Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

NGƯỜI VIỆT NAM DÙNG HÀNG VIỆT NAM!

       Sáng nay đưa con đi học sớm, tàng tàng bò vào cơ quan, nhân tiện ngắm nhìn phong cảnh, chợt phát hiện ra vài câu khẩu hiệu to vật vã (ăn cắp từ nhà của Mr. Đàm – Phú) “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hoặc “người Việt Nam dùng hàng VN từ trái tim”… đọc xong cười muốn chết sặc. Nếu có cuộc thi bình chọn những câu slogan vớ vẩn nhất thì mấy câu này thể nào cũng lọt top 10. Lý do ư: rất sáo rỗng và phi thực tế, bởi khoảng cách giữa cổ động và thực tiễn là “đại bác bắn 10 năm cũng không tới”.
      Ai cũng biết hàng VN chất lượng không phải hiếm nhưng vấn đề là nó hoàn toàn không hợp với túi tiền người tiêu dùng VN (tất nhiên trừ những người tiêu dùng VN giàu có). Hàng VN chất lượng bình thường đã thế, hàng VN chất lượng cao thì đừng có mơ. Đơn cử, tôi từng rất ủng hộ may mặc Việt và toàn chọn hàng VN cho con gái, thế nhưng hàng Việt chất lượng cao thì giá quá cao, bằng với giá của hàng hiệu nhập khẩu, thế thì tội gì không mua hàng hiệu nhập khẩu nhỉ?! Còn nếu hàng VN loại trung bình thì khỏi nói, may ẩu, thiết kế xấu tệ, mặc ba ngày là quăng. Chưa hết, vẫn với tiêu chí hàng VN là ưu tiên một, hành trình mua giày cho con còn gian nan hơn. 90% hiệu giày là từ Đài Loan, Hồng Kong, Trung Quốc, 5% hàng hiệu nhập từ Châu Âu và 5% còn lại là hàng VN kém chất lượng. Hay nói đúng hơn là bỏ ngỏ hoàn toàn thị trường giày trẻ em. Ngoại trừ vài doanh nghiệp ngo ngoe trong tuyệt vọng như B’tis, không ai phủ nhận giày B’tis bền, nhưng không đẹp, và không đa dạng. Đấy là tôi đang nói về thế mạnh của VN nhá là giày dép và vải vóc, chưa nói đến thực phẩm. Vẫn xoay quanh nhân vật trung tâm – bé gái nhà ta, trẻ con thì cần uống sữa, vẫn hàng VN, tôi chọn sữa Vinamilk, chất lượng không bàn, ta chỉ nói đến giá. Giá tăng rất vô tư và nhảy vọt từ tăng-go sang pa-so-dop, khiến người tiêu dùng trong đó có tôi phát hoảng. Trong khi đó thì các nhà quản lý thị trường vẫn hét vang vang “chúng tôi đang bình ổn giá”. Ngoài sữa thì bé cần gì nữa nào?! Ăn no, mặc ấm, tất nhiên là phải chơi. Vấn đề này còn đau đầu hơn giải đáp ô chữ Sodoku. Ông xã nhà mình với khẩu hiệu và lòng yêu nước cháy bỏng, vẫn nhất quyết chọn đồ chơi VN cho con gái. Cuối cùng ông ấy đã suýt phải vào viện truyền nước biển vì kiệt sức săn lùng hàng hiệu dán mác “Made in Việt Nam”, 100% cửa hàng toàn đồ Trung Quốc, có an toàn hơn là nhờ dán cái nhãn “hàng đã kiểm định” còn tịnh không thấy bóng đồ chơi Việt. Không nản chí, ông ta săn lùng trên net, thật trời không phụ lòng người, ông í đã săn ra cty đồ chơi chuyên làm đồ chơi trí tuệ bằng gỗ. Khỏi phải nói, ổng mừng thế nào, song cái sự mừng đó chỉ tồn tại 10” rồi tắt ngóm, bởi đồ chơi ghi rõ “sản phẩm dành cho bé 5-6 tuổi” và giá rất đẹp, món nhỏ nhất, rẻ nhất có giá 219.000đ, thêm nữa vì sản phẩm bằng gỗ nên nó hoàn toàn không hợp với bé 3t hay chọi đồ như gái nhà ta. Thế là tiêu tan niềm hy vọng.
     Đừng nói tôi bi quan nhé, không hề, tiêu chí chọn hàng VN vẫn tồn tại trong tôi, vấn đề là hàng VN không có để đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng VN thì hò hét xài hàng VN cái nỗi gì. Chưa kể đến chất lượng dịch vụ nhé, chế độ hậu mãi cực tệ, bệnh vô trách nhiệm là hết thuốc chữa. Thế nên đừng đòi hỏi người tiêu dùng quá nhiều khi khả năng mình không có.

4 nhận xét:

  1. Cõ một cái này của Việt Nam mà anh đánh giá cao: Ngân hàng Vietcombank!

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Chào chị
    bài viết này hay và đáng để suy ngẫm. Riêng em cũng có nhận xét NHNN điển hình là VCB hiện đang cung cấp chất lượng dịch vụ khá tốt (so với các NHNN còn lại)

    Mong được đọc thêm nhiều bài của chị.

    Trả lờiXóa
  4. Rất ủng hộ phong trào ưu tiên dùng hàng nội. Mời bà con ghé thăm website http://dunghangviet.vn. Xin cảm ơn !

    Trả lờiXóa