là người nổi giận và nhất định đuổi cô đi. Dĩ nhiên là đời nào cô chịu đi, cô vịnh cớ con bệnh, bắt M phải chăm nom, phải chở mẹ con cô đi thành phố khám bệnh. M có lẽ đã nhận ra sai lầm của mình khi quá vội vã trong hôn nhân, đã tỏ ra mệt mỏi, để mặc mẹ con cô trong bệnh viện. Giờ thì cô cũng thấy bơ vơ, hối hận, nhưng quá trễ để níu kéo tình cảm. Ba ngày trong bệnh viện, cô đã có thời gian để suy nghĩ về mình về gia đình. Cô quyết định giải phóng cho cả hai. Sau khi M chở cô từ bệnh viện về, cô đã thưa với ba má chồng cho cô và M ly dị, con cô sẽ nuôi và M chu cấp đến khi nó lớn. Không ai phản đối, dường như ai cũng trông chờ lời nói đó từ cô. Chấm dứt đời sống hôn nhân sau đúng 2 năm. Liệu có quá dài chăng?! Tôi không biết, tôi chỉ thấy buồn cho ba má, bởi tôi biết M là đứa con mà ba má đặt nhiều kỳ vọng nhất. “Vì con” ba má lại chấp nhận sai lầm của M lần nữa, khi nó tuyên bố sang năm sẽ cưới vợ khác.

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

HẠNH PHÚC KHI CÓ VỢ!

1. Vợ dạy cho ta tính phục thiện. (sẵn sàng nhận lỗi tuy mình không làm gì sai trái cả)
2. Vợ dạy cho ta tính kiện nhẫn, chờ đợi không biết mệt mỏi (trong mọi trường hợp khi vợ đi chợ, vào siêu thị một chút hay đi gội đầu)
3. Vợ cho ta sức khỏe (tuyệt đối không cho hút thuốc lá, uống rượu, uống bia, đi chơi khuya với mấy thằng bạn cô hồn)
4. Vợ dạy cho ta sự tế nhị (không chê bai dù cơm khét, canh mặn…)
5. Vợ dạy cho ta sự lễ phép (đi thưa, về trình)
6. Vợ dạy cho ta sự rộng lượng (kiếm được bao nhiêu tiền đầu tư hết vào Vợ)
7. Vợ là huấn luyện viên thể dục tại gia (giao việc cho ta làm vườn, cắt cỏ, đổ rác, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, mang vác)
8. Vợ dạy cho ta tính gọn gang, trật tự (chỉ được bày biện của riêng trong một góc tủ Vợ dành cho)
9. Vợ dạy cho ta sự công chính (ra đường cứ thẳng đường mà đi, không nhìn ngang, liếc dọc, nhất là chỗ có đông phụ nữ)
10. Vợ giúp ta trở thành người cha gương mẫu (thay tã, tắm rửa cho con, ru con ngủ, cho con bú, dạy con học…)
11. Vợ dạy cho ta biết giá trị của hai chữ tự do (mà ta nay không còn nữa)
12. Vợ dạy cho ta biết phấn đấu với nghịch cảnh (kìm nén nỗi niềm, muốn chết mà cứ đành phải sống)
13. Vợ dạy cho ta trở nên đứng đắn, sáng tạo (tìm và trả lời mọi câu hỏi đúng với điều vợ muốn nghe)
14. Vợ dạy cho ta biết phải luôn luôn ngờ vực, sẵn sàng bào chữa cho chính mình (trước những cái nhỏ nhất đều có thể nghi ngờ & với mọi lỗi trầm trọng đều chỉ là nhỏ nhặt khi có lý do xác đáng)

Chú thích: bài này chôm đâu đó trên mạng, thấy hay, ghi nhận để training chồng.

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

HỌC GÌ?

Dạo này sức khỏe giảm sút quá, có lẽ do lười vận động. Từ lúc có con, mình bỏ bê bản thân quá, phải làm động tác gì đó thôi.
Đi bơi – môn này đòi hỏi thời gian và thể lực, chưa kể đến vấn đề thời tiết => không ổn.
Chạy bộ - môn này phải dậy từ 5g sáng, oải lắm. Đang thiếu ngủ nữa => không ổn.
Khiêu vũ – chẳng lẽ đi học một mình vì lão ròm không thích nhảy nhót => không ổn nốt.
Học võ – cái này có thể, ngẫm lại cũng có 10 năm luyện võ rồi, nhất đẳng huyền đai chứ chả chơi. Nhưng bi giờ học lại, chắc quên hết ráo. Có lẽ mình nên học tiếp Aikido, nó hợp với những người có tuổi như mình hơn. À, mà có ai già như mình còn đi học võ không nhỉ?!

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

GIỜ VIỆT NAM

Đây là lần thứ ba mình “đáo tụng đình”, theo đuổi cái vụ bị kiện đòi đất. Không nói về tình tiết vụ án, mình chỉ “cà khịa” về vấn đề giờ giất. Giấy hẹn của tòa án Tp.HCM ghi rõ, có mặt tại tòa án vào lúc 8:00. 7:30 bầu đoàn thê tử đã lụp rụp cuốn gói lên đường. Ngồi tại phòng xử đúng ben 8:00, không sai 1 giây.
Hình ảnh tại thời điểm đó là phòng xử trống vắng đến nao lòng, thậm chí cửa phòng còn chưa được mở. Cả nhà ngơ ngác chờ đợi trong 10’, vài em sợ coi lầm ngày, mở giấy thông báo ra kiểm tra cho chắc ăn.
8:30 cửa phòng xử mở
8:45 thư ký tòa mang hồ sơ vào phòng
9:00 yêu cầu mọi người an vị chờ thẩm phán
9:15 phiên tòa bắt đầu.
10:00 kết thúc
Đây cũng là lần thứ 3 chờ đợi gần 1:30’
Đúng là chỉ có tại Việt Nam.

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

BỊ ĐÒN

Đọc cái tiêu đề đủ biết là nói đến ai rồi bạn nhỉ?! Lính nhí nhà mình mới bị đòn tối qua. Chuyện là vầy, ba mẹ có một quy định rất rõ ràng và nghiêm túc là "không ai được bênh vực khi ba hoặc mẹ đang áp dụng hình phạt đối với lính nhí", quy định này đến thời điểm hiện tại vẫn còn giá trị, thế nên mới có chuyện như sau:
9g tối, lính đã yên vị trên giường, nhưng không ngủ, vẫn hát hò lung tung. Chỉ huy mẹ dụ:
- Ngoan đi con, ngủ ngoan mai dậy sớm đi học chứ, con dậy trễ mấy bạn đi học hết bỏ con lại à
- Để con hát xong đã rồi ngủ
- OK
Một bài, hai bài vẫn chưa chịu ngủ
- Thôi đủ rồi, ngủ đi, không thôi tí ba vô ba đánh đòn à.
- Con bận tã rồi, ba không đánh đâu (ý là mặc tã rồi, bị đòn không đau).
- Ba không đánh đít mà ba đánh vô chân, ba giận ba phạt là mẹ không binh đâu nhe
Tình hình vẫn không thay đổi. Lát sau có tiếng ba, mẹ lại hù:
- Ba vô tới rồi, ngủ ngoan nào, bé ngoan là phải nghe lời.
- Nhưng bé ngoan chưa buồn ngủ.
Đến nước này thì bó toàn tập, đành đợi ba vô thôi
- Sao con chưa ngủ, chắc phải bị đòn quá (quơ tay làm bộ lấy cây roi)
Ba chưa kịp làm gì là lính nhí hét ầm nhà, khóc mếu máo:
- Mẹ ơi cứu con, ba đánh con bể mông rồi
Trời ạ, chưa cầm tới cây roi mà nó la đánh bể mông, nín cười không nổi.
- Mẹ xin lần này thôi nhe, lần sau mẹ nói không nghe, ba đánh ráng chịu.
Lính nhí khóc thút thít rồi rúc đầu vô lòng mẹ, mắt nhắm tịt và chỉ một lúc sau là ngủ ngon lành, nước mắt còn đọng quanh mi. Thiệt tội nghiệp.
Ba và mẹ: đúng là nhát đòn mà lì gớm.

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

NỖI BUỒN!

Ba tôi đang nằm viện, đúng vậy, đã nằm được 2 ngày, và tổng thời gian tôi có mặt trong viện để chăm sóc ba không quá 3 tiếng. Hẳn bạn sẽ hỏi sao tôi không dành nhiều thời gian cho ba hơn?! Chắc chắn câu trả lời sẽ là tôi bận, tôi không có thời gian, vì tôi còn con nhỏ vân vân và vân vân, nhưng trên tất cả là sự thật tôi không muốn chăm sóc ba. Đừng kết tội tôi vội, hãy nghe tôi nói. Nếu bạn hỏi, tôi có yêu ba không?, tôi sẽ trả lời rằng “đã từng”. Đúng vậy, tôi đã từng rất thương ba, từng xem ba là thần tượng và bây giờ thì điều đó không còn nữa, tình cảm của tôi bây giờ chỉ còn dừng ở mức “nghĩa vụ”. Sau những biến cố do sai lầm trong cách nghĩ và làm, ba tôi về hưu trước thời hạn. Và ba tôi làm gì với cái tuổi hưu non đó. Chính xác là “không làm gì cả”. Thời gian đầu, tôi hoàn toàn thông cảm và chấp nhận việc ba ở nhà đọc báo, xem tivi, đi nhậu với hàng xóm, thậm chí tôi còn hào hứng chở ba đi nhậu với mấy ông bạn cũ, rồi 11g đêm đi đón ba về, mặc cho mẹ tôi càu nhàu khó chịu. Tôi những tưởng rồi ba sẽ hòa nhập vào cuộc sống hiện tại, rằng ba sẽ cùng với mẹ đi đây đó chơi, cùng mẹ chăm sóc gia đình khi bọn tôi vắng nhà và bù đắp cho mẹ những tháng ngày khốn khó, cô quạnh khi ba còn đi công tác xa. Nhưng hoàn toàn không có những ngày đó. Mẹ tôi vẫn ở vị trí “con sen” (xin lỗi tôi không thể tìm từ chính xác hơn), mỗi sáng dậy từ 6g sáng đi tập thể dục rồi đi chợ, riêng phần đi chợ, bọn tôi không thể thay thế vì không ai đi chợ nấu ăn vừa ý ba. Mỗi sáng là một điệp khúc “anh ăn gì em nấu” cùng với câu trả lời “nấu gì cũng được”, để rồi mỗi bữa ăn lại tiếp tục điệp khúc “sao em không nấu món này, sao em không nấu món kia” hay “em nấu món này phải thêm cái này”, chưa bao giờ ba tôi hài lòng với món mẹ nấu, dù rằng mẹ nấu rất ngon. Có bữa ăn, ba chê ngay trước mặt cả con rể, làm mẹ giận tím mặt, bỏ hẳn ăn uống và thậm chí chiến tranh xảy ra, thế mà 10 lần vẫn như 10. Ba vẫn chê.
Mẹ tôi vốn tính rất ưa sạch sẽ và gọn gàng, thế nên mẹ luôn quét dọn mọi thứ, ngay cả tolet, sau khi tắm xong mẹ cũng quét sạch nước vì sợ ba đi trơn té, vậy đó mà khi mẹ tôi bệnh, bọn tôi đi làm cả ngày, chiều về thấy mẹ lom khom quét sân, bọn tôi hỏi sao mẹ không nhờ ba quét dùm, hay để tụi con về làm, mẹ tôi lại rơm rớm nước mắt “mẹ nằm sáng giờ, ba mày không làm gì phụ, ngoại trừ nấu dùm nồi cháo, rồi bỏ đó, đi đọc báo, coi tivi, mẹ đói thì tự đi múc ăn. . . ”. Bạn nghĩ sao?! Không những vậy, ba tôi còn thêm cái tính “thích làm bác sỹ”, ở cái tuổi 60, trông ba tôi già nhưng đã gần 70, bởi vì kiêng khem quá mức. Ba tôi cho rằng bị cao huyết áp vì choleterol, vậy là bỏ hẳn món chiên, mặc dù bác sỹ kiểm tra ba tôi hoàn toàn bình thường. Đọc báo thấy ăn mặn quá không tốt thế là ba tôi ăn lạt nhách, đến nỗi cơ thể thiếu muốn nên đen sạm và khô queo. Cũng không ăn trái cây vì đồ sống dễ đau bụng, bọn tôi có nói thế nào cũng không nghe. Lần này nằm viện vì lý do hết sức “ lãng nhách” – suy nhược cơ thể do suy dinh dưỡng. Tuần rồi, ba tôi bị cảm nhẹ, bọn tôi đã đưa ba đi bác sỹ và sau đó là uống thuốc liên tục mà không ăn gì ngoài cháo trắng. Mẹ tôi lo ba sẽ bị nặng hơn, nên hết sức bồi bổ, nào cháo thịt gà, thịt bò, thậm chí ba muốn ăn gì bọn tôi cũng mua, nhưng mua về rồi, ba tôi lại không ăn, bảo không ăn đuợc vì lý do này lý do nọ và kết quả như bạn biết đấy. Mẹ đoán thế nào ba cũng vào bệnh viện, quả y như vậy. Ngày đầu tiên, y tá truyền điện giải cho ba tôi, tôi canh chừng không bị sốc, ba tôi cứ chốc chốc lại nói “kêu y tá đi, truyền gì lâu vậy” … cùng đủ thứ yêu cầu khác, làm tôi muốn phát điên vì bực tức mà không dám cãi lại. Nên ngay khi mẹ kêu về nhà, mẹ thay tôi chăm sóc cho ba, tôi mừng vô hạn. Tôi sợ, nếu ở thêm nữa, tôi sẽ không kềm được cái tính nóng nảy của mình, sẽ xảy ra chuyện gì có trời mà biết. Tội thay, nạn nhân tiếp theo và có thể nói thường trực đó là mẹ tôi. Em gái sau khi ở cùng mẹ đã về nhà và kể với tôi “Hai ơi, Khánh hết chịu nổi ba, ba sai mẹ liên tục, ngồi chút là kêu cái này, lấy cái kia, mẹ gần như thức trắng, mà ba bịnh gì nặng đâu, chỉ suy nhược cơ thể thôi mà”. Có lẽ bạn chưa biết, nhà tôi có tất thẩy 8 người, Mấy chị em tôi cùng con rể đều đi làm, làm công ty nước ngoài, bạn biết đó, giờ giất rất nghiêm ngặt, không thể hở chút là biến như công sở nhà nước, lộn xộn là bị đuổi ngay. Tôi không biết ba tôi có nghĩ dùm cho bọn tôi không, thực sự, tôi thấy mệt mỏi và thất vọng quá. Nhà đối với tôi giờ như địa ngục, chỉ có trách nhiệm và nghĩa vụ thôi, niềm vui đuợc tụ họp cùng gia đình dường như biến mất. Ngay cả bữa cơm chung, bọn tôi ai cũng ngại, bởi sẽ không biết bị bắt lỗi gì khi mỗi lời nói phải cân nhắc từng chữ. Đã nhiều lần tôi tự hỏi, tôi phải làm gì?! Có ai cho tôi lời khuyên không?!

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

THẤT TÌNH!

Chính xác, thằng em trai tôi thất tình. Nó chia tay người yêu với thâm niên 5 năm yêu nhau. Đó là một cô gái khá hoàn hảo từ vóc dáng đến tư chất. Cô bé cao 1m6, trắng trẻo, không đẹp nhưng có duyên với má lún đồng tiền và nụ cười hút hồn. Cô bé học giỏi, ít ra là đứng trong top 10 các bạn học giỏi của khối. Cô bé con nhà khá giả và gia giáo, khá dịu dàng, giao tiếp lại mềm mỏng, nói chung đó là một người vợ tuyệt vời chứ đừng nói chỉ là người yêu. Thế nên thằng em tôi nó sợ mất lắm, vừa tốt nghiệp 1 năm là nó đòi cưới ngay, ba mẹ hai bên cũng từng gặp nhau, thế rồi bi giờ bọn nó chia tay.
Tối qua, nó bò qua nhà tôi, chui vào phòng tôi, lôi trong ba lô ra vài lon bia và uống (nó sợ ba mẹ nó bắt gặp nó say xỉn vì thất tình). Tôi để yên cho nó uống một hơi hết đống bia đó, rồi nhẹ nhàng kêu nó đi ngủ. Bất ngờ nó bật khóc, khóc ngon lành như một đứa trẻ. À, tôi quên tả về nó, nó cao 1m75, nặng 60kg, cũng trắng trẻo đẹp trai và học cực giỏi, thế nên việc nó sưu tầm ra con nhỏ người yêu tiêu chuẩn này là cả vấn đề. Giờ cái thân to đùng đó đang ngồi thu lu trong góc phòng, khóc nức nở. Rồi dường như khóc cũng không xả hết những u uất trong lòng, nó bắt đầu lèm bèm:
  • hai biết không, em yêu Trân lắm, yêu rất nhiều, vậy mà bây giờ, Trân nói chia tay, mà đâu phải lỗi nơi em, mà là ba mẹ Trân không thích em.
  • Uả, sao hồi tháng trước, phụ huynh hai bên gặp nhau vui vẻ lắm mà, gì kỳ?
  • ừ, tại hai không biết. Trân về Vũng Tàu làm việc trong ngân hàng, mà nó làm gì đến tận 11g đêm mà chưa được cho về. Nhiều lần lắm rồi, nên em sốt ruột gọi cho bà trưởng phòng của nó, em nói làm gì mà đì người ta dữ vậy, bộ chị không biết thương người hả!! Làm nhiều vậy, cuối năm chị được tăng lên mấy chức nữa, chà đạp người khác để đi lên thì không đáng làm người lãnh đạo đâu. Mà em đâu có dè, bà đó là bà con với ba nó. Tuần rồi, ba nó gọi điện cho ba em, ổng nói ổng không gả con cho cái thứ mất dạy, ngang ngược đó, nói ba em về dạy lại em. Rồi hai bên cãi qua, cãi lại. Giờ thì … em mất vợ.
  • Chật, cái này thì Trung sai rồi, làm gì cũng suy nghĩ chứ, sao dại dột vậy. Rồi Trung có gọi điện hay xin lỗi gì hông?
  • Có hai, em làm hết mọi cách, thậm chí chạy ra nhà nó, gặp ba má nó xin lỗi, mà ba nó cũng không chịu, ổng nói ổng gả nó cho thằng phó giám đốc ngân hàng, giàu mà biết điều hơn em. Hai coi giờ em làm sao?
  • Ờ, thì vấn đề không phải là ba mẹ nó mà là em và nó kìa
  • Thôi hai đừng nói nữa, chính nó đòi chia tay với em, nó nói nó không thể cãi lời ba mẹ. Em còn làm gì được hả hai.
. . .
Lại khóc, lại lèm bèm cứ như vậy, nó lải nhải cả đêm.
Tôi thật sự không biết phải làm gì trước tình cảnh này, chưa bao giờ tôi nghĩ thằng em trai to đùng lại yếu mềm đến thế, ngay cả khi đi học, bị té xe, tét tay, nó cũng không hề nhăn mặt, vậy mà …
Thất tình thật đáng sợ và cũng thật đáng thương!

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

NÓI XẤU!

Chồng ròm, chính xác 100% là như vậy.
Chồng cao 1m70, nặng 49kg lẻ 2 lạng. Điều đó minh chứng hùng hồn cho cái sự ròm của chồng.
Chồng đen thui, y như Campodia, hãi nhất những lúc cúp điện, chồng đứng trong góc nhà, trợn mắt lên, thế là ... vợ xỉu.
Chồng hôi thuốc là, chính xác là 10 điếu mỗi ngày, không kể nắng mưa.
Chồng nghiền cafe, có thể ngồi đồng bên ly cafe tí tách từ 8g30 sáng đến 9g30 tối (tất nhiên cũng có những lúc đứng lên đi WC).
Chồng khoái chơi game trên Iphone và có khả năng chơi hàng giờ trong tolet.
Chồng ghét tắm, 2 ngày tắm một lần cho nó tiết kiệm.

Chồng rất yêu con, có thể làm con bò, con heo, con chó chơi với con, miễn là con cười
Chồng rất chịu khó đút con ăn, pha sữa cho con măm măm.
Chồng mặc tã, mat-xa cho con rất điệu nghệ và làm con mê tít. Thế nên mỗi khi chồng kêu con gái oi, mát xa hông là nhí liền nằm sắp ngay ngắn cho chồng mát xa body.
Chồng rất thích hôn vợ và con mỗi buổi sáng trước khi đi làm, mỗi chiều tối khi lết thếch về từ cơ quan.
Chồng nấu ăn rất ngon vì thế toàn chê vợ ỏng eo => đa phần tự phục vụ lấy, chê hoài ai nấu cho mà ăn.
Chồng biết ba mẹ vợ thích ăn sầu riêng, bao giờ đi công vụ dìa cũng có vài trái lấy lòng ông bà nhạc.
còn nhiều và nhiều cái ... gây cho vợ bực bội và yêu thương nữa.
Nhưng tựu chung, chồng Hư!!!

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

XÓT XA!

Không hiểu sao lúc này tôi hay mau nước mắt quá, đọc một bài văn hay cũng rưng rưng, nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh cũng ngậm ngùi. Như hôm nay vậy, khi xem những bức hình chụp phiên xử kẻ giết người Nguyễn Đức Nghĩa, tôi không sao cầm được nước mắt trước hình ảnh người cha lao qua vòng tay của cảnh sát chỉ để nhìn và nói với con những lời sau cuối. Đau lòng quá! Tôi đã xem qua rất nhiều vụ án, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thương cho kẻ phạm tội (dù anh/chị ta phạm tội là vô tình hay cố ý hay vì bất cứ nguyên nhân gì), tôi chỉ quan tâm đến người thân của những tội nhân đó. Kẻ tội phạm nào rồi cũng sẽ có hình phạt thích đáng, không của pháp luật thì của chính lương tâm họ, và rồi nỗi đau nào cũng theo thời gian qua đi nhưng những ám ảnh và di chứng lại tồn tại trên chính người thân của họ. Những người thân đó mới thật sự là nạn nhân. Tôi còn nhớ một vụ án mà người cha trong phút nóng giận đã đánh chết bà mẹ, toà xử anh ta 10 năm tù, hình ảnh mà tôi không quên được là ánh mắt của đứa con gái mới 8 tuổi, thật buồn ngồi thu gọn bên cạnh bà nội, dường như đang trốn cái nhìn đầy phẫn nộ của bà ngoại. Dẫu biết rằng bé không có tội, nhưng vẫn là “con cái giống giết người, sớm muộn gì cũng y như thằng cha nó”! Như kẻ giết người Nguyễn Đức Nghĩa hôm nay vậy, nếu anh ta biết nghĩ đến người thân của mình, có lẽ sẽ không có tình cảnh đau lòng này. Bài học nào cho chúng ta hôm nay và cho lớp trẻ ngày sau?!

