Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

CÒN ĐI MỸ LÀM GÌ NỮA !

Đọc để thất vọng về nước Mỹ

Tôi có thời gian qua Mỹ khá lâu. Và nói thật đến giờ này tôi vẫn còn thấy hối hận vì sự lựa chọn đó! Truyền thông phương Tây đã khiến chúng ta mê muội rằng Hoa Kỳ là một xứ sở hiện đại ! Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách tới được cái xứ sở siêu cường đó.
Nhưng than ôi những gì tôi chứng kiến là rất đáng thất vọng !
1. Công nghiệp
Nước Mỹ thật ra chỉ là một làng quê khổng lồ chậm phát triển !
Hồi trung học, chúng ta đã được dạy rằng, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu thì môi trường càng bị xâm hại bấy nhiêu.
Chúng ta biết rằng một thành phố công nghiệp tất phải có nhiều ống khói,nhiều nhà máy và khói bụi khắp nơi. Đó là biểu tượng của sự công nghiệp hóa ! Thế mà ở tại xứ Cờ Hoa này, tịnh không có một cái ống khói nào ! Họa hoằn lắm mới thấy một vài cái nhỏ tí ti để trang trí nhà cửa thôi !
Và ở Mỹ bạn cũng chỉ thấy toàn sông hồ trong sạch thôi. Chả tìm đâu ra những nhà máy giấy, nhà máy luyện thép bên bờ sông ! Không khí trong lành thanh khiết này là dấu hiệu của một xã hội sơ khai chứ gì nữa ! Chả có dấu vết gì của công nghiệp hóa cả !
2. Kinh tế
Người Mỹ hầu như không biết làm kinh tế ! Bạn biết đấy, nước họ có cơ man nào là xa lộ tỏa đi mọi hướng, vươn đến mọi làng mạc xa xôi, thế mà tịnh không thấy một trạm thu phí nào ! Thế là mất toi cả núi vàng!
Ước gì tôi có thể xây dựng vài cái trạm thu phí nhỉ ! Chắc chắn non tháng đã gom đủ tiền mua được cả tòa lâu đài trông ra Đại Tây Dương ấy chứ !
Hai bên xa lộ còn những cụm hồ hoang sơ tĩnh lặng. Thế mà chính quyền cứ để mặc cho lũ chim trời cá nước thỏa sức vẫy vùng, không nghĩ đến việc xây dựng vườn cảnh để thu lợi. Người Mỹ rõ ràng là không có đầu óc kinh tế tí tẹo nào !
3. Xây dựng
Trình độ xây dựng của người Mỹ còn sơ khai lắm.Ngoài một số ít tòa nhà chọc trời tại các thành phố lớn, tôi dám chắc bạn rất ít gặp những công trình bê tông ở nước Mỹ. Nhà của người Mỹ thường làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu khác.
Thử nghĩ mà xem, đến giờ này mà gỗ vẫn còn được dùng để xây dựng nhà cửa, thì có thể nói là trình độ kiến trúc của ngoại bang này còn thua xa trình độ của triều đại nhà Thanh xưa kia ấy chứ !
4. Văn hóa
Người Mỹ có cách suy nghĩ thật là lạc hậu và khờ khạo.
Hồi mới tới Mỹ, tôi thuê một xe chở hành lý giá 3 đô la. Nhưng tôi lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ liền trả dùm tôi 3 đô la đó, và thấy tôi lỉnh kỉnh đồ đạc nên còn giúp mang lên xe nữa ! Người Mỹ cũng luôn sẵn sàng mở cửa giúp tôi và hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không ? Thế đấy !
Ở nước ta, mấy chuyện này chỉ có vào thời Lôi Phong tức là vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước thôi - còn bây giờ lối cư xử đó quá ư lạc hậu. ( Lôi Phong là một thanh niên mà thời Mao thường nhắc tới như một tấm gương về đạo đức).
Hồi đó người ta chuộng lối sống “ đạo đức giả ”nhưng bây giờ chúng ta không như vậy nữa. Bây giờ chúng ta nên sống thực dụng trần trụi, đó mới là hiện đại chứ ! Tư duy của người Mỹ lạc hậu hơn chúng ta hàng mấy thập kỷ, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có thể bắt kịp chúng ta cả !
