Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

GIÁO DỤC VIỆT NAM!

Nhân đọc bài phỏng vấn ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng vụ GD tiểu học, ghi lại vài cảm nghĩ.
1. Thưa ông, trước mỗi mùa tuyển sinh vào lớp 1, số đông phụ huynh đều chung suy nghĩ, phải cho con đi học trước mới theo kịp chương trình, mới không bị tụt hậu…Ông lý giải điều này thế nào?
=> Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Chương trình học ở Việt Nam có chỗ nặng, có chỗ không nặng, nhưng giờ có hiện tượng là ai cũng nói chương trình nặng. Chính vì nghĩ nặng nên mới cho con đi học trước. Vừa rồi Bộ GD-ĐT đã ban hành điều lệ trường tiểu học, trường trung học. Trong Luật quy định trẻ đi học tiểu học thì học lớp 1 bắt đầu từ 6 tuổi – đấy là quy định cứng. Ai làm không đúng là làm sai Luật.
Nói như ông ý nghe thật đáng sợ, chỗ nặng chỗ không nặng. Chương trình giáo dục là đồng nhất mà chỗ học nặng, chỗ không, rồi phụ huynh dốt nát như tui thì biết chỗ nào nặng chỗ nào nhẹ để mà tránh cho con. Thế nên cho đi học tuốt cho nó an toàn.
2. Đã có phụ huynh làm đúng theo Luật và ngã ngửa khi than phiền ‘biết thế thì cho con đi học trước’ vì con bị ‘đối xử’ giống như các bạn đã biết đọc, biết viết...
=> Tôi khẳng định lại làm như vậy là sai vì quy định trẻ trước khi vào lớp 1 là chơi. Tính theo tuổi thì trẻ từ 1-5 tuổi là được chơi, khi vào phổ thông (từ tiểu học đến THPT) thì học là chính.
Từ mầm non lên tiểu học thì quy định không được học trước. Nhưng ở phổ thông có phần chuyển cấp học, ví dụ một HS 10 tuổi đang học lớp 5 nhưng có thể học lớp 6 được. Còn 5 tuổi dứt khoát không sang học lớp 1 được.
Ngành quy định như vậy để bảo vệ tất cả trẻ em, bảo vệ cả một thế hệ và lợi ích lâu dài của mỗi trẻ.
Ngành Giáo dục không chấp nhận bắt trẻ đi học sớm, vì vi phạm quyền được chơi của trẻ.
Lát cắt giữa chơi và học đã được thể chế hóa trong Luật và mầm non là trẻ được chơi. Và nếu bắt trẻ đi học sớm là phạm luật và phải xử theo Luật.
Đọc đến đây càng điên máu, toàn bộ câu trả lời đều tựu trung "phụ huynh sai", vì phụ huynh bắt con đi học sớm, chứ bọn tui đâu có bắt ép phải học sớm. Trong khi thực tiễn hoàn toàn khác, 80% trẻ vào lớp 1 phải biết đọc, viết, nếu không chỉ có nước đội sổ và giáo viên thì không được thi đua.
3. Ngành giáo dục có truyền thống ‘giơ cao đánh khẽ’. Vậy nếu làm sai thì ai sẽ quyết định và có biện pháp xử lý theo Luật như ông vừa nói ?
=> Xử thế nào không phải việc của tôi. Tôi chỉ ngăn chặn, nhắc nhở các trường tiểu học phải thực hiện theo Luật. Còn người nào làm sai thì quản lý cấp cơ sở, thanh tra Bộ sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý. Nhưng tôi tin trong 7 triệu học trò chỉ có một bộ phận nhỏ cho con đi học sớm vì họ quá lo và rất khó sửa. Chắc chắn là nông thôn, miền núi không cho con đi học sớm...
Thật sự không biết cái chức vụ của ông này để làm gì, nhắc nhở coi chơi thôi á, rồi còn thêm cái vụ nông thôn, miền núi ... hẳn nhiên rồi. Vì vùng sâu vùng xa đâu có sợ con bị trù dập, vì đâu có phổ biến luật tới đó, vì giáo viên đâu bị ép chỉ tiêu thi đua ....Nói cũng như không, cứ như cái việc tệ hại này không nằm trong phạm vi quản lý của mấy ổng. Vô trách nhiệm hết sức. Lãnh đạo đầu ngành mà còn vớ vẩn vầy thì cái đám trẻ sau này chúng nó nên thân gì nổi.
Cuối cùng một câu kết luận nói lên tất cả "Ngành giáo dục rất thương các cháu và ngành chỉ đang dẹp bệnh thành tích". (mới chỉ dẹp bịnh thành tích thôi nhá, chưa mần gì hết ráo)".
Nhìn tương lai con tui sao mà u ám quá. Hic!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét