Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Mẹ và con

Sáng, tấp xe vào quán hủ tíu quen thuộc ven đường. Hết chỗ. Mắt chợt sáng lên khi thấy có 1 cậu nhóc ngồi 1 mình.
- Em cho chị ngồi chung với nhe, hết bàn rồi.
- Chị cứ ngồi, rộng mà.
Cu cậu chừng 12 tuổi, nhìn có vẻ chững chạc, thông minh.
5 phút sau, một người phụ nữ trẻ bước đến, tự nhiên kéo ghế ngồi.
- Đi ăn mà không kêu nhe, xấu!
- Thì con xong việc rồi, đói quá ăn thôi.
- Nhưng con không chờ mẹ gì hết.
À thì ra là mẹ con, bà mẹ quá trẻ so với tuổi.
- Cay quá mẹ, con kêu nước nhe?
- ừa, kêu đi.
- Cô ơi cho con ly trà đá…
(uống một hơi)
- Chết, quên mời mẹ (cậu ta lẩm bẩm)
- Mẹ, con quên kêu cho mẹ rồi, xin lỗi mẹ, con kêu ly nữa he?!
- Tui giận rồi, làm gì cũng quên tui.
- Thôi mà, xin lỗi mà. Giận làm hết đẹp bây giờ. Mẹ hết đẹp, ba la con chết
….
- Hủ tiếu nhiều quá, chắc mẹ ăn không hết.
- Mẹ sang qua đây, con ăn dùm cho, bỏ tội lắm. Mà mẹ ăn ít quá, ốm nhom cũng không đẹp đâu. Mẹ người ta ai cũng đẹp, mẹ cũng phải đẹp à. Lần sau ăn không nổi nhớ kêu ít lại he, lỡ không có con ai ăn phụ mẹ.
- Cái thằng này, ăn dùm có chút mà lải nhải rồi…

… con mình bao giờ lớn thế nhỉ?

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

THẦN TƯỢNG VÀ SỰ THẤT VỌNG (tt)

Sự thất vọng:
Sự thất vọng của tôi cùng tồn tại trong một con người mà tôi thần tượng, đó là “ba tôi”. Tôi còn nhớ rất rõ ngày ông nội mất, ba tôi không hề khóc, ba lo cho nội rất chu đáo. Để rồi sau khi đưa nội ra nghĩa trang, ba tôi đã âm thầm đứng khóc một mình bên bàn thờ của nội, sức chịu đựng dường như quá lớn, đã vỡ òa trong lòng ba tôi sau nghĩa cử cuối cùng dành cho nội. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy những giọt nước mắt quý giá của đàn ông (trong đời tôi, chỉ thấy được 3 lần đàn ông khóc, người thứ nhất là ba tôi, người thứ hai là người yêu tôi và người thứ 3 là chồng tôi). Kể từ đó, ba là thần tượng mới trong lòng tôi, tôi học hành, làm gì cũng nghĩ về ba trước tiên, ba tôi rất giỏi, ba cũng làm chức vụ rất lớn như ông nội. Nhưng (sự đời bao giờ cũng có chữ nhưng làm thay đổi bao điều đẹp đẽ và cả xấu xí) sau khi tôi tốt nghiệp đại học được 3 năm, ba tôi bị vướng vào một vụ án thương mại, nói đúng hơn là liên đới chịu trách nhiệm vì một nhân viên kế toán đã biển thủ tiền thuế mà ba tôi chủ quan không hay biết. Vụ án đó làm mất uy tín cũng như làm cho ba tôi suy sụp tinh thần trong một thời gian dài (tất nhiên là ba tôi không bị tù vì chỉ bị liên đới chịu trách nhiệm). Ba bị đình chỉ công tác, phát sinh chứng trầm cảm cùng nhiều chứng bệnh khác của người có tuổi. Năm ba 54 tuổi, ba xin nghỉ hưu sớm, cũng kể từ đó, ba hoàn toàn thay đổi tính tình. Tôi hiểu rằng cú shock đó quá lớn đối với ba, vì thế mà mẹ và chị em tôi luôn cố gắng làm cho ba vui, chiều ba hết mực. Thời gian đầu khi ba ở nhà, ba như một ông hoàng, chẳng làm gì cả, chỉ tập thể thao, xem tivi, thỉnh thoảng café, uống rượu cùng mấy ông bạn đồng liêu. Cứ như vậy gần một năm, chị em tôi thấy như vậy ba tù túng quá, nên bàn với mẹ làm gì đó cho ba tham gia, vậy là ba tôi mở trang trại. Song với quan điểm của một cán bộ bàn giấy, ba đem áp vào việc quản lý trang trại hoàn toàn lao động tay chân thì bạn biết kết quả thế nào rồi. Lại thất bại, gần cả 100 triệu đội nón ra đi mà trang trại chẳng ra gì. Rồi thì ba tôi bắt đầu trái tính, ba không thích ai cãi lời, dù trước kia những lời góp ý của bọn tôi luôn được ba lắng nghe rất nghiêm túc. Ba cho rằng vì ba không còn làm ra tiền nên mẹ xem thường ba, mà sự thật là mẹ chưa bao giờ có thái độ gì quá đáng với ba, ngoại trừ việc mẹ thấy ba ở không nên đề nghị ba tưới cây, quét sân dùm những khi mẹ quá bận. Chỉ là những việc rất nhỏ nhặt, nhưng ba tôi luôn xem đó là chuyện rất quan trọng, thái độ của ba làm không khí trong gia đình luôn căng như dây đàn. Bọn tôi cũng bắt đầu ít nói chuyện với ba hơn, vì thể nào cũng sẽ có tranh cãi. Mỗi ngày trôi qua, ba tôi như càng đắm chìm trong ký ức huy hoàng của mình mà quên đi thực tại. Ba vẫn sống như ông hoàng, muốn gì được nấy, ba không hề giúp mẹ tí việc nhà nào, kể cả là giăng dùm mẹ cái mùng khi mẹ mệt. Bọn tôi rất muốn ba thoải mái, muốn ba vứt bỏ cái vầng hào quang của quá khứ để là một ông bố vui vẻ, hoà nhập với mọi người, nhưng sao khó quá. Kế nhà tôi có ông giáo về hưu, ông ấy sáng sáng cùng vợ đi tập thể dục, ăn sáng. Trưa về nhà ông đi chợ, bà vợ nấu cơm. Tối rảnh hai ông bà chở nhau đi uống café, đi nghe nhạc, đi coi cải lương. Rồi khi hè về, cả nhà họ đi du lịch cùng con cháu. Dẫu biết rằng mỗi nhà mỗi cảnh nhưng sao tôi vẫn ao ước. Phải chăng nỗi thất vọng là đây?! Người ta phải làm gì khi nỗi thất vọng quá lớn… ???

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

THẦN TƯỢNG VÀ SỰ THẤT VỌNG

Thần tượng:
Nói về thần tượng, hẳn ai trong đời cũng một lần có thần tượng, không ít thì nhiều đều có một hình mẫu nào đó để mơ ước, khát khao. Tôi cũng không ngoại lệ, thần tượng của tôi không ai xa lạ chính là “ông nội”. Tôi còn nhớ rất rõ ngày tôi còn bé, ông nội đã làm một quan chức gì đó lớn lắm, lớn hơn sức tưởng tượng của tôi, vì cái thời đói kém mà bà con toàn ăn cơm độn khoai độn sắn hay bo bo thay cơm, thì tôi toàn ăn cơm trắng với thịt cá ê hề. Thậm chí năm tôi học lớp 6 tôi còn được đi học bằng xe hơi và thỉnh thoảng có thêm 2 cái bánh bao nhân thịt to tổ chảng trong cặp (tôi 1 cái và cô giáo 1 cái), khỏi phải nói tôi được cưng như thế nào. Nhưng không vì thế mà tôi được phép tự cao và làm tàng nhe. Mang tiếng là đi học bằng xe hơi nhưng xe đậu cách cổng gần 10m và tôi tự đi bộ vào. Học hành mà hạng khá là bị đòn, không có chuyện la cà ngoài đường nhé, học xong là về nhà, trễ 5’ cũng bị quýnh như chơi. Kỷ luật quân đội như thế, nhưng bọn tôi vẫn thấy vui vẻ và rất thần tượng ông nội. Bởi ông nội làm quan to mà rất bình dị, ông luôn bận quần tây đen, áo sơmi trắng có mặc thêm áo thun ba lỗ bên trong. Tóc ông luôn được hớt cao, gọn gàng. Ông đi làm bằng chiếc mô-bi-lết màu xanh, máy chạy y như máy cày, cứ bành bạch, bành bạch. Từ nhà đến cơ quan cũng không xa nên ông toàn tự đi mặc dù ông được cấp cả 1 cái xe huê kỳ to đùng có máy lạnh đàng hoàng. Ông nội được cấp 1 căn biệt thự cũ kỹ ở quận 8, xa trường học của bọn tôi, nên bọn tôi được cho qua nhà cô ở quận 5 để tiện việc học tập. Thế là năm tôi vào lớp một, tôi khăn gói ra riêng y như vào trại lính. Cô ruột của tôi cũng thương tôi lắm và kỷ luật thì không thua gì ông nội, có lẽ vì vậy mà suốt 12 năm học tôi luôn đứng thứ hạng cao trong lớp.
Ở với cô tất nhiên là không gần ba mẹ rồi, vì ba mẹ tôi ở cùng ông bà nội bên quận 8, chỉ có bọn tôi ở với cô bên Q5, nên mỗi cuối tuần là ngày bọn tôi ao ước nhất. Thứ 7, ông nội sẽ ghé qua nhà cô và chở bọn tôi về quận 8 chơi. Xe ông gắn thêm cái baga nhỏ đẳng trước để chở cho đủ 3 đứa cháu (một ngồi trước và hai ngồi sau). Ông nội khá mập, và hay uống rượu nên ông có cái bụng bia to tròn, bọn tôi ngồi sau không bao giờ ôm hết cái bụng của ông thế nên áo ông bị đứt nút thường xuyên. Nhưng nội tôi không phiền mà còn rất vui, tuy bận rộn nhưng nội luôn có thời gian chơi với bọn tôi. ở với nội, tôi học được nhiều cái hay như biết đan nong tre nè, thắt con cào cào và nhiều trò vui khác nữa. Tôi nhớ rất rõ, năm tôi được tuyển thẳng vào lớp 6 trường chuyên, nội thưởng cho tôi nguyên 1 chiếc xe đạp thiệt đẹp (thời đó, có xe đạp là niềm ao ước của nhiều người, học sinh như tôi đừng hòng mà có). Rồi dành mỗi chủ nhật dạy tôi chạy xe, có khi nội kêu chú sáu tài xế chở tôi cùng cái xe lên tận thủ đức để tập chạy (sang nghê). Niềm vui nào rồi cũng có lúc kết thúc, với tôi đó là một kết thúc buồn và không mong đợi. Năm tôi học lớp 7, nội tôi phát hiện bị ung thư thanh quản, phải làm phẫu thuật. Một ngày trước ca phẫu thuật, nội đã ghi âm lại giọng nói của mình như một lời trăn trối, nội sợ cuộc phẫu thuật sẽ không thành công và nội sẽ không còn cơ hội để nói với con cháu lời sau cùng. Tính nội vẫn thế, rất cẩn thận trong từng công việc. Thật may là nội tôi qua được cơn nguy kịch, nhưng giọng nói thì không còn. Không sao, miễn nội tiếp tục sống là vui rồi. Nhưng niềm vui không dài, nội bị di căn ung thư và không thể qua khỏi một năm sau đó. Ngày nội ra đi là một ngày mưa tầm tã, là ngày mà tôi thấy ông trời thật bất công. Song với cái tuổi còn quá trẻ con ấy, tôi không cảm nhận hết được nỗi mất mát đó. Cho đến năm tôi 17 tuổi, trong một lần tình cờ dọn dẹp tủ đồ của mẹ, tôi phát hiện ra cuộn băng ngày xưa và nước mắt tôi rơi theo từng lời ông nói: “bà và các con của tui, tui ghi âm lại những lời này vì tui sợ tui sẽ không qua khỏi ngày mai, dù có chuyện gì thì bà và các con cũng đừng buồn. Tui còn nợ bà và các con nhiều lắm, hãy tha thứ cho tui nếu tôi đã làm gì để bà buồn. Tui có chết rồi, bà sống vợ chồng thằng Hùng nhe, mà thôi bà qua quận 5 ở đi, chớ nếu bà ở đây, đi ra đi vô sẽ nhớ tui, rồi bà khóc mang bệnh thì tội các con lắm. Tui nói ít bà nghe hiểu phải không?!..” ông còn nó với bà nhiều lắm, nhưng đoạn tôi khóc nhiều nhất là : “các cháu của ông, ông không còn thời gian chơi với các cháu nữa, đừng giận ông nhe. Các cháu là niềm tự hào của ông, Tâm nè, con là chị lớn phải làm gương cho mấy em nhe, có thiệt thòi chút nhưng làm lớn phải vậy, con lùn đen và út khánh, ráng mau lớn, đi làm nuôi bà thay ông he. Ông trông cậy vào các cháu hết, đừng phụ lòng ông. Ông nói bây giờ chắc các con không hiểu hết đâu, ráng ghi nhớ, sau này lớn lên làm ngươì tốt, nhớ lời ông nhe.” ... Giờ thì tôi đủ lớn để hiểu lời ông, nhưng ông thì không còn để mà dạy tôi làm người nữa rồi.(còn tiếp)

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

LƯỢM LẶT

HÌNH NHƯ

Người ta thường hay nói hình như,
Bởi chỉ nắm trong tay những điều chưa chắc chắn,
Nhưng đôi khi biết nó là chắc chắn,
Họ vẫn cứ hoài thích nói “hình như”

Và hình như em bất lực trước ngôn từ,
Nên không thể nói với anh những điều sâu kín nhất,
Nhưng lẽ nào trên đời lại có hình như “sự thật”
Để không bao giờ chắc chắn được thứ tha.

Người ta vẫn thường nói “hình như là”
Để tự an ủi hay làm yên lòng người đối diện,
Anh và em, ai là thuyền, ai là biển?
Hay suốt đời vẫn chỉ biết “hình như”,

Người ta vẫn cứ thích lẫn lộn giữa thực và hư
Bởi sự thật phũ phàng hơn ta nghĩ,
Nên cứ để bản năng và lý trí
Đi chung đường không biết sẽ về đâu.

Người ta cứ nghĩ rằng khi yêu nhau,
Sẽ thôi không còn “hình như” nữa,
Rằng thế giới này chỉ còn hai đứa,
Rồi ngang nhiên chắc chắn đủ điều

Bởi chữ “yêu” luôn gắn với chữ “liều”
Nên “hình như” mới trở thành “chắc chắn”
Chuyện chúng mình nên nói hay im lặng
Để không nhầm “chắc chắn” với “hình như”