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

VÌ SAO ĐÀN ÔNG THÍCH BÓNG ĐÁ?!

TVO- Gần như tất cả đàn ông hoặc những anh chỉ có một nửa đàn ông đều thích bóng đá đến điên cuồng.
Không phân biệt già trẻ, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tây - ta và không phân biệt trình độ văn hóa, trọng lượng cơ thể, tình trạng vệ sinh, hoàn cảnh xuất thân... đàn ông khắp thế giới này đều mong mỏi đến ngày hội bóng đá để gào thét, khóc lóc, cười nói hoặc vừa cười vừa nói vừa khóc lóc. Sau nhiều năm nghiên cứu, nhiều nhà khoa học đã tập hợp các nguyên nhân lý giải điều đó:
1. Đàn ông thích bóng đá vì... đàn bà không thích bóng đá. Được chứng tỏ mình khác hẳn... tụi bên kia luôn luôn là niềm khao khát thầm kín của đàn ông.
2. Đàn ông thích bóng đá vì hầu như ai cũng đã từng đá bóng. Tuy phần lớn họ chả có năng khiếu gì, các trận đấu ấy chỉ còn dấu vết lờ mờ theo thời gian, nhưng đàn ông nào cũng tự hào là đáng ra họ đã thành một ngôi sao lớn.
3. Đàn ông thích bóng đá do hôm nay rất nhiều cầu thủ bóng đá cực giàu mà không phải... cắp sách đến trường. Bản chất đàn ông đều chán học, và bóng đá là cơ hội hùng hồn cho thấy chả học cũng... tốt như thường.
4. Đàn ông khoái bóng đá do nhiều trận bóng đá diễn ra lúc đêm khuya. Những dịp ra khỏi nhà vào lúc đêm khuya luôn luôn quý báu.
5. Đàn ông thích bóng đá vì trên sân bóng đá hiện nay có nhiều cô gái lúc reo hò thì... nhấc áo lên.
6. Đàn ông thích bóng đá vì bóng đá luôn dễ hiểu hơn so với điện ảnh, ca nhạc hoặc... cải lương. Đặc biệt dễ hiểu hơn so với văn học.
7. Một số đàn ông thích bóng đá nữ do đấy là một trong những cơ hội xem các cô gái mặc quần đùi.
8. Bóng đá có thể thay đổi vào phút cuối cùng. Đàn ông luôn luôn mơ ước được như thế, đặc biệt là trong hôn nhân.
9. Đàn ông luôn luôn mơ đá vào ai đó và tránh được ai đó đá vào mình.
10. Các cầu thủ hôm nay nếu nổi tiếng là mơ ước của các cô gái đẹp. Mà các cô gái đẹp là mơ ước của đàn ông.
11. Đàn ông thích xem bóng đá vì nếu không xem, có thể hỏi đứa bên cạnh mà vẫn biết được kết quả.
12. Khi theo dõi bóng đá, đàn ông nào cũng hạnh phúc khi cảm thấy mình thông minh hơn trọng tài.
13. Trong bóng đá, cái lý bao giờ cũng thuộc về kẻ thắng. Đàn ông rất thích điều này.
14. Bóng đá là môn duy nhất đôi lúc thắng lợi không phải do mình hay, mà do chúng nó đá phản lưới nhà. Đấy là thứ những đàn ông thiếu tự tin hy vọng.
15. Trong bóng đá, cầu thủ đẹp trai chưa chắc đã là cầu thủ giỏi. Mà hầu hết đàn ông trên đời này đều không đẹp trai. Chân lý ấy khiến họ sung sướng.
16. Khi đội nhà thất bại, khán giả có quyền đập phá. Đó là mong ước thầm kín của đàn ông.
17. Khi ghi bàn, cầu thủ được đồng đội thi nhau ôm chầm lấy, mà hầu hết đàn ông đều thích được ôm.
18. Khi xem bóng đá, đàn ông có quyền hát to những bài hát mà mình không thuộc.
19. Khi xem bóng đá, có thể túm cổ đứa ngồi bên cạnh. Khi xem phim hoặc xem ca nhạc chẳng làm được việc này.
20. Khi đi xem bóng đá với bồ nhí, khả năng bị vợ bắt gặp là con số không.
21. Đàn ông thích bóng đá có quyền khinh đứa nào không thích bóng đá. Với hội họa hay kịch nói thì không thể làm thế.
22. Cuối cùng, đàn ông thích bóng đá bởi nếu không thì họ thích gì?
Đọc và ngẫm xem, đúng không nhé.

CHẠY TRƯỜNG!!!

Trong tình hình bà con sôi sục chạy trường cho con, mình cũng tham gia 1 bài cho nó có tụ. Chẳng là con nhí nhà mình gần 3 tuổi rồi, phải đi nhà trẻ thôi. Hồi có ý định cho con đi học, mình hoàn toàn yên tâm vì nhà mình ở trong diện ưu tiên. Phường mình có 2 cái trường mầm non chuẩn cấp thành phố nhá, to đùng, chỉ cần dẫn con qua đường là tới trường – quá tiện. Ngoài ra, phường mình cũng có đến 3 cái trường từ tiểu học đến cấp II, cấp III toàn trường điểm. Quá tuyệt. Ấy thế mà (không dùng từ nhưng cho đỡ nặng nề) nhí nhà mình không có trường nào nhận. Thế mới máu. Ngày có thông báo trường mầm non tuyển sinh, mình tàng tàng vô trường xem thông báo, xem xong té ngửa. Thông báo ghi rõ không có lớp hè cho bé sinh năm 2007 (có cũng không nhận học sinh mới), muốn học lớp mầm phải đợi đến tháng 9 khai giảng khóa mới (số lượng có hạn). Chết thiệt, cái kiểu này thành thất học rồi. Lập tức về nhà mở cuộc họp gia đình. Ông ngoại bảo yên tâm, tao có quen hiệu trưởng, để tao gởi vô, nhà mình cán bộ mà, không có gì phải lo.

Hai ngày sau.

Lại họp gia đình, ông ngoại thông báo, không gởi được vì quy định là quy định không quen biết gì hết. 7 thành viên còn lại vắt óc suy nghĩ ra mọi mối quan hệ để gởi cháu đi học. Sau gần 2giờ bàn bạc, dì út đề nghị, thôi gởi qua quận 5 học đi, quận 8 qua quận 5 cũng gần, cô tư có bạn làm hiệu trưởng trường mầm non chuẩn bên đó. Tia hy vọng lại lóe lên, lại chạy chọt qua nhờ cô tư.

Ba ngày sau.

Alô, tâm hả, ok rồi nhe, mai dẫn nó qua gặp cô hiệu trưởng làm thủ tục nhập học luôn.

Trời, mừng hết lớn.

Ngày dẫn con vô trường nhập học, nỗi mừng vui xen lẫn nỗi lo, nghẹn ngào như tin: “giải phóng miền nam”. Bây giờ mình mới nhận thấy giá trị đích thực của “nhất thân, nhì thế”. Được cô hiệu trưởng dẫn xuống tận lớp, giao nhí tận tay cô bảo mẫu với lời dặn dò ân cần, trời ơi, sướng không thể tả.

Thế là con mình được học trường điểm nhá, hơn hẳn Q8 nhá. Nhưng (bi giờ mới nhưng nè) không phải nói suông vậy đâu nhé, phải biết điều nhé. Hẳn nhiên là mình biết điều, ngày đầu bé đi học, mình khéo léo cho vào balô 2 bao thư bé xinh, ghi rõ tên 2 cô bảo mẫu. Rồi vào trường, nói thật nhỏ nhẹ, khéo léo (kẻo cô tự ái) rằng em gởi bồi dưỡng cho cô chăm cháu cực khổ (diễn đạt vẻ mặt y như đi xưng tội ở nhà thờ ý, cực kỳ hiền và đáng mến). Còn riêng cô hiệu trưởng đã có cô tư lo, tất nhiên chỗ bạn bè không có gì ngoài một bữa ăn và một giỏ trái cây. Dù sao thì thế cũng tốt lắm rồi.

Giờ thì nhí đã đi học được một tuần, tối nay nhà lại có cuộc họp, nội dung là: “nhí sẽ học lớp 1 ở đâu? Q5 hay Q8 dù rằng nhí mới 34 tháng tuổi”. Cuộc chạy đua còn dài hơn chạy đua vũ trang.

Bật mí: “tối qua tình cờ đưọc biết, muốn vào trường của nhí, người thường phải tốn 9 triệu đấy”- May thật!!! phù!! Thật may!!

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

ĐI HỌC HAY THẬT!

Vậy là lính nhập ngũ đã 1 tuần, theo đánh giá khách quan lẫn chủ quan của ông bà nội ngoại, cô dì chú bác và cả cô giáo thì : bé ngoan, biết nghe lời, không khóc nhè và ăn tốt.
Good! Một bảng đánh giá tình hình tuyệt vời cho những ngày đầu quân ngũ. Mà đã có khen, tất phải có thưởng. Tối qua đã thưởng cho lính nhóc một cây kem Wall tổ chảng. Vấn đề lại nảy sinh, kem thì to mà tay thì bé thế thì tiêu thụ thế nào cho nó thoải mái nhỉ! Nhà quản lý Mẹ tư duy mất 2 giây và giải pháp hoàn hảo ra đời: “ăn kem bằng chén”, cho cây kem vào chén, dằm ra và lính nhóc múc ăn. Giải pháp hoàn hảo, vấn đề còn lại là phần thực hành của lính nhóc. Sau một tuần tiếp thu kỷ luật quân đội, lính nhà ta đòi tự múc ăn. Hà hà, lại thêm một cuộc bức phá ngoạn mục. Không vấn đề, để coi lính nhóc mần ăn thế nào.
Đầu tiên cô nàng múc những miếng chocolate to, kèm kem cứng, cho vào miệng, nhai nhóp nhép (dĩ nhiên để múc thật gọn gàng là việc không tưởng, thế nên quần áo vương đầy kem – không sao, thử nghiệm mà, tốn tí Omo là ổn). Sau khi xơi hết phần kem cứng, phần kem tan chảy múc khó hơn, nên lính ta quăng cái muổng và bưng cả chén húp ngon lành y như đang ăn súp. Làm một hơi cả cây kem vô bụng trọn gói, tốn 5’15”. Kỹ lục tuyệt vời. Tiếc là quản lý mẹ quên ghi lại những khoảng khắc đáng nhớ ấy bằng hình ảnh, thôi thì ghi chép bằng tay đỡ vậy.

