Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

QUAN ĐIỂM CHIẾN TRANH CỦA CÁC QUỐC GIA!

1. MỸ: "Tao muốn đánh thằng nào, là tao đánh thằng đó. Ngoài ra, tao bao tiền súng!"

2. NATO: "Mỹ đánh thằng nào, tao đánh thằng đó!".

3. NGA: "Thằng nào bật tao, tao cắt dầu lửa!".

4. ISRAEL: "thằng nào ngấm ngầm muốn đánh tao, tao đánh thằng đó!".

5. NHẬT: "thằng nào đánh tao, tao sẽ bảo Mỹ đánh thằng đó. Nếu chúng mày không ngừng tấn công, tao cho Maria Ozawa nghỉ việc!".

6. TRUNG QUỐC: "Thằng nào gần tao, tao đánh thằng đó!".

7. ĐÀI LOAN: "Thằng nào đòi đánh tao, tao bảo báo chí chửi thằng đó!".

8. NAM HÀN: "Thằng nào định đánh tao, tao tập trận với thằng Mỹ!".

9. BẮC HÀN: "Thằng nào làm tao bực, tao sẽ đánh thằng Nam Hàn!".

10. Berlusconi (ITALIA): "Thằng nào oánh tao, tao... ngủ với vợ thằng đó!".

11. SINGAPORE : "Thằng nào đánh tao? ĐM! Chắc không thằng nào rảnh loz mà đi đánh tao!".

12. IRAQ : "Thằng nào đánh tao thì cứ đánh cho đã, chừng nào mệt thì tự động về!".

13. ARAP SAUDI : "Thằng nào đánh tao, tao mua thằng đó!"

14. Billaden: "Thằng nào đánh tao, tao khủng bố thằng Mỹ!".

15. Liên Hiệp Quốc: "Tao dán cái mác... vùng cấm bay lên thằng nào, chúng mày úp sọt thằng đấy cho tao!".

16. CUBA : "Thằng nào oánh tao, tao cho Việt Nam một mình canh giữ thế giới!".

17. VIỆT NAM: "Chỗ nào có oánh nhau, tao bày tỏ quan ngại sâu sắc. Còn thằng nào oánh tao, tao tuyên bố chủ quyền, tao cắt điện luân phiên, sau đó tao... cực lực lên án!".

@Nguồn: nhân dân ;-)

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

VỀ QUÊ NGOẠI - ĐỒNG THÁP!