5. Ẩm thực
Người Mỹ làm như không biết thưởng thức thịt thú rừng.
Một đêm nọ, tôi cùng các bạn cùng lớp lái xe đi đến một thành phố khác, thình lình có mấy con nai nhảy xổ ra. Anh bạn tôi lập tức thắng lại và bẻ sang hướng khác để tránh. Ai cũng biết tai nạn loại này có thể làm hỏng cả chiếc xe. Thế mà chính quyền đành bó tay không biết phải xử lý tụi thú hoang này như thế nào cơ đấy !
Người Mỹ làm như cũng không biết ăn thịt thú rừng, thậm chí không có nhà hàng nào bán thịt thú rừng, họ chả thiết đến loại thịt thú rừng thơm ngon bổ như hươu nai, và cũng chả thiết lấy sừng bọn thú này để kiếm bộn tiền ! Người Mỹ vẫn sống cùng những con thú hoang dã đó, thậm chí còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Quả thật đó là một xã hội còn quá sơ khai !
6. Phong cách
Người Mỹ làm như không biết tự trọng !
Các giáo sư Mỹ không quan tâm nhiều đến bề ngoài , họ không hề có cái gọi là phong thái bác học. Giáo sư D chẳng hạn, là một giáo sư tâm lý học cực kỳ nổi tiếng thế mà giờ nghỉ ông ấy cũng thường ăn bánh bích quy với sinh viên trong văn phòng của mình, và bàn tán xôm tụ với họ về bộ phim 21, hay về minh tinh Trung Quốc Chương Tử Di ! Ông cũng không có phong cách uy nghi của một nhà bác học, và điều đó làm tôi thất vọng ghê gớm !
Các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cũng không bao giờ ghi hai chữ PhD. lên danh thiếp của mình. Họ thậm chí cũng không biết cách thể hiện vị thế của mình. Thành ra những người học những ông thầy như vậy nếu trở thành những quan chức thì làm sao biết cách đi đứng nói năng cho đúng bộ lệ đây !
Còn ở Trung Quốc, giờ đây các công chức dường như rất biết cách để thu hút sự kính trọng của dân chúng, thậm chí đến cả vị giám đốc của một cơ quan tầm tầm ở Trung Quốc có khi còn uy thế hơn cả Tổng Thống Mỹ cơ đấy ! Một công dân hạng ba của Trung Quốc có khi còn xa một công dân hạng nhất của Mỹ là vậy !
7. Học đường
Học sinh tiểu học Mỹ chả có lý tưởng cao xa gì sất.
Chúng không hề có ý định đi học để trở thành ông này bà nọ trong chính quyền! Không hề có học đường nào dành cho chủ tịch, bí thư, ủy viên tương lai, như tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ ở quê nhà. Các em không có bài tập về nhà. Bài tập về nhà kiểu như các học sinh như các học sinh Trung Quốc là khá xa lạ ở Mỹ.
Trường học ở Mỹ chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở nên những công dân có đủ tư cách , sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư ? Một quan niệm nghe mới cổ hủ làm sao !
8. Y tế
Người Mỹ làm lớn chuyện một cách kỳ cục khi có bệnh.
Đầu tiên họ đi bác sĩ khám bệnh, rồi bác sĩ kê toa. Rồi cầm toa đó đi mua thuốc, mua xong còn phải nghe dược sĩ hướng dẫn sử dụng …ôi chao mọi việc chẳng thể nhanh gọn như ở Trung Quốc …Tôi chả hiểu tại sao ở Mỹ lại phân biệt việc khám bệnh với việc bán thuốc … mà lẽ ra nên tách rời lợi nhuận với trách nhiệm !
Rõ ràng là các bệnh viện ở Hoa Kỳ không biết kiếm tiền mà ! Sao lại phải nói tên thuốc cho bệnh nhân biết chứ ? … chỉ có như vậy họ mới độc quyền bán thuốc với giá cao gấp cả chục lần cơ mà ! Có quá nhiều cơ hội làm ăn béo bở thế mà họ không biết khai thác , rõ ràng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở Mỹ chết rồi