Kết luận: đi học hay thật!!!

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

CHỒNG, VỢ & THƠ!

Chồng:
Ngồi buồn nhớ vợ nhắn tin
Nhớ lời vợ nói như in trong đầu...
Vợ:
Rằng thương thì thật là thương
Nhưng lăng nhăng quá, vợ cho ra rìa
Chồng:
Nói chi mà nặng thế kia,
Chồng em chung thủy luôn dzìa với em,
Chỉ thương cho cái thân hèn,
Lang thang xứ khách chỉ thèm ... vợ thôi.
Hà hà!
(ngẫu hứng lý con cóc kia, được sáng tác bằng tin nhắn, trong lúc chồng đi công tác xa)

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

MƯA ĐỒNG!

Không hiểu sao tôi rất thích mưa. Dù đã trải qua 34 mùa mưa, tôi vẫn không chán. Mỗi một cơn mưa là một cảm xúc khác nhau. Nhìn chung là buồn nhưng thi vị. Như ngày hôm qua, lần đầu tiên tôi được ngắm mưa rơi trên cánh đồng lúa xanh ngát. Gió thổi ào ạt khiến những ngọn lúa lăn tăng gợn sóng. Tiếng mưa rầm rập trên mái tôn hòa với tiếng ếch nhái kêu tạo thành một hợp âm đặc biệt rất khó tả. Mưa ở nông thôn thật dai. Nhiều khi không lớn, cứ rỉ rả, tỉ tê nhưng tiếng trẻ con khóc nhè. Mưa nông thôn luôn kèm theo những hương vị thật lạ, mùi ngai ngái của đất, mùi nồng nồng của khói rơm quệnh vào không gian se lạnh. Tạo nên một khung cảnh gì đó rất u tịch, tinh khiết. Tôi đã ngồi hàng giờ như thế để ngắm cơn mưa, ngắm sắc mây hồng lên sau những dữ dội của đất trời. Rồi háo hức hòa vào dòng nước đỏ quạch phù sa để lưới những con cá đồng theo nước sông tràn lên ruộng. Lội bì bõm trong những con mương, mặc cho đất sình lấm lem cả mặt. Đây đó vang lên tiếng cười hỉ hả của cô bé hay cậu bé nào đó bắt được một con cá sặt to, thậm chí là khi bắt hụt, bọn nhỏ vẫn cười tươi. Cái lạ, cái hồn nhiên ấy, không dễ thấy giữa phố phường Sài Gòn đông đúc.
Sau cơn mưa, thật có lắm thứ để làm. Tôi được má chồng đãi món cá trắng mà cậu em chồng vừa lưới được - món ăn không hề có trong thực đơn của dân SG. Tôi hỏi má thật ra "cá trắng" là cá gì?! - má cũng không biết, má nói người ta gọi cá trắng, vì nó có màu trắng, nhỏ bằng ngón tay út và không bao giờ lớn hơn. Cách chế biến cũng không cầu kỳ, chỉ cần đem rửa với muối, nặn cái bụng bỏ ruột, cho vô rổ để ráo, ướp với tiêu hành tỏi, nước mắm thiệt ngon. Để một chút cho thấm, rồi bắt lên bếp, kho liu riu. Má dặn kỹ, tuyệt đối không dùng đũa xơi, vì sẽ làm nát con cá. Khi kho cá, chỉ cầm cái chảo xóc  xóc cho đều là được. Má dạy sao tôi cũng dạ, vì nào giờ có biết làm đâu, dạ xong để đó, đảm bảo lần sau dìa, má lại kho tiếp cho ăn thôi (he, he). Mà thiệt, món cá trắng kho tiêu, ngon không thể tả. Cái vị cay cay, bùi bùi, béo béo của cá tươi hòa vào nhau, chết thèm. Chưa kể cộng hưởng thêm cái lạnh se se, cái đói của việc lao động cật lực (là người ta lao động thôi, tôi chỉ ăn theo) làm bữa cơm đạm bạc ngon bất tận. Chỉ vậy thôi, mà tôi thấy hạnh phúc quá!!!
Hôm nay, SG lại mưa, cũng gầm gào như bao lần, mà sao tôi thấy nó nhạt nhẽo quá. Người ta cứ hối hả lao đi dưới cơn mưa như những con thoi trong cỗ máy, đều đặn và không chút suy tư. Bỗng dưng thèm cái không khí hăng hăng mùi rạ quá. Lại nghĩ về má, về món cá đồng đơn sơ mà ngọt ngào đó. Bỗng dưng thấy yêu ... chồng hơn, và có khi lại đang ganh tỵ. Cớ sao chồng có má tuyệt vời vậy!

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

GIỌT NẮNG PHÙ SA!!

Hai vợ chồng đều là dân ghiền ca cổ. Chồng dân LA chính hiệu (Long An í, không phải Los Angeles đâu nhá, bà con đừng lầm). Xem nhà đài tổ chức cái vụ thi Giọt Nắng Phù Sa, khoái chí tử. Cả hai luyện giọng để chờ năm sau có cơ hội đi thi cho sướng cái sự mê xang - xừ - líu.
Thế rồi... thất vọng tràn trề khi xem vòng chung kết. Nhất là phần trao giải. Bạn nghĩ sao khi một cuộc thi hoành tráng, phổ biến rộng rãi, thí sinh lọt vào vòng chung kết bỏ công việc tham gia, mà giải thưởng cho giải ba chỉ : 500.000đồng. Còn tệ hơn mấy ngày lương của tui nữa. Coi bực hông. Giống như nhà đài bố thí cho người ta đi thi vậy. Chồng bảo, em sao quan trọng cái vụ tiền thưởng, có giải là vui rồi. Đồng ý là có giải là thấy tự hào rồi, nhưng phải làm sao coi cho đưọc, thí sinh cũng phải bỏ công việc tham gia, mà nhà đài có vẻ coi thường quá. Riết rồi chán chán cái đài HTV luôn.
Tất nhiên, bỏ luôn ý định đi thi...

NGƯỜI XƯA!

12g30’ trưa – điện thoại văn phòng réo um.
Bực bội, người gì bất lịch sự, giờ người ta nghỉ trưa mà còn réo.
- Alô, đông phương quốc tế nghe.
- Vui lòng cho tôi gặp cô Rita.
- Rita đây, xin lỗi anh gọi từ đâu ạ?!
- Hì hì! Không nhận ra anh à!!!
Huỳnh … người yêu ngày xửa ngày xưa í mà. Tám năm rồi, bây giờ mới nghe lại. Bỗng dưng đông cứng cả người.
Tôi quen Huỳnh qua mạng, khi ấy tôi chia tay bạn trai đã 3 năm. Tôi hay lang thang trên net trong cô đơn và trống rỗng. Rồi tôi quen anh, chúng tôi trao đổi cùng nhau sở thích … tắm biển. Vì quê anh ở Nha Trang, nên anh yêu biển là chuyện đương nhiên. Còn tôi dù là dân Sài Gòn, ít khi đi biển vậy mà vẫn thích và yêu biển vô cùng. Đồng cảm, rồi thân thiện, rồi có cảm tình và rồi yêu nhau là lẽ thường. Không hiểu sao lúc đó, chúng tôi lại tin tưỏng nhau nhiều đến thế, dù rằng chúng tôi chưa hề biết mặt nhau, phải sau gần 2 năm email và chat chít, tôi mới gởi hình cho anh, khi đó chúng tôi mới chính thức biết mặt nhau. Có lẽ tình cảm chúng tôi sẽ vẫn như thế, nếu không có một ngày, tôi quyết định đi Nha Trang chơi cùng nhỏ bạn. Hai đứa mua vé tàu và hẹn anh ra ga đón. Thế nhưng phút 89’ con nhỏ bạn trời ơi lại không đi vì tào tháo rượt. Vé mua rồi, bỏ uổng, thế là làm gan, đi một mình. Dù gì cũng đã 25 tuổi rồi.
Ga Nha Trang 6h sáng thật ồn ào, náo nhiệt. Tôi thủng thỉnh chờ mọi người xuống hết rồi, mới xách valy đi. Mắt dáo dát tìm người đã hẹn, còn tim thì đập rầm rầm.
Em ơi, là em phải không?! Trố bốn con mắt nhìn gã trai đứng trước mặt, không tài nào tin nổi … gã đẹp trai hơn trong hình nhiều. Hì hì! Tự dưng thấy mất tự tin, tay chân lóng ngóng. Liu ríu gật đầu, rồi y như bị thôi miên, gã tỉnh queo nắm tay lôi đi.
Đưa va ly anh xách cho, để anh nắm tay luôn, kẻo lạc (làm như người ta còn nhỏ lắm í)!
Cái gã cao 1m75 đó dắt con nhí 1m57 đi về nhà lão, ở đó có một bà mẹ rất hiền và một cô em gái nhí nhảnh đang chờ. Lão long trọng tuyên bố dẫn bạn gái SG về ra mắt mà, nên cả nhà lão háo hức mong ngóng. Điều này thì lão không hề nói cho tôi biết, gọi là tặng em một bất ngờ.
Khách sạn của tôi nằm cách nhà lão không xa, nên tôi ở nhà lão nhiều hơn. Tôi thích cái sân nhỏ mát rượi với hàng trúc bé bé ngay cổng. Mỗi buổi chiều, gió biển thôỉ xào xạt trên những tán dừa thật êm đềm. Mẹ của lão là cô giáo, nên phong thái rất đĩnh đạt, nếu không muốn nói là hiền. Tôi có cảm tình với bác gái ngay lần gặp đầu tiên, để rồi hai bác cháu nhanh chóng thân thiện và hợp ý. Mẹ anh kể về ba anh, về người đàn ông đã bỏ ra đi khi hai anh em của anh còn rất bé, một mình mẹ anh phải gồng gánh nuôi con với đồng lương giáo viên chết đói. Mẹ anh kể, tôi là người con gái đầu tiên anh dẫn về, anh nói, khi anh đã chọn ai, nhất định phải nghiêm túc và phải được mẹ anh duyệt. Điều này tôi hoàn toàn bất ngờ, vì tôi chỉ đơn giản nghĩ, đây là một chuyến đi chơi, thăm bạn mà thôi. Tôi vẫn chưa nghĩ xa hơn về tình yêu và nhất là hôn nhân. Nên thật bối rối, trước những lời tâm sự của mẹ anh.
Ba ngày trôi qua nhanh chóng, tôi phải quay về với Sài Gòn. Đêm cuối cùng, tôi đã khóc thật nhiều trước lời cầu hôn của anh. Nhưng tôi vẫn chưa quyết định, tôi hẹn anh sẽ trả lời vào lần sau. Và đó cũng là lần cuối chúng tôi gặp nhau.
Khoảng cách về địa lý và địa vị XH đã không cho chúng tôi cơ hội bên nhau.
Hai năm sau, vào một đêm rất tĩnh mịt, anh gọi cho tôi, thầm thì rất nhẹ "ngày mai anh kết hôn, anh đã không thể vượt qua tất cả để đến với em, hãy tha thứ cho anh. Đêm nay anh không ngủ được, không phải vì mong chờ ngày mai mà vì anh đang nhớ em, nhớ rất nhiều." Tôi đã cười rất tươi, tỏ vẻ ngạc nhiên "oh, vậy sao không báo trước, em gởi quà mừng. Chúng ta không là người yêu, thì vẫn là bạn, em chúc anh hạnh phúc nhe. Đừng băn khoăn, vì em có người yêu rồi. Không giận anh đâu!!!" - thế sao nước mắt cứ rơi.
- Lâu quá, không gặp em. Chồng con sao rồi. Hôm kia, vô tình gặp bạn em ngoài này. Nó cho anh số điện thoại nè. Suy nghĩ hoài, hôm nay mới dám gọi cho em. Tuần sau, anh vô SG công tác, rảnh dẫn anh đi uống cafe cho biết cafe SG he. Thôi, trưa trồi. Cúp máy cho em nghỉ, rảnh anh sẽ gọi cho em. Thương nhiều!
Không kịp trả lời câu nào, lại bối rối!!! Ôi, người xưa!
 