Mình rất thích đi miền tây, không có lý do gì cụ thể, chỉ đơn giản là thích. Mình thích giọng nói, phong cách của người dân vùng sông nước này.
1.
10g sáng, xe tới nhà ông Tư, như đã báo trước, ông Tư đã "ăng tê ni" lịch sự, ngồi chờ ba mẹ mình tới rước. Mấy dì mấy cậu được báo có anh chị năm trên sài gòn về thăm, ai cũng mừng, cũng tranh thủ ghé qua chào 1 tiếng. Rồi rủ nhau cùng đi xuống nhà ông ngoại cho vui. Thế là cái xe 7 chỗ chật cứng, vậy mà ai cũng tươi cười, nói chuyện rôm rả.
2.
Nhà cậu Bảy mới xây rất rộng rãi, có 1 cái sân to đùng, xe chạy một hơi thẳng vô nhà luôn. Úi trời, bà con đông rần rần, vui hết biết, cô dì cậu mợ chạy ra đón, nắm tay cười hỏi thăm, mình với ox gật đầu muốn xái cổ mà có khi còn không nhớ là ai (hì hì).
3.
Vợ chồng mình phát huy tối đa khả năng xã giao và "ăn chực". ha ha. Mà làm giá lắm nhe, phải mời mọc dụ dỗ lắm mới chịu à, chớ ko phải chơi đâu. Anh Sol dụ "2 đứa qua nhà anh chơi đi, nhà anh bên cồn gần xịt, qua đi anh cho 2 đứa bây con cá đẹp lắm nhe, người ta trả anh mấy triệu mà anh không bán đó, qua chơi tí dìa anh chở cho thùng xoài nữa (dụ khị ghê chưa - 2 thằng làm bộ ỏng eo vài câu rồi cũng chôm xe dọt qua nhà anh). Thiệt là không đi thì rất uống. Nhà anh mới xây lại, to đẹp và mát nữa. Chị Thu vợ anh cũng rất thiệt tình, kêu vô nhà uống nước dừa, gọt đu đủ cho ăn, kêu anh hái xoài, dẫn mấy em ra sau vườn chơi, coi cá... túm lại là nhiệt tình hết chỗ chê. Mình thấy cây xoài có trái to quá, chép miệng:" trời, trái xoài đã ghê, phải đem dìa cho tụi kia dòm lé mắt hé". 3 giây sau là trái xoài trong tay anh sol liền. Ông xã la" trời, nó chưa có già mà anh". Kệ, sắp ăn được rồi, lâu lâu 2 đứa dìa, thích thì hái. (khoái ghê chưa).
4.
Dượng Sỹ hay tin anh chị Năm dìa, dặn tối qua nhà ăn cơm nhe, dượng nấu. Trời ơi, dượng làm mâm cơm ê hề, canh chua lươn với cá khô. Ta nói, ngon gì đâu. Rồi lại dụ:" mai 2 đứa bây ra ruộng dượng chơi, tao cho cái cần câu cá mỏi tay, trái cây đầy, tha hồ hái". Ông lưu nghe nói có cá là mắt sáng như sao. Gật đầu cái rụp liền.
Nhưng sáng ra, ba mẹ đổi ý, qua Vĩnh Hưng thăm cho biết nhà chị Mai Trinh, đành xin lỗi dượng. Dượng cũng buồn chút, rồi cũng chạy xe qua khách sạn từ giã anh chị Năm. Nhờ dượng qua khách sạn, mà mình biết ông dượng mình cũng có số có má dữ.
Vừa vô nhà hàng ngồi, ổng ngoắc em phục vụ tới rồi hỏi tỉnh queo "ê, thằng Bằng giám đốc mày còn làm không con, kêu nó chút xuống nhà tao nhậu he". Con bé phục vụ sượng trân mà ráng dạ dạ.
Ngồi một chập, lại có 1 ông đi qua, dượng gọi "chiều qua nhà tao nhe mậy, tao chờ". Ông kia gật xong, dượng nói "thằng đó giám đốc cty xăng Mỹ an đó, nhậu thiếu tiền tao hoài". Sợ chưa.
5.
Đường qua Vĩnh Hưng khá xa, trời nắng, mẹ muốn uống nước mía. Xe dừng bên lề mua nước mía. Mình dặn dì bán lấy ít đá thôi nhe dì, bà gật rồi quay ra nói với con "lấy ít đá thôi, dân thành phố hông uống nhiều đá nghe mậy". Cái từ dân thành phố nghe mắc cười quá trời.
6.
Nhà chị ngay thị xã, cũng to và đẹp. Trang thiết bị nội thất đủ, từ máy lạnh, tivi màn hình phẳng đến máy giặt. Y chang khách sạn. Sướng quá. Lại được đãi 1 trận hoành tráng. No ngắt ngư.
7.
Tổng cộng 3 ngày về quê, không tốn đồng nào đi ăn, toàn ăn chực từ nhà này qua nhà khác, vậy mà từ chối không hết đó chứ. Dù nhà nghèo hay giàu, nhà nào cũng hiếu khách, thậm chí không rõ bà con cũng được mời ăn rất nhiệt tình. Như hôm về qua nhà dì Sắc, mình đâu biết bà con ra sao, thấy ba mẹ với mấy dì nói chuyện nhà trên, mình với ông xã lỉnh xuống nhà dưới. Nhà bếp là cái nhà sàn, bên dưới là đầm sen, đẹp và mát rượi. Thấy có một em đang dọn cơm, bữa cơm rất đạm bạn, chỉ có khô sặc chiên ăn với gỏi bắp chuối. Vợ chồng mình xuống, thấy em có vẻ gượng, nhưng vốn tính xởi lở, ông xã mình nói liền
- trời đầm sen đẹp quá, cơm khô coi bộ ngon à. Em tên gì?
- Dạ tên Vân, anh chị trên sài gòn xuống hả, ăn cơm với em luôn nhe
- Ừa, vậy anh không khách sáo à, cho 2 cái chén nữa đi em
- mà mình bà con sao, anh chị biết hông?
- chị không biết nữa, mẹ chị nói vô thăm dì Sắc, bọn chị đi theo à
- Vậy hả, em cũng ko biết mình bà con sao nữa, nhưng cứ ăn cơm rồi tính chị hé.
Vậy là có bữa cơm, đơn giản nhưng rất ngon.
Miền tây thú vị lắm!!!

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

CON THẮM, CON BÀ TƯ BÁNH TẰM!

Tôi là con Thắm, con Bà Tư bánh tằm…

Thứ Năm, 04/04/2013 07:47

Chẳng biết chính xác từ khi nào, tôi bắt đầu mắc cỡ khi nghe người ta gọi mình là “con Thắm, con Bà Tư bánh tằm”. Năm đó tôi học lớp 8 trường xã, đã có mấy thằng bạn trong lớp để ý và bạn bè ghép đôi. Tôi nói với má: “Từ giờ trở đi, má đừng bán ở trường con nữa, tụi bạn cứ ghẹo con hoài”.