9.Báo chí
Ý kiến của công chúng Mỹ thật chả ra làm sao !
Đôi khi tôi hoàn toàn mất kiên nhẫn với sự ngu dốt và khờ khạo của người Mỹ . Chẳng hạn khi họ biết Trung Quốc có đài truyền hình và báo chí, họ đã hỏi tôi một câu ngu dốt như thế này : Hóa ra Trung Quốc cũng có báo chí à ? Nghe mà bực !
Chúng ta có những tờ báo tiếng Trung được Bộ Truyền Thông cho phép ấn hành sau khi đã rà soát một cách cẩn mật đấy chứ . Báo của chúng ta toàn là những bài ca tụng lên mây cả, có đâu như báo Mỹ, công chúng đóng góp phê bình loạn cả lên, thậm chí còn dám “ chưởi ” cả tổng thống nữa cơ đấy!
Báo chí chúng ta đâu có chuyện công khai mấy vụ bê bối của quan chức, bởi nếu cứ tung hê lên thì sau này ai mà muốn làm lãnh đạo nữa chứ !
10. Tâm linh
Người Mỹ có đời sống tinh thần hết sức vô vị nhạt nhẽo.
Tôi chả hiểu tại sao trước mỗi bữa ăn họ lại lẩm bẩm mấy câu thánh nghe hết sức khờ khạo : Cầu Chúa phù hộ nước Mỹ.
Thật là buồn cười quá đi : Nếu Chúa phù hộ nước Mỹ thì làm sao lại để nước Mỹ lạc hậu, sơ khai, đơn giản đến thế này ? Cầu Chúa có ich lợi gì chứ ? Thực tế nhất là bạn nên dành thời gian đó để đi lễ thủ trưởng !
Đó mới đúng là hiện đại chứ lỵ !
11. Lối sống
Người Mỹ chả có khái niệm về thời gian .
Bất luận chuyện lớn chuyện nhỏ, người Mỹ đều ngoan ngoản đứng vào hàng chờ đợi … Còn người Trung Quốc chúng ta – như bạn biết đấy - khôn hơn nhiều !
Bất kể đám đông như thế nào, chúng ta vẫn có kỹ năng chen lấn, điều này giúp tiết kiệm thời gian, và tránh được sự mệt mõi khi đứng chờ ! Nếu ai đó biết đi cổng sau thì kết quả tiết kiệm thời gian còn tuyệt hơn nữa.
Thế mà những người Mỹ lẩm cẩm lại không biết đến những điều hay ho đó cơ chứ !
12. Mua bán
Những cửa hàng ở Mỹ có một phong cách buôn bán hết sức vô lý : bạn có thể trả lại hàng vài tuần sau khi mua về mà thậm chí cũng không cần nêu lý do. Ở ta thì làm gì có chuyện cho đổi hàng mà không hò hét quát tháo nhau ra trò chứ !
13. An toàn
Nước Mỹ không an toàn ! Tôi nói điều này bởi có tới 95 % nhà dân không cần tới lưới chống trộm, và điều kỳ lạ này nữa là : chả biết mấy tên trộm đi đâu hết rồi nhỉ ?
14. Giao thông
Người Mỹ sao mà nhút nhát và yếu đuối quá vậy không biết !
Tôi nói điều này cũng bởi có tới 95 % tài xế không dám vượt đèn đỏ !'
Và mặc dầu 99 % dân Mỹ có xe hơi, vậy mà cách lái xe của họ thật lạ : bao nhiêu là xe cộ lưu thông nhưng không mấy khi nghe tiếng còi xe, phố xá vì thế vắng lặng đến nỗi cứ ngỡ không phải là phố xá nữa, làm sao mà bì được phố xá ồn ào náo nhiệt ở Trung Quốc cơ chứ !
15. Tình cảm
Người Mỹ rất là thiếu cảm xúc .
Có tới 95 % nhân viên không nghĩ tới việc phải làm gì cho tiệc cưới của sếp, họ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm ra lý do để chăm sóc sếp của mình. Ở Trung Quốc liệu có ai điên đến mức bỏ qua cơ hội chăm sóc sếp của mình không? Nói cách khác, có ai dám làm điều đó không ? Hãy xem, người Trung Quốc chúng ta có biết bao nhiêu là tình thương mến thương với lãnh đạo !
16. Nhạy bén
Người Mỹ không nhạy bén chút nào !
99% người Mỹ đi học, đi làm , thăng quan tiến chức, mà không hề biết sự cần thiết của “ phong bì ” để có thể mở ra một cánh cửa ..sau ! 
Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