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

NGHE MỘT BÀI CHÚ KINH DALANI

Một ngày bình yên ,bạn gởi cho mình một bản nhạc kinh. Cười khảy bảo bạn thật điên, nhưng cũng nể nang, nghe coi sao.
Ngạc nhiên lắm, hay! một lần, hai lần và đã nghe đến lần thứ ba vẫn muốn nghe tiếp. Thế này thì đi tu tuyệt vời quá.
Thử xem nào, bạn sẽ thích ngay:
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=EyAyQxOZqG
Chúc bạn tâm hồn bình yên!!!

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

NHẬP NGŨ!!!


6g30 sáng!
Mẹ bật ngồi dậy như cái lò xo, chết hôm nay nhóc nhí nhập ngũ (đi nhà trẻ í mà).
7g mới vào tập trung, thôi cho ngủ thêm tí nữa, tội nghiệp!!
Mẹ làm việc thường ngày, dọn dẹp mùng mền, súc bình sữa, chuẩn bị linh tinh cho lính nhí.
6g45!
-        Dậy thôi con, đến giờ đi học cô giáo rồi.
(rên hư hư như một con mèo) – chút nữa đi mẹ.
-        Trễ rồi, dậy mau con.
-        Mẹ ẵm con dậy đi (nhóc nhí 20kg).
Ráng hết ga vậy.
Xong phần vệ sinh cá nhân, giờ đến phục trang.
-        Con bận màu đỏ
-        Ok
-        Con kẹp màu đỏ
-        Ok
-        Con mang giày xanh
-        Cái này thì không?! – không hợp, màu hồng đi con.
-        Con thích màu xanh (nũng nịu và hun mẹ một cái rõ to – thế này thì không ok không được)
-        Ok luôn.
7g05’
Mẹ con chỉnh tề, lên đường thôi.
……
8g30’
Có mặt tại … tư gia.
Mẹ coi lộn ngày, mai mới đi học, hôm nay chỉ làm quen lớp thôi.
Cả nhà đưọc một phen chết cười.!!!
Mẹ hậu đậu quá đi.

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

CÔ ĐƠN NHƯ LÀ MỘT ĐỊNH MỆNH!!

Tôi đã nằm 5 ngày 4 đêm tại giường bệnh số 21, ngay bên cạnh giường số 22 cụ ông Jonh Chater sinh năm 1913 tại phía nam Lodon. Cụ hay rên rỉ cốt để mọi người nghe thấy, cứ mỗi lần như thế, tôi biết cụ sắp gọi y tá.
Đúng thế thật, vài phút sau y tá bước vào phòng:
- Có chuyện gì vậy Jonh?
- Mấy giờ rồi? cả ngày hôm nay không có ai vào thăm tôi, sao vậy?
Giọng ông nghiêm trọng lắm, gần như là quát lên vậy. Rồi ông đăm đăm nhìn qua khung cửa sổ chói lòa ánh sáng, phía dưới là bãi để xe rộng, xa xa những chiếc xe bus kềnh càng chạy lên chạy xuống đưòng Westgate, ông lắc đầu hát khe khẽ “ what do you want if you don’t want money?” trời, giá như không muốn tiền nữa, tôi ước được làm thái tử Charles một ngày xem thế nào?!!.
- Mấy giờ rồi?
Ông lại quay hỏi tôi, ông hỏi tôi không biết bao nhiêu lần câu hỏi ấy, tôi thực không biết trả lời sao với John. Đêm bệnh viện dài lê thê, tôi nghe rõ tiếng thở khò khè nặng nề của ông.
 John, ông ổn chứ?
Tôi hỏi với sang ông, nhưng ông không trả lời.
- Hôm nay là thứ mấy? ngày mai là thứ mấy, không biết có ai vào thăm ta không nhỉ?
Tôi sợ cái cảm giác ấy!
Khi nghe rõ cả bằng tai và cảm nhận được nỗi thất vọng, xót xa của ông. Tôi mới ngoài ba mươi tuổi, chỉ ít lâu nữa, tôi lại có thể chạy thật nhanh để hòa vào dòng người hối hả ngoài kia. Tôi muốn được khỏe lại và xuất viện ngay lúc này. Để hôm sau, tôi lại vào viện thăm John, cứ như một người quen cũ (tôi tự hào và hãnh diện là người quen của cụ). Tôi muốn để ông biết rằng sẽ còn có nhiều người nhớ đến và muốn thăm John.
Cụ John kính mến của tôi gần 100 tuổi rồi.

Cô đơn, cô đơn !!!
Đứng trên cửa sổ này, tôi nhìn thấy một cô gái, bằng tuổi em gái tôi, ngơ ngác tìm bến xe bus để kịp giờ đi làm part-time. Trời tối, lạnh và mưa. New Castle ác liệt thật, lạnh mà còn mưa nữa. Tôi quan sát cô gái từ xa, gương mặt ướt đẫm nước mưa, người cô ấy run rẩy vì lạnh.
Tất nhiên, tôi không biết lúc ấy cô nghĩ gì và nhớ đến ai. Nhưng dễ dàng hình dung được nếu như ở Hà Nội, cô ấy sẽ chạy xe thật nhanh về nhà dưới cơn mưa lạnh. Hà Nội giờ này cũng lạnh, chỉ qua vài đoạn đường là đến nhà, bố hoặc mẹ cô ấy sẽ mở cửa đón con gái mình và nói: “ thay đồ lẹ ra ăn cơm luôn con”.
Cái lạnh và cơn mưa bỏ lại đằng sau cánh cửa.

Cô đơn.

Ngay cả ở nơi làm việc của mình.

Thế nào là nơi làm việc?! Là nơi: có rất nhiều phòng ban lăng nhăng (vì ở Việt Nam là thế). Riêng cái phòng bằng cái mắt muỗi ở cơ quan tôi mà có hơn một tá người, sợ sếp lắm. Người ta “dạy” tôi: “sau này mày có vợ, cũng sợ sếp thôi” – thật không??? Có câu cơ quan thì cồng kềnh mà làm ăn chẳng ra sao cả. Tôi không theo được họ. Chẳng biết phải làm gì? Lạc lõng như thằng trên rừng xuống. Tôi liền viết đơn là muốn đi học tiếp để tăng cường cái gì .. gì .. đó (thật ra tôi cũng chẳng biết đi học tiếp để tăng cường cái gì). Ông sếp già của tôi (tuy vậy vẫn trẻ hơn John 40 tuổi) sau hai ngày thuyết phục tôi ở lại, đành phải ký vào cái đơn tạm nghỉ công tác của tôi. Vừa ký vừa đay nghiến “các cô các cậu trẻ bây giờ, giỏi ghê, muốn nghỉ là nghỉ, đâu như cánh chúng tôi ngày xưa".
Sau quyết định “bồng bột” của mình, tôi thành thằng thất nghiệp. Và thế là sang UK thôi.

Nhưng cũng lạ, ngay cả khi ở trong chính căn nhà của mình ở quê hương, ngay cả khi hàng ngày hàng giờ ở ngay sát bên là người mình thương yêu nhất, cứ tự tin rằng ta hiểu rõ người mình yêu nhưng đôi khi lại thấy những nỗi sợ hãi mơ hồ . . . là ta chẳng hiểu lắm về anh ấy (cô ấy) và anh ấy (cô ấy)cũng không thể chia sẻ cùng ta. Anh ấy một ngày nào đó sẽ … phản bội ta chăng??? Người ta bảo là đồng sàn dị mộng, là tôi nghe nói thế, chẳng biết có đúng không?!
Và thế là đôi khi người ta cũng thấy mình thật cô đơn và lạc lõng. Tình cảm dành cho nhau vẫn thật nhiều . . nhưng sao vẫn thấy … đôi khi có … một mình. Thế thì cái cảm giác ở nơi viễn xứ như thế này còn mênh mông biết bao nhiêu.

Đây là cảm giác về cái sự Cô Đơn của những người còn trẻ? Còn bao nhiêu là dự định.. Thế còn cái cảm giác về sự Cô Đơn của những người không còn trẻ nữa???

Tôi đã nhìn thấy hàng trăm người tị nạn ở UK sống chui lủi và cô đơn như những con chuột.

Lạy chúa, hình như ai cũng cô đơn cả.

Tôi đi đâu cũng gặp những cuộc đời như thế

John Chatter, SVVN du học, dân tỵ nạn, dân Anh “xin” … và cả cái thằng tôi nữa.

Nhưng chính cái cảm giác cô đơn hay là sự cô đơn thực sự sẽ giúp con người sống tốt hơn, con người hơn và vì thế càng yêu thương nhau hơn.

Thật thế !!!

Hình như tôi cũng bị “cô đơn” rồi hay sao ấy, cả tháng nay không đêm nào ngủ được. Bực cả mình. Có ai rỗi thì ghé chơi.

Tôi ở 236D Westgate Road. Nhà dễ tìm lắm.

Chuông hỏng!