Nghe tôi nói vậy, mặt má buồn hiu: “Vậy rồi con ăn cái gì?”. Thường ngày má vẫn để dành cho tôi một dĩa bánh thật đầy, giờ ra chơi tôi sẽ chạy ù ra ăn. Hôm nào ngán thì tôi xin tiền má để mua bánh mì hay bánh lọt mặn. “Bánh của má có nước cốt dừa, ngán muốn chết. Thôi, con không ăn nữa đâu”- tôi vùng vằng.
Không bán ở trường, má tôi phải đẩy xe bánh tằm qua tận bên xóm Nhà Thờ rất xa. Tuy vậy có nhiều hôm bán ế, má ăn bánh tằm, nhường cơm cho anh em tôi. Anh hai thương má, cũng nhất quyết đòi ăn bánh tằm. Còn tôi thì vừa nhìn đĩa bánh, vừa lắc đầu rùng mình: “Con thấy bánh tằm là ngán tới óc o”.
Má không nói gì, chỉ lẳng lặng chan nước mắm, lùa vội mấy cọng bánh tằm rồi đi dọn dẹp, ngâm bột, khìa thịt, xắt bì… Anh hai lườm tôi: “Mày ngán thì tao không biết ngán chắc? Nói mà không sợ má buồn. Đồ dở hơi”. Tôi sửng cồ: “Ngán thì nói ngán, mắc gì không được nói? Anh mới là đồ dở hơi!”.
Tôi nói vậy rồi bưng chén cơm bỏ ra hàng ba.
Ba mất khi tôi mới 2 tuổi. Nhà nội nghèo nên má dắt anh em tôi trôi dạt từ Châu Đốc xuống Bạc Liêu. Má học được cách làm món bánh tằm bì và nuôi anh em tôi khôn lớn bằng thứ bánh đơn sơ ấy. Tôi nhớ có lần má nói: “Tụi con ráng học để sau này có cái nghề mà sống sung sướng tấm thân. Thấy con ông Ba không? Toàn kỹ sư, bác sĩ…”.
Anh hai thương má nên học rất giỏi, năm nào cũng lãnh thưởng. Còn tôi thì thất thường, lúc được lúc không. Thế nhưng học xong lớp 12, anh hai nhất quyết nghỉ học, trốn ra thị xã đi làm phụ hồ để kiếm tiền phụ má. Biết tin, má giận lắm. Một bữa, tôi chuẩn bị đi học thì má bảo: “Cơm nước má nấu sẵn rồi, đi học về thì dọn ăn rồi học bài. Má đi kiếm anh hai”.
Nói rồi má tất tả xách cái nón lá đi bộ ra chợ để đón xe lên thị xã. Tôi thắc mắc không biết làm sao mà má tìm được anh hai giữa nơi đông đúc, xô bồ ấy nhưng không kịp hỏi. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy cái dáng tảo tần của má. Chuyến xe lam về thị xã hôm ấy bị lật vì chở quá đông. Trong số 2 người bị thương nặng nhất và không qua khỏi có má tôi.
Hôm đó, tôi chờ tới chiều, tới tối mà không thấy má về, trong bụng đã lo. Tới khuya thì anh hai đưa má về. Có nhiều người quen ở xã cùng đi với anh. Khi biết má gặp nạn và không trở về nữa, tôi đã ngất đi. Còn anh hai tôi thì mắt đỏ ngầu dù tôi không hề thấy anh khóc.
Lo cho má xong xuôi, một bữa tôi đi học về không thấy anh hai đâu thì cuống cuồng đi tìm. Với tôi bây giờ, nỗi sợ hãi lớn nhất là anh hai lại bỏ đi. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tôi tìm thấy anh hai đang gục đầu trên mộ má. Anh khóc thành tiếng, khóc rất to. Tôi cũng vậy. Vừa khóc anh vừa nói, giọng khàn đặc: “Tại anh mà má mới chết…”. Tôi không biết nói gì nhưng trong bụng cũng thầm trách anh. Giá như anh đừng nghỉ học trốn ra thị xã thì má đâu có đi tìm để rồi không về nữa…
Mấy hôm sau, anh hai tôi dựng cái chòi nhỏ ở chợ xã. Anh lần mò bắt chước má làm bánh tằm bì để bán. Bánh anh hai làm lúc đầu không ngon lắm nhưng bà con thương nên rất đắt hàng. Dần dần, tay nghề của anh được nâng lên. Khi tôi học cấp ba rồi lên Cần Thơ học đại học thì anh cũng ra thị xã mở quán bánh tằm bì. Rồi anh cưới vợ. Lâu lâu anh lại làm bánh tằm bì mang lên ký túc xá cho tôi đãi bạn bè. Từ khi má mất, đĩa bánh tằm bì nào của tôi cũng chan đầy nước mắt…