LÊ HOÀNG VIẾT VỀ TRẤN THÀNH!

Sác lơ Thành
Đôi khi trong cuộc đời, có những phút suy tư pha tuyệt vọng bạn nhìn Hoài Linh, nhìn Thanh Bạch, nhìn Đàm Vĩnh Hưng, và có thể mắt nhắm mắt mở, nhìn Lê Hoàng, bạn thở dài, chép miệng và nghĩ bụng “lấy đâu ra những quái kiệt như thế nữa?”.
Nói như thế là do bạn chưa gặp Trấn Thành. Bảo Trấn Thành là tia chớp trong màn đêm đen kịt thì hơi quá (mặc dù da anh rất trắng). Nhưng gọi là luồng hào quang chói lọi giữa trưa hè thật chả sai tí nào. Tôi chưa biết Thành là con nhà ai, ở đâu, tài sản, dòng dõi và gia thế ra sao. Tôi cũng chả biết chàng đạo đức nhiều hay ít (bởi có lẽ chính đạo đức của bản thân mình tôi còn chưa rõ) nhưng tôi xin thề trước cây cổ thụ thiêng liêng là tương lai Trấn Thành sẽ trở thành một nghệ sĩ vô cùng nổi tiếng.
Mà nổi tiếng hôm nay chắc chắn sẽ đi với giàu có. Tôi cứ tưởng tượng ra cảnh này mà sướng đến tê dại: năm chục năm nữa, khi Lê Hoàng đã già, trở nên nghèo khó, lảo đảo đi bộ tới dinh Trấn Thành để vay tiền. Thành không tiếp, nhưng nhớ tới tình xưa, sai người mang ra mười ký gạo, một cặp bánh chưng, một chai rượu vang Đà Lạt và một bức thư “Hoàng thân, em bận không ra được, nhưng vẫn nhớ điểm 6 anh cho em hồi thi ‘Cặp đôi hoàn hảo’. Biếu anh chút gạo nấu cháo. Về khỏe nghe anh. Bao giờ rảnh anh ghé. Sác lơ Thành - người kế nghiệp Charles Chaplin”. Cứ nghĩ tới lúc được nhận quà và thư như vậy là đủ hạnh phúc cả đời.
Cho đến phút này, Thành rõ ràng là một nghệ sĩ tổng hợp. Về nghệ thuật, anh có giọng hát của Tuấn Hưng, có vẻ hài hước của Hoài Linh, có sự nhanh nhẹn của Thanh Bạch và có độ sâu sắc của Thành Lộc, độ uyển chuyển của Đại Nghĩa, độ nhí nhảnh của Xuân Mai. Về ngoại hình, Thành có nước da trắng như bông bưởi của Minh Hằng, có đôi môi đỏ của Mai Phương Thúy, có cặp chân thon của MiDu, có đôi mắt ướt của Mỹ Tâm, có vẻ xông pha của Công Vinh và có mái tóc đầu đinh của Lưu Đức Hòa.
Nếu hẹn gặp Trấn Thành chỉ mười lăm phút, bạn sẽ phải về nhà, nằm vật ra nghỉ như vừa cuốc đất một ngày. Bởi tiếp xúc với anh rất mệt. Thành cử động liên tục, vừa nhảy như con châu chấu lại vừa bay nhào xuống như con đại bàng, khiến chung quanh cứ sôi lên sùng sục.
Điều vô cùng chắc chắn là Thành thông minh. Anh có khả năng ứng biến trong một phần ngàn giây. Mọi ngôn ngữ, mọi cử chỉ của anh đều tuôn ra một cách tự nhiên, trôi chảy cứ như đã luyện tập kỹ mặc dù Thành chả tập bao giờ.
Điều khủng khiếp nhất là Thành còn quá trẻ. Ở tuổi anh, phần lớn các vĩ nhân còn đang hoang mang với câu hỏi “tồn tại hay nhìn đứa khác tồn tại” thì Thành đã đóng đinh vào xã hội những dấu ấn khó thể phai mờ. Con đường của Thành chắc chắn sẽ như sau:
10 tuổi Trèo me, hái trộm dưa, ăn vụng kẹo.
12 tuổi Trèo vào rạp hát, bẻ trộm hoa nhà hàng xóm.
13 tuổi Cướp heo quay ở chùa.
14 tuổi Xem trộm băng đĩa lậu.
15 tuổi Tự đóng giả Quan Công và Châu Nhuận Phát
16 tuổi Xem cuốn sách đầu tiên. Xem trang cuối trước.
17 tuổi Thi vào trường sân khấu, khiến một số giáo viên bỏ nghề.
17 tuổi rưỡi Ra khỏi trường sân khấu vì đã học xong.   
Đóng vai quần chúng đầu tiên, không có tiền, chỉ có cơm trưa.
18 tuổi Trở thành MC với mức thù lao 50 triệu/sô.
19 tuổi Đậu thủ khoa “Cặp đôi hoàn hảo” dù bị giám khảo Lê Hoàng chèn ép. Lĩnh 200 triệu mang tặng ông thầy bói mù ở đầu hẻm.
20 tuổi Tài tử xinê hạng nhất. Cát sê 1 tỷ đồng 1 tập.
21 tuổi Mua căn biệt thự thứ hai. Căn thứ nhất quên không ở.
21 tuổi rưỡi Mua xe Rolls-Royce để má đi chợ.
22 tuổi Sang Mỹ theo lời cầu cạnh của Thành Long.
22 tuổi rưỡi Về Việt Nam bỏ ra 100 tỷ làm phim “Trấn  Thành và nghệ thuật đương đại”. Mời Brad Pitt thủ vai chính. Tất cả khán giả vào xem đều được tặng 100 đô. Chiếu vào dịp Tết khiến mọi phim khác phải cất trong kho.
23 tuổi Cưới Britney Spears sau khi ly dị Chương Tử Di.
24 tuổi Có tượng toàn thân bằng sáp trong bảo tàng nước Anh - tượng mặc đồ tắm đầu tiên trên thế giới.
25 tuổi Đi tu vì nhận ra danh vọng và tiền bạc là giả dối.  
Viết sách. Ăn chay. Nuôi chim, nuôi mèo.
Tôi có thể lấy đầu ra để đảm bảo con đường của Trấn Thành đi sẽ như vậy, không thể khác.
Điều đáng quý ở Trấn Thành là cho tới phút này, khi chỉ còn cách vinh quang vài tuần, anh cũng chưa mắc bệnh ngôi sao. Chỉ có điều, nếu bạn hẹn gặp chàng lúc 8 giờ, thì từ 5 giờ trở đi, cứ mười lăm phút bạn phải điện thoại nhắc một lần, vì Thành rất hay quên. Phần lớn tiền cát sê hiện nay Thành dùng để thuê người nhắc lịch làm việc cho mình!
Bài: Lê Hoàng