Nhưng cứ gọi thật to, là tôi chạy xuống mở cửa . .
New Castle – UK 25/01/2004

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

KHI VỢ VẮNG NHÀ

Em đi công tác bốn ngày,
Anh khổ như thánh bị sai xuống trần,
Thằng nhóc đang chơi ngoài sân,
Bỗng trợt cái ịch, ôm chân khóc ròng
Anh mới dỗ nó nín xong,
Lại thêm con bé đòi bồng khổ chưa,
Đã vậy trời còn đổ mưa,
Vừa chạy đóng cửa mà vừa ẵm con,
Rồi thì … nước nhiễu lon ton
Lau xong nhà cũng sắp mòn gối anh.
Chợt nhớ đến khoảng cơm canh,
Thiệt tình chỉ muốn biến thành ông điên.
Trời ơi, chảo trứng đang chiên,
Mới quên một chút tự nhiên khét hà!
Chắc là tại cái … bếp ga,
Bởi nồi canh cũng chẳng ra món gì,
Nghĩ mà bực bội quá đi,
Thôi mua mấy ổ bánh mì về xơi,
Ăn rồi chưa kịp nghỉ ngơi,
Thằng lớn đã réo “ba ơi, bé tè”
Anh vội bước ra sau hè,
Nhưng quần đã hết, áo …e không còn,
Ngó xuống ôi cái thau tròn,
Đồ dơ chất đống núi non thế này
Có giặt cũng mất cả ngày,
Thế là khỏi tắm cho hai nhóc tì,
Anh “tậu” năm bảy gói mì,
Đề phòng lúc đói và đi giặt đồ,
Tìm chả thấy bịch ô-mô
Nghe con gái khóc chạy vô bàng hoàng
Xà bông đầy miệng cô nàng
Vì thằng anh rải hàng hàng khắp nơi.
Điện thoại lại reo vang trời,
Ông bạn cũ bảo ghé chơi nửa ngày,
Anh nghe mà tối mặt mày,
Vắng vợ khổ quá, có ai hiểu dùm./.
Nguyễn Huỳnh Anh Thơ

GIAO MÙA

Sài Gòn lại vào mùa mưa, vậy là đã nhiều mùa mưa rồi tôi và anh không gặp nhau hay đúng hơn là không còn yêu nhau nữa. Tôi vẫn thế, cô đơn thật nhiều trên mỗi bước đường về, còn anh thì sao?!. Cũng không biết nữa, có lẽ anh hạnh phúc hơn tôi vì anh vốn được sinh ra trong một ngôi sao tốt mà. Ngoài kia trời lại mưa, không lớn nhưng dai dẳng và day dức như nỗi nhớ trong tôi vậy, không dưng tôi nhớ anh thật nhiều, bao nỗi nhớ mà bấy lâu nay tôi dồn nén như có dịp trỗi dậy, bùng lên trong tôi mạnh mẽ đến ngạt thở. Tôi nhớ anh, nhớ đến ánh mắt lần đầu tiên nhìn tôi say đắm và nhớ cả khoảng khắc tình cờ anh quen tôi . . .

Ngày ấy tôi vẫn còn vô tư và tinh quái lắm, tôi luôn cười cợt đám đám bạn si tình của mình mỗi khi bọn nó đau khổ vì thất tình, với tôi phương châm sống tốt nhất là: “không nên yêu ai cả, vì yêu chỉ làm cho ta thêm bối rối và phức tạp”, với tôi yêu là một thứ gì đó không cần thiết dù có khi trống vắng đến nao lòng. Và có lẽ vì sự “ương ngạnh” đó mà thần tình yêu đã trừng phạt tôi bằng một mũi tên tình ái bi thương và dang dở. Có lẽ chính thần đã xui anh đến với tôi trong một đêm mưa tầm tã, một ngày ảm đạm nhất trong năm, một sự tình cờ mà ngay bản thân tôi cũng không thể ngờ được. Ký ức của tôi còn ghi rất rõ khoảng không vô hình ấy, xe tôi không mở đèn và anh chỉ tình cờ nhắc nhở tôi – một việc làm bình thường như bao người vẫn làm, để rồi tôi đáp lại anh bằng một nụ cười thân thiện đủ làm anh “choáng” và đủ mạnh để kéo anh theo về nhà dù đã 10g tối. Chỉ thế thôi, một cuộc gặp gỡ thật bình thường nhưng đã bắt đầu một chuyện tình đẹp kéo dài đến ba năm. Ba năm – nói như người ta vẫn thường nói – không quá ngắn cũng không quá dài cho một cuộc tình, thế nên khi nó đi vào hồi kết thì chia tay là một điều hiển nhiên. Không có lý do chính đáng, chỉ là một câu thông dụng “không hợp nhau”. Tôi không trách anh cũng không trách mình, vì suy cho cùng giữa tôi và anh chưa bao giờ thật sự là của nhau. Anh thấy thích tôi vì lối cư xử nhẹ nhàng, có giáo dục của một gia đình truyền thống. Tôi chọn anh vì anh tự lập và mạnh mẽ. Hoàn toàn lý trí, tình yêu của tôi chỉ có thể xem là một sự lựa chọn giữa hai cá thể mà mỗi bên đều cần hoàn thiện lẫn nhau. Thế nhưng dù đã nhận định như vậy, tôi vẫn không sao hiểu được trái tim mình. Tôi vẫn nhớ anh, vẫn day dứt khi nghĩ về anh, vẫn ghen tuông khi thấy anh sánh vai cùng cô gái khác. . .

Đêm nay trời lại mưa, cơn mưa bong bóng như ngày xưa, tôi lại đi trên con đường có hoa dầu của ngày xưa, tất cả đều nguyên vẹn, tinh khiết, tất cả đều êm đềm và sẽ trọn vẹn hơn nếu có anh. Tôi chưa bao giờ cho phép mình tiếc nuối, cũng như chưa bao giờ tôi hối hận về những đều mình đã làm, thế mà đối với anh, tôi lại có thể tự cho mình cái quyền “giá như”, có phải tôi đang hối tiếc không?! Chính tôi cũng không thể nào hiểu được, thôi thì hãy để nó trôi qua, rồi một ngày nào đó có thể tôi sẽ thầm cảm ơn quyết định ngày hôm nay. Ừ, có thể lắm, biết đâu!!!

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Mẹ và con

Sáng, tấp xe vào quán hủ tíu quen thuộc ven đường. Hết chỗ. Mắt chợt sáng lên khi thấy có 1 cậu nhóc ngồi 1 mình.
- Em cho chị ngồi chung với nhe, hết bàn rồi.
- Chị cứ ngồi, rộng mà.
Cu cậu chừng 12 tuổi, nhìn có vẻ chững chạc, thông minh.
5 phút sau, một người phụ nữ trẻ bước đến, tự nhiên kéo ghế ngồi.
- Đi ăn mà không kêu nhe, xấu!
- Thì con xong việc rồi, đói quá ăn thôi.
- Nhưng con không chờ mẹ gì hết.
À thì ra là mẹ con, bà mẹ quá trẻ so với tuổi.
- Cay quá mẹ, con kêu nước nhe?
- ừa, kêu đi.
- Cô ơi cho con ly trà đá…
(uống một hơi)
- Chết, quên mời mẹ (cậu ta lẩm bẩm)
- Mẹ, con quên kêu cho mẹ rồi, xin lỗi mẹ, con kêu ly nữa he?!
- Tui giận rồi, làm gì cũng quên tui.
- Thôi mà, xin lỗi mà. Giận làm hết đẹp bây giờ. Mẹ hết đẹp, ba la con chết
….
- Hủ tiếu nhiều quá, chắc mẹ ăn không hết.
- Mẹ sang qua đây, con ăn dùm cho, bỏ tội lắm. Mà mẹ ăn ít quá, ốm nhom cũng không đẹp đâu. Mẹ người ta ai cũng đẹp, mẹ cũng phải đẹp à. Lần sau ăn không nổi nhớ kêu ít lại he, lỡ không có con ai ăn phụ mẹ.
- Cái thằng này, ăn dùm có chút mà lải nhải rồi…

… con mình bao giờ lớn thế nhỉ?

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

THẦN TƯỢNG VÀ SỰ THẤT VỌNG (tt)

Sự thất vọng:
Sự thất vọng của tôi cùng tồn tại trong một con người mà tôi thần tượng, đó là “ba tôi”. Tôi còn nhớ rất rõ ngày ông nội mất, ba tôi không hề khóc, ba lo cho nội rất chu đáo. Để rồi sau khi đưa nội ra nghĩa trang, ba tôi đã âm thầm đứng khóc một mình bên bàn thờ của nội, sức chịu đựng dường như quá lớn, đã vỡ òa trong lòng ba tôi sau nghĩa cử cuối cùng dành cho nội. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy những giọt nước mắt quý giá của đàn ông (trong đời tôi, chỉ thấy được 3 lần đàn ông khóc, người thứ nhất là ba tôi, người thứ hai là người yêu tôi và người thứ 3 là chồng tôi). Kể từ đó, ba là thần tượng mới trong lòng tôi, tôi học hành, làm gì cũng nghĩ về ba trước tiên, ba tôi rất giỏi, ba cũng làm chức vụ rất lớn như ông nội. Nhưng (sự đời bao giờ cũng có chữ nhưng làm thay đổi bao điều đẹp đẽ và cả xấu xí) sau khi tôi tốt nghiệp đại học được 3 năm, ba tôi bị vướng vào một vụ án thương mại, nói đúng hơn là liên đới chịu trách nhiệm vì một nhân viên kế toán đã biển thủ tiền thuế mà ba tôi chủ quan không hay biết. Vụ án đó làm mất uy tín cũng như làm cho ba tôi suy sụp tinh thần trong một thời gian dài (tất nhiên là ba tôi không bị tù vì chỉ bị liên đới chịu trách nhiệm). Ba bị đình chỉ công tác, phát sinh chứng trầm cảm cùng nhiều chứng bệnh khác của người có tuổi. Năm ba 54 tuổi, ba xin nghỉ hưu sớm, cũng kể từ đó, ba hoàn toàn thay đổi tính tình. Tôi hiểu rằng cú shock đó quá lớn đối với ba, vì thế mà mẹ và chị em tôi luôn cố gắng làm cho ba vui, chiều ba hết mực. Thời gian đầu khi ba ở nhà, ba như một ông hoàng, chẳng làm gì cả, chỉ tập thể thao, xem tivi, thỉnh thoảng café, uống rượu cùng mấy ông bạn đồng liêu. Cứ như vậy gần một năm, chị em tôi thấy như vậy ba tù túng quá, nên bàn với mẹ làm gì đó cho ba tham gia, vậy là ba tôi mở trang trại. Song với quan điểm của một cán bộ bàn giấy, ba đem áp vào việc quản lý trang trại hoàn toàn lao động tay chân thì bạn biết kết quả thế nào rồi. Lại thất bại, gần cả 100 triệu đội nón ra đi mà trang trại chẳng ra gì. Rồi thì ba tôi bắt đầu trái tính, ba không thích ai cãi lời, dù trước kia những lời góp ý của bọn tôi luôn được ba lắng nghe rất nghiêm túc. Ba cho rằng vì ba không còn làm ra tiền nên mẹ xem thường ba, mà sự thật là mẹ chưa bao giờ có thái độ gì quá đáng với ba, ngoại trừ việc mẹ thấy ba ở không nên đề nghị ba tưới cây, quét sân dùm những khi mẹ quá bận. Chỉ là những việc rất nhỏ nhặt, nhưng ba tôi luôn xem đó là chuyện rất quan trọng, thái độ của ba làm không khí trong gia đình luôn căng như dây đàn. Bọn tôi cũng bắt đầu ít nói chuyện với ba hơn, vì thể nào cũng sẽ có tranh cãi. Mỗi ngày trôi qua, ba tôi như càng đắm chìm trong ký ức huy hoàng của mình mà quên đi thực tại. Ba vẫn sống như ông hoàng, muốn gì được nấy, ba không hề giúp mẹ tí việc nhà nào, kể cả là giăng dùm mẹ cái mùng khi mẹ mệt. Bọn tôi rất muốn ba thoải mái, muốn ba vứt bỏ cái vầng hào quang của quá khứ để là một ông bố vui vẻ, hoà nhập với mọi người, nhưng sao khó quá. Kế nhà tôi có ông giáo về hưu, ông ấy sáng sáng cùng vợ đi tập thể dục, ăn sáng. Trưa về nhà ông đi chợ, bà vợ nấu cơm. Tối rảnh hai ông bà chở nhau đi uống café, đi nghe nhạc, đi coi cải lương. Rồi khi hè về, cả nhà họ đi du lịch cùng con cháu. Dẫu biết rằng mỗi nhà mỗi cảnh nhưng sao tôi vẫn ao ước. Phải chăng nỗi thất vọng là đây?! Người ta phải làm gì khi nỗi thất vọng quá lớn… ???