Tôi đã đi nhiều nơi, chỗ nào có bánh tằm bì tôi cũng ăn thử để so sánh với bánh của má và anh hai. Thật tình, tôi không thấy ai làm bánh ngon như má. Bánh tằm của má làm bằng bột gạo. Hồi trước anh hai chuyên trị bị má bắt xay bột. Tôi nhớ má cột cái bao bồng bột ở miệng cái cối đá để hứng bột chảy ra; xay xong thì cột miệng bao lại thật chặt rồi lấy cái cối dằn lên cho nước chảy ra bớt. Sau đó má khuấy bột rồi đổ vô khuôn ép cho ra những sợi bánh dài, to hơn cọng bún một chút. Xong xuôi má cho bánh vô xửng hấp chín rồi để nguội. Bánh tằm của má dai dai, giòn giòn, thơm thơm; nhai lâu cứ ngọt lịm trong miệng…
Bì má làm cũng không giống ai. Má chọn một nửa thịt đùi, một nửa ba rọi ướp cho thật thấm mới khìa nước dừa xiêm rồi xắt sợi. Da heo má cũng mua về tự tay luộc, xắt… Hồi tôi còn nhỏ, má hay nhờ tôi ra lò heo của bác tư cuối xóm để lấy da heo về làm bì; lớn hơn một chút, tôi mắc cỡ không chịu đi nên anh hai phải “bao thầu” luôn. Có lần anh bực mình cốc vô đầu tôi đau điếng: “Cái thứ làm biếng như mày mai mốt bốc đất mà ăn”. Tôi vênh mặt: “Mai mốt em làm bác sĩ, tới chừng đó anh đừng có nhờ em chữa bệnh nghen”. Anh hai “xì”một cái: “Bản mặt mày giỏi lắm là bán bánh tằm bì chớ làm bác sĩ ai mà dám đưa cho mày chữa bệnh? Đồ làm biếng”.
Tôi công nhận mình làm biếng thật vì tôi nghĩ có má và anh hai lo hết mọi chuyện rồi. Tới chừng những người ấy không có bên cạnh, tôi mới thấy hụt hẫng. Tôi nhớ có lần, má kêu tôi xuống bếp: “Xuống đây má chỉ cho làm nước mắm nè. Con gái, con đứa ít ra cũng phải biết làm chén nước mắm cho ngon…”. Tôi viện cớ mắc học bài nên không chịu xuống cho má dạy.
Nhưng phải công nhận là nước mắm má làm để chan bánh tằm bì hoặc ăn cơm tấm thì ngon tuyệt. Tỏi ớt má đâm nhuyễn chứ không bằm, nước dừa tươi má nấu cho kẹo lại chứ không dùng nước sôi để nguội pha nước mắm như nhiều người vẫn làm. Vì vậy mà nước mắm của má sền sệt chứ không lỏng bỏng.
Cả nước cốt dừa để chan vô bánh tằm má cũng chăm chút thật kỹ: hành tăm xắt thật nhuyễn, nêm nếm vừa ăn, không đặc cũng không lỏng quá, sao cho mỗi đĩa bánh tằm chỉ cần chan một muỗng nhỏ là đủ. Hồi má mới bán bánh tằm bì, tôi rất thích chan nước cốt dừa vô cơm để ăn. Không biết có phải do ăn nhiều quá mà lớn lên một chút thì tôi lại thấy ngán…
Tôi đã lớn lên bằng những dĩa bánh tằm bì của má và anh hai. Giờ đây tôi đã trở thành bác sĩ như má hằng mong muốn nhưng trong lòng tôi chưa bao giờ vơi đi những niềm ân hận. Năm nào về đám giỗ tôi cũng ngồi thật lâu bên mộ má để thầm thì những lời mà khi còn sống, má chưa bao giờ được nghe…
Tôi nhớ dáng má thập thò trước cổng trường chờ giờ ra chơi để đem bánh tằm cho tôi ăn sáng; tôi nhớ những bước chân rón rén dù má phải nhấc cái càng xe lên để không gây ra tiếng động làm mất giấc ngủ của tôi mỗi sáng sớm; tôi nhớ những ngày mưa dầm bán ế, má ăn bánh tằm thay cơm…
Giờ đây, có nhiều hôm tôi bỗng thấy thèm quay quắt những cọng bánh tằm của má, thèm nghe tiếng má từ dưới bếp vọng lên nhắc tôi đi ngủ, thèm được má sai đi xuống xóm dưới lấy da heo về cho má làm bì…
Và tôi thèm được nghe người ta gọi tôi là “Con Thắm, con Bà Tư bánh tằm!”…
Đối với tôi, giờ đây đó là điều đáng tự hào nhất…
Hồng Thắm
Đây là bài viết chân thành nhất mà tôi từng đọc.