LÀM NHÀ VĂN!

Vậy là bài viết đã được duyệt và đăng trên trang này:
http://www.truyenngan.com.vn/truyen-ngan/truyen-ngan-gia-dinh/2369-bien-lang.html
Vui quá!

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

18/3/2013

Tôi luôn có dự kiến sẽ viết một cái gì đó hấp dẫn vào ngày này - ngày cưới của chúng tôi. Nhưng năm nay không có gì đặc biệt. Sáng, tôi nhắn cho anh 1 tin nhắn:
- Thêm một năm nữa chúng ta sống bên nhau, bi kịch quá
Lập tức có trả lời:
-Yên tâm, còn cãi nhau cả đời, bà xã
Thật ra thì tôi không nhớ ngày cưới đâu, toàn anh nhớ và nhắc tôi thôi. Tôi cũng không mong được quà cáp gì cả, chỉ cần bình yên.
Chiều anh mang về cho tôi 1 tô bánh canh cá do má nấu, rất ngon và toàn cá (cá sông do anh câu được).
- Em đói chưa?
- Đói, ox
- Tắm đi, anh nấu cho em ăn
- ok
Tắm xong thì tô bánh canh ngút khói cũng dọn ra, tôi ăn cùng con gái, còn anh thì ngồi bóp vai cho tôi
- Ngon hông bx, cá anh câu đó, gần 2 kg nhe, anh giỏi hông?!
- Ừa, anh giỏi rồi.
- Hè hè...
Chỉ có vậy, thấy hạnh phúc thật giản đơn!

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

NHẬT KÍ CỦA MỘT THANH NIÊN MỚI LÀM CHỒNG ! - lại là hàng chôm!

Đọc xong lăn ra ... chết :"))
 