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

THẦN TƯỢNG VÀ SỰ THẤT VỌNG

Thần tượng:
Nói về thần tượng, hẳn ai trong đời cũng một lần có thần tượng, không ít thì nhiều đều có một hình mẫu nào đó để mơ ước, khát khao. Tôi cũng không ngoại lệ, thần tượng của tôi không ai xa lạ chính là “ông nội”. Tôi còn nhớ rất rõ ngày tôi còn bé, ông nội đã làm một quan chức gì đó lớn lắm, lớn hơn sức tưởng tượng của tôi, vì cái thời đói kém mà bà con toàn ăn cơm độn khoai độn sắn hay bo bo thay cơm, thì tôi toàn ăn cơm trắng với thịt cá ê hề. Thậm chí năm tôi học lớp 6 tôi còn được đi học bằng xe hơi và thỉnh thoảng có thêm 2 cái bánh bao nhân thịt to tổ chảng trong cặp (tôi 1 cái và cô giáo 1 cái), khỏi phải nói tôi được cưng như thế nào. Nhưng không vì thế mà tôi được phép tự cao và làm tàng nhe. Mang tiếng là đi học bằng xe hơi nhưng xe đậu cách cổng gần 10m và tôi tự đi bộ vào. Học hành mà hạng khá là bị đòn, không có chuyện la cà ngoài đường nhé, học xong là về nhà, trễ 5’ cũng bị quýnh như chơi. Kỷ luật quân đội như thế, nhưng bọn tôi vẫn thấy vui vẻ và rất thần tượng ông nội. Bởi ông nội làm quan to mà rất bình dị, ông luôn bận quần tây đen, áo sơmi trắng có mặc thêm áo thun ba lỗ bên trong. Tóc ông luôn được hớt cao, gọn gàng. Ông đi làm bằng chiếc mô-bi-lết màu xanh, máy chạy y như máy cày, cứ bành bạch, bành bạch. Từ nhà đến cơ quan cũng không xa nên ông toàn tự đi mặc dù ông được cấp cả 1 cái xe huê kỳ to đùng có máy lạnh đàng hoàng. Ông nội được cấp 1 căn biệt thự cũ kỹ ở quận 8, xa trường học của bọn tôi, nên bọn tôi được cho qua nhà cô ở quận 5 để tiện việc học tập. Thế là năm tôi vào lớp một, tôi khăn gói ra riêng y như vào trại lính. Cô ruột của tôi cũng thương tôi lắm và kỷ luật thì không thua gì ông nội, có lẽ vì vậy mà suốt 12 năm học tôi luôn đứng thứ hạng cao trong lớp.
Ở với cô tất nhiên là không gần ba mẹ rồi, vì ba mẹ tôi ở cùng ông bà nội bên quận 8, chỉ có bọn tôi ở với cô bên Q5, nên mỗi cuối tuần là ngày bọn tôi ao ước nhất. Thứ 7, ông nội sẽ ghé qua nhà cô và chở bọn tôi về quận 8 chơi. Xe ông gắn thêm cái baga nhỏ đẳng trước để chở cho đủ 3 đứa cháu (một ngồi trước và hai ngồi sau). Ông nội khá mập, và hay uống rượu nên ông có cái bụng bia to tròn, bọn tôi ngồi sau không bao giờ ôm hết cái bụng của ông thế nên áo ông bị đứt nút thường xuyên. Nhưng nội tôi không phiền mà còn rất vui, tuy bận rộn nhưng nội luôn có thời gian chơi với bọn tôi. ở với nội, tôi học được nhiều cái hay như biết đan nong tre nè, thắt con cào cào và nhiều trò vui khác nữa. Tôi nhớ rất rõ, năm tôi được tuyển thẳng vào lớp 6 trường chuyên, nội thưởng cho tôi nguyên 1 chiếc xe đạp thiệt đẹp (thời đó, có xe đạp là niềm ao ước của nhiều người, học sinh như tôi đừng hòng mà có). Rồi dành mỗi chủ nhật dạy tôi chạy xe, có khi nội kêu chú sáu tài xế chở tôi cùng cái xe lên tận thủ đức để tập chạy (sang nghê). Niềm vui nào rồi cũng có lúc kết thúc, với tôi đó là một kết thúc buồn và không mong đợi. Năm tôi học lớp 7, nội tôi phát hiện bị ung thư thanh quản, phải làm phẫu thuật. Một ngày trước ca phẫu thuật, nội đã ghi âm lại giọng nói của mình như một lời trăn trối, nội sợ cuộc phẫu thuật sẽ không thành công và nội sẽ không còn cơ hội để nói với con cháu lời sau cùng. Tính nội vẫn thế, rất cẩn thận trong từng công việc. Thật may là nội tôi qua được cơn nguy kịch, nhưng giọng nói thì không còn. Không sao, miễn nội tiếp tục sống là vui rồi. Nhưng niềm vui không dài, nội bị di căn ung thư và không thể qua khỏi một năm sau đó. Ngày nội ra đi là một ngày mưa tầm tã, là ngày mà tôi thấy ông trời thật bất công. Song với cái tuổi còn quá trẻ con ấy, tôi không cảm nhận hết được nỗi mất mát đó. Cho đến năm tôi 17 tuổi, trong một lần tình cờ dọn dẹp tủ đồ của mẹ, tôi phát hiện ra cuộn băng ngày xưa và nước mắt tôi rơi theo từng lời ông nói: “bà và các con của tui, tui ghi âm lại những lời này vì tui sợ tui sẽ không qua khỏi ngày mai, dù có chuyện gì thì bà và các con cũng đừng buồn. Tui còn nợ bà và các con nhiều lắm, hãy tha thứ cho tui nếu tôi đã làm gì để bà buồn. Tui có chết rồi, bà sống vợ chồng thằng Hùng nhe, mà thôi bà qua quận 5 ở đi, chớ nếu bà ở đây, đi ra đi vô sẽ nhớ tui, rồi bà khóc mang bệnh thì tội các con lắm. Tui nói ít bà nghe hiểu phải không?!..” ông còn nó với bà nhiều lắm, nhưng đoạn tôi khóc nhiều nhất là : “các cháu của ông, ông không còn thời gian chơi với các cháu nữa, đừng giận ông nhe. Các cháu là niềm tự hào của ông, Tâm nè, con là chị lớn phải làm gương cho mấy em nhe, có thiệt thòi chút nhưng làm lớn phải vậy, con lùn đen và út khánh, ráng mau lớn, đi làm nuôi bà thay ông he. Ông trông cậy vào các cháu hết, đừng phụ lòng ông. Ông nói bây giờ chắc các con không hiểu hết đâu, ráng ghi nhớ, sau này lớn lên làm ngươì tốt, nhớ lời ông nhe.” ... Giờ thì tôi đủ lớn để hiểu lời ông, nhưng ông thì không còn để mà dạy tôi làm người nữa rồi.(còn tiếp)

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

LƯỢM LẶT

HÌNH NHƯ

Người ta thường hay nói hình như,
Bởi chỉ nắm trong tay những điều chưa chắc chắn,
Nhưng đôi khi biết nó là chắc chắn,
Họ vẫn cứ hoài thích nói “hình như”

Và hình như em bất lực trước ngôn từ,
Nên không thể nói với anh những điều sâu kín nhất,
Nhưng lẽ nào trên đời lại có hình như “sự thật”
Để không bao giờ chắc chắn được thứ tha.

Người ta vẫn thường nói “hình như là”
Để tự an ủi hay làm yên lòng người đối diện,
Anh và em, ai là thuyền, ai là biển?
Hay suốt đời vẫn chỉ biết “hình như”,

Người ta vẫn cứ thích lẫn lộn giữa thực và hư
Bởi sự thật phũ phàng hơn ta nghĩ,
Nên cứ để bản năng và lý trí
Đi chung đường không biết sẽ về đâu.

Người ta cứ nghĩ rằng khi yêu nhau,
Sẽ thôi không còn “hình như” nữa,
Rằng thế giới này chỉ còn hai đứa,
Rồi ngang nhiên chắc chắn đủ điều

Bởi chữ “yêu” luôn gắn với chữ “liều”
Nên “hình như” mới trở thành “chắc chắn”
Chuyện chúng mình nên nói hay im lặng
Để không nhầm “chắc chắn” với “hình như”

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

BỖNG DƯNG LI DỊ

Tíc tíc . . cái điện thoại cứ nhấp nháy báo hiệu có tin nhắn, bận rộn nãy giờ chưa rảnh đọc. Để coi nào : “mày ơi, chồng tao đòi li dị, ổng có người mới rồi, tao buồn quá!” – shock thiệt àh. Con nhỏ bạn có 2 con, mới hôm kia gặp nó, còn tíu tíc rủ đi mua quà kỷ niệm ngày cưới vậy mà giờ “li dị”. Quái. Gọi cho nó cái.
- Hey, chuyện gì vậy mậy, giỡn chơi àh, tao không quởn đâu nhá.
- Đâu rảnh giỡn vậy, tối qua ổng dìa, quăng cho tao cái đơn, đòi li dị (khóc nức nở), tao hỏi lý do, ổng nói gọn lỏn, anh yêu người khác rồi, giờ anh cần tự do. Vậy thôi.
Phải mất gần 5’ nó mới bình tĩnh nói tiếp: “ổng sẽ trợ cấp nuôi con đầy đủ, sẽ dọn ra riêng với cô kia”… Nó còn nói nhiều, nhưng sao tôi không nghe được gì cả, nỗi buồn của nó lan sang tôi rồi.
Sao người ta có thể nói li dị nhẹ nhàng quá vậy?! Bất chợt, nghĩ về mình, ox giờ đang đi công tác ở tận Quy Nhơn, có bao giờ …. Nếu một ngày nào đó, mình cũng như cô bạn, mình sẽ thế nào?! Nhớ ox quá. Gọi kiểm tra cái nào.
- Alô, em hả, anh đang dìa Nha Trang, em ăn mực 1 nắng hông?! Khi nào về anh mua cho he. Ở nhà ngoan đi, anh về có thưởng he. À, mà em bảo mấy em gái Nha Trang xinh lắm, anh chả tìm ra cô nào hết. Cho thông tin trật lất. Trong đó có hẹn bồ nhí đi chơi chưa, mai anh dìa là hết tự do nhe, tranh thủ đi cưng. He he. Anh đang lái xe, tí về đến hotel, anh gọi cho em nhe. Hun con 1 cái dùm anh luôn.
Chưa kịp mè nheo gì hết, lão làm cho 1 thôi, 1 hồi … tự dưng quên mất cái vụ kiểm tra kia. Thôi thì phước ai người đó hưởng, lo lắng chi chuyện chưa đến.

