Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

CHUYỆN NHỎ BÊN ĐƯỜNG!


1. Sáng, đứng chờ chị bán cafe làm cho 1 ly, chợt giật mình:
- Tui nói rồi nhe, bà về nói với con bà, trắng đen phải rõ ràng, thiệt là thiệt và gian là gian, đừng có nửa nạc nửa mỡ tui không có ưa. Tính tui vậy đó - tiếng ông già bàn bên cạnh rổn rảng.
- Ông nói hay quá, chuyện tụi nó, sao tui biết. Mà ông nói nửa nạc nửa mỡ, ông không ưa, vậy sao ông khoái ăn ba rọi - bà thím ngồi kế đáp trả.
Ông giá ngắc ngứ vài giây:
- Kệ tui, tui vậy đó....

2. Lần nào tui mua đồ ở cửa hàng cũng là mẹ nó bán, lần này, mẹ nó bận việc, nó bán dùm. Nó mới 6 tuổi thôi:
- Con lấy cho cô cục xà bông
- Dạ, cô lấy loại nào? 6.000 hay 10.000
- Lấy 10.000 đó con
- Dạ, cô chờ chút con thối tiền
- Ừa
- Dạ, tiền của cô, con cám ơn cô...
Nhà mẹ con nó nghèo và thằng bé đang học lớp tình thương của phường.

3. Chợ sáng rất đông người, chợt có tiếng la:
- Móc túi ...
Một bà to béo, chột tay thằng nhóc đen thui ốm nhách
- Mới bi lớn móc túi hả mậy, tao quánh mày chết, nộp cho công an, cho mày đi tù rục xương.
Tiếng mọi người lao xao, đồ mất dạy, đánh chết mẹ nó đi. Thằng bé giương đôi mắt tèm lem, nó híc híc từng tiếng:
- Dạ, con đâu có móc túi, con thấy bà làm rớt tiền, con lụm cho bà. Mà con kêu hoài bà không có nghe, nên con nắm áo bà lại thôi hà. Tiền của bà nè.
Từ tay thằng bé, một nắm tiền chắc cũng khoảng vài trăm. Bà béo vội cho tay vào túi, lục lạo rồi chộp ngay nắm tiền. Tay buông thằng bé, bà béo không nói một tiếng, quày quả bỏ đi...

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

CON GÁI !!!

1. Mẹ đang chải đầu, cột tóc cho con gái:
- Mun ơi, con uống sữa hông, bỏ uổng quá
- Sữa mẹ để tối qua, giờ uống cho đau bụng à
- Ừa, mẹ quên há. Mà sao con biết sữa qua đêm bị hư?
- Thì mẹ dạy chớ ai. Mẹ làm mẹ cái kiểu gì mà dạy con rồi không nhớ. Thiệt hết nói
Mẹ ....

2. Mẹ nghe con gái la om sòm:
- Ba thôi nghe, chọc con hoài, con mét mẹ
- Thì mét đi, coi mẹ làm gì ba?
- Mẹ, ba chọc con nữa kìa
- Ba chọc cho vui thôi mà, có làm gì đâu con
- Con không thích, ba cắn tay con nữa nè
- Vậy để mẹ nói ba hé
- Mẹ nói sao thì nói cho ba rút kinh nghiệm đi, nói hoài mà đâu có chịu sửa. Con bực lắm rồi nhen.
Ba ... hết ý kiến.
(Con gái mới 6 tuổi mà thế rồi...)

20/11 ...


20/11 ... năm xưa
Tôi nhớ hồi tôi còn bé, đại khái là lớp 6-7 gì đó, 20/11 luôn là một ngày đặc biệt đối với chúng tôi. Nói chúng tôi, vì lúc đó chúng tôi có 5 đứa, cùng sống chung một nhà. Tôi nhớ rất rõ, thường đêm 19/11, cô Út của tôi sẽ đi mua hoa. Cô mua 1 bó hoa cúc trắng rất to cùng dây và nơ. Cô rất khéo tay và tỉ mỉ. Sau đó, cô sẽ lấy 1 cái bàn dài và bày tất cả dụng cụ cắt tỉa lên đó, trong khi bọn lóc nhóc tụi tui ngồi chung quanh, háo hức nhìn cô bó hoa. Ngày xưa, làm gì có nhiều giấy gói bóng đẹp như bây giờ, nên cô tôi gói hoa bằng báo cũ. Những tờ báo được cô xếp ngay ngắn, cắt khéo léo những hoa văn quanh rìa (như người ta cắt giấy nghệ thuật ogami ấy). Rồi cô cột hoa cúc thành từng bó vừa tay, lấy giấy bao lại, thắt một cái nơ bằng vải màu đỏ. Đơn giản, nhưng rất thẩm mỹ. Mỗi đứa chỉ được 1 bó vì làm gì có nhiều tiền để mua nhiều hơn. Vậy mà bọn tôi, đứa nào cũng thích, cứ ngồi nhìn cô bó hoa mà xuýt xoa "đẹp quá, đẹp quá". Riêng tôi, tôi thích nhìn cái cách cô tôi bó hoa, đầy tâm huyết. Cô tập trung thật cao, sao cho bó nào cũng đều và đẹp như nhau để bọn tôi khỏi ganh tỵ - đó là theo cách giải thích đơn giản của cô với bọn con nít tụi tui. Chứ thật lòng, tôi biết, của cho không bằng cách cho. Tôi đã học được từ cô đức tính đó, đã không tặng gì thì thôi, một khi đã làm thì phải "coi cho được", phải xuất phát từ cái tâm. Và điều tôi thấy cô tôi vui nhất là khi bọn tôi về nhà, khoe rần trời là bó hoa của cô Út đẹp nhất, cô con thích nhất. Lúc ấy, cô Út sẽ cười thật tươi và lại suy nghĩ ... năm sau phải làm sao cho đẹp hơn để tụi nó tự hào. 
20/11... năm nay
Con tôi đã 6 tuổi, tôi cũng quen dần với việc quà cáp cho thầy cô của con gái, nhưng thay vào đó là "bao lì xì" chứ không phải những món quà đơn sơ như ngày xưa nữa. Tôi cũng không bắt gặp ánh mắt háo hức từ con gái khi tôi gói quà cho cô giáo nó. Bởi, món quà giờ rất xa xỉ, nó không còn mang ý nghĩ cảm ơn nữa, mà như một sự trả lễ. Buồn!