Em thân yêu...
Anh viết thư này cho em để kỷ niệm một năm ngày chúng ta chung sống. Với tất cả lòng chân thành và biết ơn sâu sắc, em hãy tin rằng đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất của đời anh. Thế nhưng ai cũng biết, cuộc đời có nhiều khía cạnh và nói được đầy đủ các khía cạnh đó là điều tuyệt vọng. Vậy nên anh chỉ nhấn mạnh đến lĩnh vực mà anh thích nhất, thành thạo nhất và em giỏi nhất: Chế tạo các món ăn!
Anh thấy mình phải có trách nhiệm, có vinh dự phát biểu rằng trong lĩnh vực nấu ăn, em là một nghệ sỹ thực sự. Khả năng cao nhất của nghệ sỹ là sáng tạo và tìm tòi, mà em thì có một sức sáng tạo, pha trộn và ngẫu hứng tới vô biên.
Ngay buổi sáng đầu tiên sau đêm tân hôn, anh được hiểu rằng cháo và cơm thực ra không có ranh giới.
Món, hay còn gọi "cái em múc ra từ nồi" là cháo, cơm hay súp đều được cả. Nó đều có độ hạt, độ nhão và độ dính giống như nhau.
Để ăn với thứ dinh dưỡng "lai tạo" ấy, em đưa ra một đĩa thịt kho mà màu sắc làm cho đêm đen cũng phải ghen tỵ. Nói về cách thái, đá tảng cũng còn chào thua, về độ cứng, gạch còn kém xa. Và đặc biệt là độ mặn, cứ cắn một miếng thịt cần uống 2 lít nước. Món thịt kho đó bùng nổ đến nỗi nếu bọn khủng bố mang được lên máy bay, anh tin hành khách sẽ lâm nguy.
Em thân yêu...
Anh đã biết trước là khi chung sống với em, cái nỗi ngạc nhiên sẽ kéo dài vô tận. Quả không sai!
Sau thịt, món canh của em cũng vượt lên chính mình. Đấy là lần đầu tiên trong đời anh ăn canh ruột cá nấu với nấm, với thịt băm, với rau muống. Đó là ba thứ anh nhận ra được, nhưng còn ba mươi thứ khác có hình thức và hương vị bí ẩn đến nỗi anh vừa đưa lên mồm, vừa tự hỏi rằng đâu là giới hạn chịu đựng của con người và đâu là khái niệm về dinh dưỡng tổng hợp.
Anh chỉ muốn nhấn mạnh, sau khi dùng hết một bát canh như thế, từ nay anh không còn sợ bất cứ kẻ thù nào.
Thế nhưng, hạnh phúc rõ ràng mới chỉ bắt đầu. Bữa trưa là một cuộc du lịch thực sự vào thế giới ẩm thực, giúp anh phát hiện đó vẫn còn hoang dã và du lịch ấy có tên "Du lịch mạo hiểm".
Em đã luộc một đĩa rau cải xanh mướt, mướt đến cả con sâu vẫn nằm im trên lá như ngủ ngàn đời.
Em đưa ra món thịt gà xé phay của một cụ gà đã hưởng thọ chừng trăm tuổi, khiến thịt dai như cục cao su. Cụ gà này ngày trước nhất định có tập thể thao nên hai đùi sắt lại như que.
Sau một bữa trưa chói lọi như thế, anh vui mừng kiệt sức nằm vật ra giường để đến tối được em sốc dậy, dìu tới mâm cỗ thịnh soạn mà em đã chuẩn bị suốt cả buổi chiều.
Trong cơn mê, anh chỉ còn nhớ nó gồm một đĩa cà-ri, phần "cà" ở đáy nồi, phần "ri" ở trên vung, cùng một đĩa heo quay rất nóng giòn nếu chưa cất ba ngày trong tủ lạnh.
Ngoài ra, trên bàn còn có một chậu xà lách to như chậu tắm và một con tôm nướng tẩm mật ong nửa sống, nửa tái, nửa cứng, nửa mềm, nửa xanh, nửa đỏ, nửa chua. nửa cay, nửa gầy, nửa béo.
Sau một bữa tối như thế em yêu ạ, anh chả hiểu tại sao mình còn sống đến hôm sau. Nói chung, anh chả hiểu làm sao mình còn tồn tại tới bây giờ.
Sống với em, ăn những món em nấu khiến anh trở thành người đàn ông dũng cảm, không sợ gian khổ, có hàm răng chắc khỏe, dạ dày mạnh mẽ.
Em thân yêu...
Em là một bằng chứng hùng hồn về khiếu hài hước, về lòng ngây thơ và tư duy không giới hạn của phụ nữ trí thức hiện nay.
Em, những cô gái như em, chẳng những biết chinh phục các đỉnh núi của nghệ thuật nấu ăn mà còn biết san bằng chúng.
 
Mãi mãi bên em.

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

KHÔNG ĐỀ!!!

