Viết về mẹ... đó là điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến, cũng như chưa bao giờ
thích viết mặc dù tôi có thể tự xem như mình là một nhà văn ... nghiệp dư.
Tôi không biết phải viết về tình cảm đó như thế nào bởi tôi chưa từng cảm
thụ rõ ràng tình yêu của mẹ dành cho tôi kể từ khi tôi được sinh ra đời. Tôi
không sống cùng ba mẹ trong một khoảng thời gian khá dài. Chính xác là khi tôi
năm tuổi, tôi được chuyển sang ở cùng với các cô vì lý do rất chính đáng “đi học
cho gần trường”, bởi nhà nội rất xa và không có ai đưa đón. Mặc dù các cô đều rất
thương và chăm chút cho tôi nhiều. Mỗi tối, có cô Út dạy cho học, mỗi sáng có
chú đưa đi học, có cả gia sư dạy thêm những môn yếu và thậm chí, mãi đến năm
tôi tốt nghiệp trung học, tôi vẫn chưa biết ủi quần áo ra sao ... Nhiệm vụ duy
nhất của tôi là học và học, thế nên tôi không được phép đi chơi, không giao du
bạn bè. Niềm vui và sự háo hức của tôi chỉ thực sự bắt đầu vào ngày thứ bảy. Đó
là ngày mà tôi được ba hay ông nội đón về với mẹ. Nhưng tôi cũng không hẳn là
nhớ mẹ nữa, tôi thích về nhà nội vì nhà nội có vườn cây, có đủ trò chơi mà ông
nội bày cho chơi, và quan trọng là không bị cô nào la rầy hết. Việc đầu tiên
khi tôi về nhà nội là chạy ù vào thưa mẹ, ôm mẹ ... rồi hết. Không phải vì mẹ hờ
hững với tôi mà vì mẹ quá nhiều việc, mẹ phải nấu cơm, giặt quần áo, cho heo
ăn, sàn cám ...có khi mẹ làm đến tối mịt. Trong cái đầu bé xíu của tôi, tôi
không hiểu sao mẹ nhiều việc vậy, mà việc nào cũng lâu thế nên cách giúp mẹ duy
nhất (theo yêu cầu của mẹ) là đi chơi, đừng quấy rầy. Rồi chơi mãi đến khi mệt,
chạy ù vô bếp, mẹ làm cho một ly cam, cho cái bánh xong lại chạy ra chơi tiếp.
Cứ như vậy, cho đến năm tôi vào đại học, tôi đã có thể chạy xe một mình về
nhà nội, thăm mẹ. Vì vậy, tôi được phép của nội, dọn về ở cùng mẹ. Khỏi phải
nói tôi mừng đến mức nào, tôi hăm hở gom đồ, không đợi đến ngày cuối tuần nữa,
mà đi luôn trong buổi chiều. Tôi có phòng riêng, có một không gian riêng và
quan trọng là tôi được ở bên mẹ. Nói nghe có vẻ tình cảm, mà thật ra là vì muốn
thoát khỏi sự quản lý gắt gao của bà nội (quên nói, kể từ khi ông nội mất, bà
qua ở với mấy cô, còn ba mẹ ở riêng).
Mẹ có một tiệm tạp hóa nho nhỏ, mỗi thứ bảy, tôi có nhiệm vụ đi lấy hàng, định
giá và trưng bày vô tủ kiếng. Mẹ vẫn bận rộn với hàng núi công việc không tên của
mình, ba vẫn cặm cụi đi làm, đi công tác. Mỗi người một việc, thỉnh thoảng, ba
mẹ cũng hỏi thăm đại khái con học hành ra sao, cần đóng tiền hay mua gì
không... Sống với mẹ rồi, tôi phần nào hiểu được sự cực nhọc của mẹ, có lẽ
chính những va chạm của cuộc sống đã làm mẹ thay đổi, mẹ nóng tính hơn, hay cáu
gắt và quát tháo. Tuổi trẻ với cái thói
tự ái, pha đỏng đảnh cao ngút trời, tôi phản ứng khá gây gắt mỗi khi mẹ rầy la,
mẹ trong tôi là điều gì đó thiệt là phiền hà, cổ hũ và không bao giờ chịu lắng
nghe hay hiểu ý tôi. Đến một ngày, một việc nhỏ thôi, đã cho tôi có cái nhìn
khác về mẹ.
***
Tôi thi xong môn cuối, kết quả khá tốt, tâm trạng hưng phần, tôi dự định sẽ
kể cho mẹ nghe, nhưng khi về đến nhà, tôi thấy đèn không mở, dù đã 6 giờ tối,
cũng lạ, thường giờ này mẹ đã lên đèn, nấu cơm rồi. Nhìn quanh không thấy mẹ,
tôi vào tận sân sau và mẹ đang ngồi lặng lẽ trong một góc, không hay tôi về.
- Mẹ con mới đi học về, mẹ sao vậy?
- Ờ!! (ánh mắt mẹ nhìn xa xăm, ngân ngấn nước)
- Có chuyện gì hả mẹ?
- Ba mẹ mới gây lộn... ba nói mẹ ngu quá...
Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nghe mẹ tâm sự. Ba mẹ chênh lệch trình độ
quá, mẹ mới học hết lớp năm còn ba đã là cử nhân chính trị cao cấp. Nhiều khi mẹ
muốn chia sẽ với ba, ba nói cao siêu quá, mẹ không hiểu vậy rồi dần dần, ba
không muốn nói nữa, mà hễ nói ra bao giờ cũng có câu “nói hoài không hiểu, ngu
quá”.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận thế nào là tình thương của tôi dành
cho mẹ, cũng như lần đầu tiên trong đời tôi giận ba.