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

VĂN HÓA KẺ CẢ!

Mình làm việc trong ngành, ít nhiều có quan hệ ngoại giao với các cấp lãnh đạo. Không có ý phân biệt vùng miền, nhưng thực tế chứng minh (ít ra qua kinh nghiệm bản thân), các nhà lãnh đạo khu vực phía Bắc luôn có thái độ kẻ cả và khi người. 
1. Tháng 6, mình có 1 đoàn khách thuộc đài truyền hình tỉnh Triết Giang TQ - sang Saigon làm 1 bài phóng sự về văn hóa ẩm thực khai hoang. Để có được giấy phép và visa báo chí, mình đã lên Sở ngoại vụ thành phố, gặp phó phòng đối ngoại để được tư vấn. Họ đã làm mình ngạc nhiên vô cùng, thái độ làm việc rất thân thiện, nhiệt tình và tôn trọng doanh nghiệp. Trong quá trình đoàn đi quay, luôn có cán bộ của sở đi theo để giúp đỡ và giám sát - nhân viên trẻ đẹp, có trình độ. Nói chung, cả nhân viên cty và nhân viên đối tác đều hài lòng với tác phong làm việc đó. Họ nhìn nhận nhân viên công quyền của Saigon có hình ảnh rất tốt. Mình cũng cảm thấy tự hào, và có cái nhìn thiện cảm hơn so với trước. 
2. Tháng 10, mình có việc ra gặp Bộ Tài Chính Hà Nội, đón tiếp vẫn lịch sự (mình nói trong giới hạn lịch sự ngoại giao thôi nhá). Nhưng trong hành vi, không có sự nhiệt tình, thay vào đó là thái độ rất kẻ cả. Để tiện cho công việc về sau, mình chủ động xin card, bà phó phòng tài chính dửng dưng đưa card, mình lịch sự gởi lại card của mình, bà ấy phất tay khỏi đi em (bạn mình giải thích rằng, ý là mày có việc thì đến tìm tao, chứ tao không có rảnh để nói chuyện với mày). À thì ra vậy! Shock tập 1. Khi ra về, gặp 1 ông bên tài vụ, mình cũng lịch sự chào, ông ấy gởi cho mình cái card, mình gởi lại. 10' sau mình có việc quay lại văn phòng, mình thấy card của mình nằm dưới đất. Cả ngày hôm đó, mình chỉ đưa ra 1 cái duy nhất cho ông ta. Shock toàn phần. 
3. Sở du lịch Đà Nẵng mở roadshow để hợp tác quảng bá du lịch khu vực miền Trung, các nhân vật cộm cán của Đà Nẵng cũng có mặt. Sau phần giới thiệu, là phần lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp. Mình thấy họ lắng nghe, ghi chép rất nghiêm túc. Rồi thì ông giám đốc sở DL DAD đứng lên, giải thích từng câu hỏi 1, không sót câu nào với thái độ cầu thị rất rõ ràng. Mình không biết các ông sẽ giải quyết ra sao, nhưng ngay tại lúc đó, mình thấy nể cách làm việc của các ông, thái độ tôn trọng lẫn nhau rất  tốt. Sau đó 1 tháng, thì có công văn thông báo miễn giảm giá cũng như các quy định hỗ trợ việc làm thẻ cho hướng dẫn viên. 
Cả 3 câu chuyện đều là thực, đó là lý do tại sao khi đọc các bài báo, các câu trả lời của các ông bà chức quyền HN, mình không có chút tin tưởng cũng như tôn trọng nào. Họ, không xứng đáng để ngồi vào cái vị trí đó. Tham quyền cố vị chỉ làm cho hình ảnh công quyền HN nhếch nhác và rẻ tiền mà thôi.

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

GIÁO VIÊN THỜI NAY - VÔ ĐẠO ĐỨC!!!

Không biết ai là giáo viên đọc bài này nghĩ gì nữa. Giáo viên được ví như mẹ thứ 2, được mọi người tôn trọng mà hành xử như đồ vô học kiểu này thì mình thiệt không biết nói sao. Hoàn toàn đồng cảm, bởi chính mình và ông xã đã trải qua tình huống đó. Phụ huynh càng nhỏ nhẹ, giáo viên càng coi thường. Đến khi chịu không nổi, làm tới thì các cô chối leo lẻo, khóc lóc như bị oan lắm. Mình nghĩ bộ GD nên đưa thêm cái môn đạo đức vào giảng dạy cho các trường sư phạm, để giáo viên tương lai thật sự là con người chứ không phải con thú đội lốt người như hiện nay (mình cũng xin lỗi nếu những lời này xúc phạm đến giáo viên chân chính)
http://vnexpress.net/tin-tuc/ban-doc-viet/doi-song/con-toi-bi-co-hat-hui-ban-xa-lanh-vi-2-000-dong-2903802.html