Lâu rồi không đi qua khu đất đó, giờ tình cờ quay lại, nó khác xưa quá nhiều. Ngày xưa, đó là một khu đất trống, lơ thơ vài nhà dân, đường vào cũng xa, gập gềnh và bụi bặm. Giờ nó khang trang, lạ lẫm, cứ như một kẻ cơ hàn vừa được thay áo mới, đẹp rực rỡ và hoàn toàn xa cách. Đâu đó trong khu đất này là nhà của anh. Thời gian xóa nhòa mọi dấu vết, tôi hoàn toàn không thể nhớ nổi, ngôi nhà màu tím đó nó nằm ở đâu.
Ngày đó, anh là kỹ sư mới ra trường, lương ba cọc ba đồng, cưỡi chiếc dream cũ rít. Cày cục gần 2 năm anh mới đủ tiền mua mảnh đất xa xôi này. Anh khoe với tôi, nhờ có thằng bạn bên địa ốc, nó dự đoán mảnh đất này sẽ quy hoạch trong 10 năm nữa, 10 năm sau, nhà anh sẽ có giá và nó sẽ là nơi đẹp nhất trong khu dân cư mới. Chúng ta sẽ là chủ căn nhà có vị trí đẹp nhất ở đây. Tôi đã cười ngặt ngẽo vì niềm tự hào mơ hồ đó của anh, nhưng tôi cũng rất vui vì anh đã thực hiện được mơ ước của mình. Rồi anh tích cóp tiền xây nhà, chỉ 1 năm sau đó, anh xây nhà, ngôi nhà 2 tầng khang trang bằng chính đồng tiền của mình. Anh tự hào về điều đó lắm, thế nên anh giám sát công trình rất kỹ, tối anh ngủ lại với công nhân, ngày anh giám sát thi công, chọn mua từng loại gạch, xi măng, thiết kế tỷ mỉ từng phòng. Mỗi tối, khi có thời gian rảnh, tôi lại chạy xe cùng nhỏ bạn, vượt gần 15km đường đến chơi với anh, chuyện trò rôm rả, thấy cuộc đời không thể đẹp hơn. Rồi nhà cũng xây xong, anh hỏi tôi em muốn sơn màu gì, em muốn phòng mình lầu mấy? em thấy cầu thang để ra trước hay sau? … anh hỏi ý kiến tôi như thể tôi là vợ anh vậy và tôi đã rất hạnh phúc với điều đó. Ngày ăn tân gia, anh dẫn tôi đi chào mọi người như thể chúng đã sống chung một mái nhà, niềm vui cứ nở hết trên môi.
Rồi anh cùng gia đình dọn vào nhà mới, nghĩa là sẽ cách xa tôi 15km, nghĩa là chúng tôi chỉ có thể gặp nhau vào mỗi cuối tuần. Rồi 3 tháng sau, anh lại chuyển về công ty mới, công ty đó gần nhà anh và cũng có nghĩa là thời gian gặp nhau của chúng tôi tiếp tục giảm dần.
Rồi điều gì đến cũng đến, một ngày, tôi gặp anh đi cùng 1 cô gái khác, qua những người bạn, tôi biết cô gái đó ở gần nhà anh hơn. Cứ thế, khoảng cách địa lý cùng thời gian đã đẩy chúng tôi xa dần, xa dần và đến giờ đã là 15 năm.
Tôi biết anh vẫn sống trên khu đất đó, trong căn nhà đó, nhưng nỗi mơ hồ trong cái trí nhớ hỗn độn của tôi làm tôi mụ mị. Chắc gì tôi vui khi gặp lại căn nhà đó! Chắc gì…

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

TÌNH YÊU CHÂN THẬT! (bài chôm trên face)