- Mẹ biết mẹ học không cao, bởi vậy mẹ ráng hết sức
để tụi con được đi học cho bằng người ta, đừng có như mẹ, bị người ta coi thường,
rồi mai này con có chồng, nhà chồng không coi khinh con được...
Rồi mẹ chậm rãi kể tôi nghe những nỗi tủi hờn của mẹ từ khi lấy ba, những lần
cãi nhau gây gắt, mẹ giận dữ dắt tôi bỏ đi thậm chí thề không bao giờ quay lại
nhưng chỉ vì một câu nói của ông nội mà mẹ đã thay đổi “con dẫn con của con đi rồi, tương lai nó sẽ ra sao? Có được ăn học đủ
đầy như bây giờ không??”. Mẹ chịu đựng sự khó tính của bà nội, sự hờ hững của
ba chỉ để tôi có được ngày hôm nay. Đã có lúc tôi thầm cảm ơn mẹ, sự hy sinh của
mẹ thật vỹ đại, nhưng một cái nhìn khác, tôi cảm thấy sao mẹ nhu nhược quá, sao
mẹ lại có thể cam chịu như vậy, mẹ cần phải có chính kiến của mình có hạnh phúc
thật sự của mình chứ, rồi tôi chuyển từ yêu thương sang giận dữ, lấy hết can đảm
nói thẳng với ba rằng: “con không thích
ba nói mẹ như vậy, có ngu gì thì cũng là người sinh ra con, nuôi con ăn học và
là vợ của ba”. Năm đó tôi hai mươi tuổi.
***
Tôi lập gia đình, có con và cảm nhận về mẹ chuyển sang một cấp độ khác, một
góc nhìn khác. Tôi không thích những bài hát, nhưng lời ca tụng về mẹ bởi tôi
thấy điều đó giống như một sự kể công, một sự ghi nhớ công đức sáo rỗng. Với
tôi, có con là niềm vui, là sự mong chờ của chính bản thân mình, chăm sóc,
thương yêu con là chuyện hiển nhiên chả có gì là to tác. Tôi không có quan điểm
sinh con để nhờ vả khi về già, cũng không có ý định sinh con để sau này nó nuôi
lại. Tôi cực kỳ ghét cái lối nghĩ thiển cận đó, thế mà không hiểu sao, quanh
tôi nhan nhản những con người hiện đại lại giữ nguyên cái suy nghĩ lỗi thời, lạc
hậu như vậy. Nói thế không có nghĩa là tôi khó chịu với việc con cái chăm sóc
ba mẹ. Đó là điều hiển nhiên giữa việc cho và nhận. Tôi thích xem đó là niềm
vui hơn là nghĩa vụ và trách nhiệm. Mỗi khi tôi mua tặng mẹ một món quà, tôi thấy
mình vui và tôi nghĩ người nhận hẳn sẽ cũng vui. Mỗi khi tôi hỏi thăm mẹ, tôi
thấy mình hạnh phúc và tôi nghĩ, mẹ cũng sẽ hạnh phúc như thế. Cũng giống như
khi tôi mua quà cho con gái, nó thích thú cười nhăn nhở, tôi cũng cười. Giống
như khi tôi kể cho nó nghe chuyện linh tinh, nó yên lặng lắng nghe và bình luận
vài câu chả ăn nhập gì, tôi thấy sung sướng. Nói theo thuyết nhân quả là cho gì
nhận đó, khi cho niềm vui, ta sẽ nhận lại niềm vui, khi cho đi khổ đau, ta cũng
sẽ nhận lại khổ đau.... Năm đó tôi ba mươi tuổi.
***
- Mẹ thở dốc từng hơi, ngồi bệt xuống sàn nhà.
- Lau có chút
xíu mà mệt quá.
- Để tí con lau
cho
- Thôi, mày lo
cho con mày đi, mẹ có mua con tôm bự lắm, làm cái gì cho nó ăn, tao thấy nó ốm
rồi.
- Nó ốm đâu mà ốm,
tại nó cao lên, mẹ thấy vậy thôi hà
- Không, nó ốm
thiệt, cái tay nó nhỏ xíu. Với lại nó đen thui, mà nó khoái ăn đồ tây quá, mẹ
không biết nấu cho nó ăn. Nên đợi mày dìa nấu.
Mẹ vẫn vậy, vẫn càm ràm, nói nhiều và ca cẩm đủ thứ trên trời dưới đất. Đôi
khi cách mẹ quan tâm khá độc tài và quân phiệt, kiểu như “tao nói đúng là nó
đúng”, nhưng dù kiểu nào thì cũng thể hiện sự quan tâm để cho tôi có được những
thứ tốt nhất, những điều hay ho nhất – theo quan điểm và cách nghĩ của mẹ. Đổi
lại, tôi chấp nhận và gật gù vẻ đồng tình, không tranh luận. Điều mà khi tôi
20, thậm chí 30 tôi không cách nào làm được. Tôi hiểu và thương mẹ theo một
cách khác, không vồn vã, không khoe khoang, không chỉ trích. Chỉ đơn giản là mẹ
cần lắng nghe...
Bây giờ tôi gần bốn mươi.
***
Tôi viết những dòng này, chỉ để ghi nhớ những cột mốc thời gian quan trọng
có mẹ trong đời tôi. Chỉ để nhớ rằng,
tôi có một người mẹ luôn quan tâm đến tôi theo một cách riêng mà không phải người
mẹ nào cũng có thể làm được.