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

VĂN HOÁ VIỆT

- Hi you, đang làm gì đó
- Nghe nhạc. nghe hông cho nghe thử, nhạc ấn độ vui lắm
- ừ hử, có belly dance hông?
- Sao lại hông? Rất đẹp, bà con ở SG khoái món này, cũng đang tính đi học cho vui hè.
- Xì, có gì lạ, nhảy cà tưng chán bỏ xừ.
- Ông này nói nghe hay, ông múa bụng được như họ hông mà chê?
- VN toàn văn hóa nô lệ, thấy cái gì lạ lạ du nhập là thành phong trào. Rõ chán.
- Nè nè, ông ăn nói cho đàng hoàng nhe, ông cũng là dân VN mà mạt sát vậy hả? tui có nói cái gì là phong trào chưa, chỉ là vui vui thôi. Mà mỗi dân tộc phát triển đều học tập văn hóa nước khác rồi phát triển, chả thằng nào tự đi lên mình ên mà không copy của thằng khác cái gì. . .
Sáng sớm đã có cuộc tranh luận như vậy đấy, nổi nóng. Bà con dạy chí phải, đừng bao giờ nói về tiền lương, chính trị và tôn giáo trong một cuộc tranh luận, vì như vậy dễ mất bạn.
- Uống nước xong, 8 với bà tiếp nà. Tui thí dụ cho bà coi. Tỷ như nguyên dàn nhạc cụ của mình, có thằng nào do mình sáng tạo ra hông, toàn học của tàu từ đờn tranh, đờn bầu, đờn cò. Đờn tranh biến tấu từ đờn sắt 9 dây của trung quốc, đờn bầu xuất phát từ đời Đường với tên gọi độc huyền bảo cầm, đờn cò còn gọi là đờn nhị cũng hông phải từ VN, đờn kìm tức nguyệt cầm xuất hiện ở VN từ thế kỷ 18, cũng không phải của dân ta tạo ra, chưa kể trong dàn đờn cổ còn có lai thêm gita thùng, bà coi có cái gì của mình không?!
- Ông nói vậy không được, không phải của mình, nhưng theo thời gian đã được cải tiến rồi, tức là tiếp thu có sáng tạo, chớ đâu có bê nguyên xi.
- Chưa hết, rồi còn hát bội, cũng từ hát kinh kịch mà ra, còn hát chèo, được cho là đặt trưng của sân khấu ta thì cũng xuất phát từ một anh lính mông cổ, anh ta bị bắt và vốn là một diễn viên nên đã phát tích ra món chèo, rồi được thêm thắt vô cho nó thuần tuý VN. Suy cho cùng cũng là “lang sa du nhập”, tui nói phải hông?!
Chết tiệc, thằng ôn này nói đúng quá, cãi nó sao giờ trời. Tự ái dân tộc quá, phải làm cho ra lẽ chớ.
- Đồng ý là ông nói không sai, nhưng không có nghĩa là nô lệ VN, bản thân mình cũng phát triển nó lên hay hơn, đẹp hơn mà. Giống như xứ mình không trồng được trái đào, mình có đuợc giống của nước khác, mình lai tạo thành ra đào VN, ngon hơn, đẹp hơn. Không ai phủ nhận được phát minh của dân tộc khác, nhưng một phát minh muốn tồn tại, phải ngày càng hoàn thiện chớ. Nếu nói như ông, mình nô lệ văn hóa dân tộc khác thì sẽ không có cái gọi là đờn cò, đờn kìm thuần việt.
- Bà đúng là công dân yêu nước quá he, nhưng tui cho bà biết cái gì cũng hô hào VN này nọ, chớ tui ở xứ này đố thằng nào biết VN là xứ nào. Hồi qua đây tui cũng tự hào, ai hỏi mày ở đâu tới là xưng liền, tao ở VN. Bố chúng nó tròn mắt hỏi VN là nước nào. Điên máu hông?! Rồi tui coi ba cái nghiên cứu gì gì của nó, thiệt như ếch ngồi đáy giếng. Buồn. Sự sai lầm của thời đại, ai làm gì mình làm theo và gọi là tiến bộ.
- Cả nước VN này chưa ai dám bảo là tiến bộ, chỉ là đang phát triển, ông dùng từ không chính xác, và cái nhìn phiến diện quá.
- Không tranh luận với bà, 12g khuya rồi, tui đi ngủ, bà đi ăn trưa đi. Quởn tám tiếp.
Quên nói, thằng này ở bên Mỹ, nên giờ nó đi ngủ là phải. Còn mình trầm ngâm đây. Nghĩ lại thấy nó nói cũng có phần đúng, như cháu của mình, về nhà học bài, nó cứ ra rả “đất nước ta rừng vàng, biển bạc” nghe mà rầu. Giờ này làm gì còn rừng vàng hả con, nó trụi lủi hết rồi, biển bạc thì sao, nghèo nàn khủng khiếp. Mai này nó lớn lên, có khi nào nó bảo: “chật, thằng nào soạn sách mà nói láo quá”!!!

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

CHO MỘT MỐI TÌNH

Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm…
Tôi không biết đã nghe bài hát này bao lần, mỗi lần nghe là một lần ray rức. Nhạc sỹ viết về tình si nghe nhẹ nhàng mà sâu sắc quá. Chết chìm trong ánh mắt của em, nghe say đắm làm sao. Ca từ ý nhị vô cùng, không như hàng loạt các ca khúc ngày nay sỗ sàng và thô thiển đến không ngờ.
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói,
Khép tâm tư lại thôi,
Đường hoa vẫn chưa mở lối…
Tình si mà không dám tỏ, chỉ giữ trong lòng mơ ước và chờ đợi. Vì sao ư?!
Đời lắm phong trần tay trắng tay,
Trời đông ngại gió lùa vai gầy…
Sao mà rõ ràng, mà thực tế nhưng không lộ liễu cho thiên hạ biết cái nghèo, cái khó của mình. Khi anh không có gì thì làm sao bảo bọc cho em, làm sao để che chở cho em. Cái hay của thi nhân ngày xưa, lồng ghép cái lãng mạn vào cái thực tế phũ phàng. Nghe sao có chút chua xót.
Ngày đi mắt em xanh biển sâu, mắt tôi rưng rưng sầu
Lặng nghe tiếng pháo tiễn ai qua cầu.
Đường phố muôn màu sao thiếu em,
Đây là câu mà tôi thích nhất, nó hoàn toàn hợp với tâm trạng của tôi mỗi khi nghĩ về người ấy. Chúng tôi đã chia tay nhau gần 7 năm, quãng thời gian đầu là những chuỗi ngày như thế, cô đơn và tràn đầy nỗi nhớ. Con đường về nhà đầy lá me bay, ngày xưa tôi và anh hay đi giờ sao trống trải lạ, vẫn dòng người tấp nập, vẫn muôn vàn ánh đèn, nhưng sao vẫn thấy lạc lõng, bơ vơ.
Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe tiếng lá bên thềm.
Hoang vắng đến nao lòng. Bài hát như chỉ dành cho riêng tôi, nhẩm đi nhẩm lại vẫn nguyên vẹn cảm giác ban đầu.

Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

GÓC KỶ NIỆM!

Tôi muốn hồn tôi mãi lạnh lùng,
Cuộc đời tôi đó mãi ung dung,
Đừng quen, đừng biết, đừng thương nhớ
Để cõi lòng tôi chẳng rối tung . . .
***
Chỉ nhớ hôm xưa một buổi chiều,
Cùng người trò chuyện xuốt canh thâu,
Người đi tôi thấy lòng mong nhớ,
Cảm thấy quanh mình nỗi cô liêu.
***
Tôi muốn mang theo trọn cuộc đời,
Cho dù chỉ gọi cố nhân thôi,
Tình theo ai đó vào sương khói,
Bỏ lại sau lưng một bóng hình.
***
Người gởi tặng tôi một đoá hồng,
Ngỡ ngàng chẳng biết nhận hay không?!
Nhận thì có lẽ còn quá sớm,
Trả lại thì e sẽ mất lòng.
***
Tình yêu không định đề công thức,
Làm sao giải được tiếng con tim,
Tình yêu không phải là toán học,
Đâu có ẩn số để ta tìm.
***
Nhớ lắm mà tôi cứ lạnh lùng,
Như không nhung nhớ, chẳng chờ mong
Trời ơi, khi đóng vai hờ hững,
Nát cả lòng tôi, ai biết không ?!
***
Hãy nói với tôi một tiếng yêu,
Dù cho tiếng ấy mỉa mai nhiều,
Cho tôi đỡ thấy hồn hoang lạnh,
Buốt giá vào tim những buổi chiều.
Tối qua, dọn dẹp mớ hỗn độn trong tủ, tình cờ thấy cuốn nhật ký, đã lâu rồi mình không viết nhật ký, lật vài trang cũ, đọc những dòng ngây ngô, bao kỷ niệm tự dưng tràn về, trọn vẹn và tinh khôi. Bỗng dưng bâng khuân lạ. Những vần thơ này có cái sưu tầm, có cái tự sáng tác, đọc lại thật thú vị. Hoá ra mình cũng "lãng mạn chủ nghĩa" quá.

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

LÀM MỘT CÁI THỐNG KÊ NÀO!

MEO 1 THÁNG TUỔI
MEO 6 THÁNG TUỔI

MEO 12 THÁNG
MEO 14 THÁNG

MEO 16 THÁNG
VÀ MEO 2 TUỔI
KẾT LUẬN:
LỚN MAU QUÁ, VÀ NAM TÍNH QUÁ. HIC

DẠY CON

- Mẹ! cho con mượn cây roi
- Chi vậy con?
- Con đánh ba vì ba dám tắt tivi của con, con đang xem cô “tin kơ beo” mà.
Cái giọng líu lo của con Meo làm tôi bật cười. Con nít đúng là học nhanh thiệt. Mới tối qua, tôi xem tivi, nó chạy đến tắt và bị tôi phạt úp mặt vào tường vì tội mất lịch sự. Và bây giờ nó thực hiện y như vậy với ba nó, thiệt không biết xử lý thế nào luôn.
- Ok, con đi với mẹ, xem ba tại sao tắt cô tin kơ beo của con.
- Ba Lưu, sao tắt tivi của meo?
- Anh nói tối rồi, tới giờ đi ngủ, đúng luật là tắt thôi?! (lão chồng nhướng mắt nhìn đầy thách thức). Cái này thì lão nói đúng, có quy định về giờ giất mà.
- Meo, tới giờ con đi ngủ mà, ba tắt là phải rồi, mẹ không binh đâu nhe.
(vẫn khóc lóc bi thảm)
- Nhưng con đang coi sao ba tắt, mẹ nói vậy là hư mà?
(chà trả treo gớm)
- À, nhưng tới giờ đi ngủ, phải tắt, đó là luật mà, con quên hả? Bây giờ đi ngủ, không nhưng nhị gì cả (hăm dọa), con lì ba đánh mẹ không can đâu à.
ấm ức đi ngủ, cô nàng rưng rức mãi.
Làm ba mẹ khổ thiệt, phải đầu tư chất xám dữ quá.
Mà con nít bây giờ cũng khôn thiệt, đầu đuôi bất nhất là mệt với nó.

Đây, hình của Meo đây. Nói không rõ ràng là mệt với Meo nhe.