Cả ngày nay mưa dầm mưa dề, trời u ám một màu xám xịt. Cửa hàng vắng khách, ngồi buồn tênh.
Có người vén rèm bước vào, lịch sự thu ô lại, đặt gọn bên ngoài cửa. Một cô gái dễ nhìn, gương mặt sáng sủa, thần thái sáng sủa, trang điểm sáng sủa.
Chào khách một câu, không làm phiền, để cô gái tự do ngắm đồ. Cô gái xem đồ một cách cẩn thận, cầm từng thứ một, ngắm nghía, nhẹ nhàng nắn vuốt, rồi lại đặt xuống. Tôi để ý thấy cô gái luôn xem giá trước. Chắc hẳn, cũng không được dư dả cho lắm.
Cuối cùng cô gái cũng chọn được một chiếc đồng hồ đeo tay thời trang khá đẹp, và một chiếc túi nhỏ được làm thủ công rất tinh xảo. Có chút nằm ngoài dự liệu của cô gái, giá của hai món đồ đó đều không phải là rẻ.
"Lấy cả hai thứ này à?" Tôi hỏi với thái độ lạnh lùng.
" Có giảm giá không?" Cô gái hỏi nhỏ, có vẻ hơi ngượng ngùng, mặt ửng đỏ.
"Thời tiết không ra sao, vắng khách, cô đã đến đây rồi, giảm 20% nhé." Làm chủ cửa hàng đã hai năm nay, chuyện như thế này, tôi phản ứng rất dễ dàng.
Cô gái do dự một lát rồi vẫn gật đầu đồng ý, không định mặc cả gì thêm nữa, đưa món đồ cho tôi.
Theo thói quen, tôi định cầm món đồ để bọc thì bị cô gái ngăn lại. Cô gái nói, "Tôi đưa cho anh một ít tiền trước, anh để đồ lại chỗ cũ, lát nữa tôi quay lại lấy có được không?"
Tôi thấy thật là lạ. Cũng có những khách hàng đặt trước một ít tiền. Nhưng tôi không ngờ, tiền đặt cọc mà cô gái đưa lại hơn một nửa giá trị món đồ. Số tiền còn lại không quá một trăm nghìn. Thật là một cô gái kỳ lạ. Nếu đã như vậy sao không lấy luôn cho rồi?
Tuy thấy lạ nhưng tôi cũng không hỏi nhiều, đó là quyền của khách hàng. Cô gái đã trả nhiều tiền vậy, theo thói quen, tôi để riêng món đồ ra, đợi cô gái quay lại lấy.
Cô gái vẫn ngăn tôi, nói giọng nhẹ nhàng, "Để chúng vào chỗ cũ có được không?" Ánh mắt như đang thỉnh cầu.
Tôi cười, gật đầu, cẩn thận để cái túi và chiếc đồng hồ về lại chỗ cũ.
"Cám ơn anh, tôi sẽ quay lại ngay." Ánh mắt cô gái vui hẳn lên, ra ngoài cửa lấy ô, nhanh chóng biến mất khỏi tầm mắt của tôi.
Đúng là một cô gái kỳ lạ!
Không lâu sau đó, cô gái quay lại, nhưng không phải đi một mình. Đi sau cô là một chàng trai cao gầy, thư sinh. Phong thái của hai người thật tương xứng. Chàng trai cũng có gương mặt sáng sủa, thần thái sáng sủa, khoác một chiếc áo gió màu xanh da trời dễ chịu.
Tôi vừa định đem hai món đồ cô gái vừa đặt cho cô, thì cô gái làm như không nhìn thấy tôi, quay mặt đi, kéo tay chàng trai, nói "Em thích cái túi kia, anh xem, cái màu hồng đó, cái nhiều kim tuyến đó." Vừa nói vừa kéo chàng trai đến chỗ cái túi trước cả tôi.
"Em thích thì mua." Chàng trai bèn giơ tay với cái túi xuống, vừa đưa cho cô gái vừa nói, "Đúng là đẹp thật!"
Cô gái gật đầu, ôm chiếc túi vào lòng, tiếp tục phóng tầm mắt tìm kiếm.
Tôi để im không nói câu nào, để xem rốt cuộc cô gái định làm gì.
Cô gái giả vờ như thật, sờ cái này, ngắm cái kia. Hai phút sau, mới mừng như bắt được vàng khi nhìn thấy chiếc đồng hồ đeo tay đó. Cầm lấy, quay người lại, với tay chàng trai nũng nịu, "Anh nói sinh nhật năm tuổi của em sẽ tặng em 2 món quà phải không?"
Mặt chàng trai hơi biến sắc đỏ, ngập ngừng nói, "Tất nhiên rồi, em thích là được."
Cô gái vui vẻ, cầm 2 món đồ mà chính cô đã chọn từ trước đến chỗ tôi, hỏi tôi, "Anh ơi, hai thứ này bao nhiêu tiền?" Vừa nói vừa quay lưng lại chàng trai nháy mắt ra hiệu với tôi.
Lúc này thì tôi đã hiểu ra tất cả. Như được giải tỏa, tôi nhanh ý trả lời cô gái, "Cô thật biết chọn, hai món đồ này đều là hàng giảm giá đặc biệt đấy." Sau đó tôi nói giá là số tiền còn lại.
Cô gái quay lại nhìn chàng trai.
Mặt chàng trai còn đỏ hơn, "Rẻ thật! Đúng là rẻ thật! Em mua cái khác nữa đi, anh có tiền mà."
"Em thích hai thứ này thôi." Cô ôm lấy quà vào lòng, "Em thích lắm!" Giọng nói dứt khoát hẳn, "Anh mau trả tiền đi!"
Chàng trai rõ ràng đã quen chiều theo ý cô gái, không nói thêm, lúng túng rút ví tiền từ trong túi quần ra. Hình như có khoảng bốn năm trăm nghìn gì đó. Chắc hẳn, chàng trai đã chuẩn bị sẵn tiền để mua quà cho cô gái.
Tôi cười, cầm lấy tờ một trăm nghìn. Lúc trả lại tiền thừa, thuận tay với từ đằng sau một cặp cốc tình yêu, nói "Tất cả những khách hàng sắp sinh nhật, nếu mua quà ở cửa hàng tôi, đều được nhận quà tặng." Tôi đưa cốc vào tay cô gái, "Sinh nhật vui vẻ!"
Cô gái vui sướng ra mặt, cám ơn tôi rối rít. Chàng trai cũng cảm ơn tôi với vẻ mặt biết ơn rất thành khẩn.
Sau đó họ ra về. Cô gái ôm món quà trong lòng, chàng trai vòng tay khoác eo cô gái, một cảm giác an toàn và yên bình.
Mưa không nhỏ chút nào, họ chỉ có một chiếc ô để che mưa, nhưng tôi biết, chẳng ai trong họ bị thấm ướt cả, bởi vì tình yêu của họ thật ấm áp.
Chàng trai yêu cô gái, một tình yêu chiều chuộng khó dùng lời diễn tả. Cô gái yêu chàng trai, luôn âm thầm giữ cho lòng tự trọng của chàng trai. Họ là đôi tình nhân nghèo, nhưng vật chất trong tình yêu của họ, đơn giản chỉ chiếm một phần vô cùng nhỏ bé.