Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

BIỂN XƯA


Tôi nhớ lần đầu tiên được cô Tư thông báo "mai cả nhà mình đi Vũng Tàu", đám trẻ 5 đứa bọn tôi đã nhảy tưng tưng như điên vì vui. 
Thế rồi, chiều hôm đó, trong khi mấy cô cậu nấu xôi, hấp gà, cắt chả chuẩn bị cho chuyến đi biển ngày mai, thì lũ nhóc 5 đứa hăm hở soạn quần áo, khăn... sao cho bảnh nhất, đẹp nhất. Rồi tưởng tượng ra đủ trò với vẻ mặt đầy háo hức. 
Thế rồi, đêm đó, cả bọn thao thức, mong trời mau sáng để lên đường. Mới 5g sáng, đã lồm cồm bò dậy, gọi nhau ý ới sợ mấy cô ngủ quên. Để rồi sau khi xe lăn bánh, cả lũ nằm ngủ quay đơ cán cuốc vì mệt. 
Ngày đó, biển Vũng Tàu vẫn còn vắng lắm, không nhiều bãi tắm, không chen lấn đông người. Cũng không có nhiều nhà hàng quán ăn, thế nên đi biển là phải mang theo lỉnh kỉnh, nào xôi, bánh, nước ...Cả nhà toàn những người trẻ tuổi. Người lớn nhất mới khoảng 30, đứa bé nhất mới vừa lên 5. Cái xe có 16 chỗ mà chứa gần chục mạng, chưa kể đồ đạc mang theo. Vậy mà vui ơi là vui. Cứ tắm biển xong chạy vù lên ăn, ăn xong rồi lại tắm, rồi chọc ghẹo nhau cười nắc nẻ. Cứ lê la tới 3g chiều, rồi lại lục tục kéo nhau về. 
Bây giờ mọi cái đều tiện nghi hơn, chuyện đi biển không còn là niềm mơ ước vỹ đại như ngày nào. Đám trẻ giờ có thể thuê xe đi riêng, có thể bỏ tiền ở những resort sang trọng. Thế nhưng cái cảm giác vui nổ trời nó đã không còn. Cô, dì, cậu đã không còn ở chung 1 nhà, đã qua cái thời tuổi trẻ rần rần. Thời gian đã làm họ điềm đạm và chính chắn hơn. 
Ước gì thời gian có thể quay lại, cho tôi được 1 ngày tung tăng cùng họ.
(gởi những thành viên của căn hộ 696B - Hàm Tử)

CHỢ SÁNG


Nhà gần chợ, thiệt nhiều thú vị:
1. Sáng, 2 vợ chồng đẩy xe ra khỏi cửa, đã có người :"anh chị hai đi làm đi, em đóng cửa cho". Mấy em bán chuối trước cửa nhà đã lên tiếng.
2. Nhà ở sài gòn, chớ luôn được ăn cá đồng, lươn đồng, ếch đồng chính hiệu, bởi mẹ đi chợ toàn được mấy cô dì chừa món đồng ngon nhất. Lý do "bà hai bả biết ăn, mua không có trả giá, mở hàng mau lẹ".
3. Nhân nói vụ mở hàng, hôm bữa hai vợ chồng em bán trái cây trước cửa (đi ghe từ tuốt đâu cao lãnh lên bán). gặp mình than "chị hai mua dùm em xoài thái đi hai, em bán sáng giờ không ai mua hết, còn quá trời luôn hai". Mời vậy thấy thương hôn. Thế là nói em cân cho vài trái. Sáng hôm sau, gặp em trước cửa, em cười toe "bữa giờ mới biết, chị hai có giang mở hàng quá, đống xoài thù lù hôm qua, em bán hết ráo, không còn trái nào, cảm ơn hai nhe". (mình chả bà con chú bác gì, mà kết cái câu "chị hai" nghe ngọt quá trời). Nói vậy ai mà không mua.
4. Chợ chỉ họp buổi sáng, người cũ có, mới có, nhưng chưa bao giờ có tình trạng cân thiếu. Có lần, mẹ kể "tao đi chợ mua 1kg đậu, của con nhỏ lạ hoắc, thấy nó ngồi mà không ai mua, đậu cũng tươi, nên tao ghé mua. À, con nhỏ đó người Bắc nghe tụi bây (không có ý phân biệt gì đâu nha, nói nguyên văn thôi). Tao cầm ký đậu, là tao biết nó cân thiếu rồi. Tao kêu nó cân lại cho đủ nhe con, dì 2 thấy coi bộ thiếu à. Nó gân cổ cãi tao, con cân không thiếu đâu à. Tao chưa kịp nói gì cái chị Phượng bây bán thịt gần đó lên tiếng, dì hai mang qua con cân lại cho. Thiệt tình là nó cân thiếu gần 200gr. Tao mới nói, con bán ở đâu dì không biết, chớ con bán chợ này thì phải cân cho đủ, buôn bán lớn nhỏ phải có uy tín mới bền. Con nhỏ còn ráng vớt vát, chắc tại cái cân con nó bị sao, chớ con đâu có cân thiếu. Nó còn định nói nữa, thì bà Tám Hiếu đi chợ ngang góp vô: mày cân thiếu cho ai, chớ mày cân thiếu cho bà hai cán bộ là coi như mày khỏi bán chợ này nghe con. Xin lỗi bà hai đi. Rồi con nhỏ xin lỗi tao lia lịa. Mà cũng ngộ, tao có mần cán bộ gì đâu, mà đầu chợ cuối chợ, ai cũng kêu tao bà Hai cán bộ. Ờ, chắc tại có lần, thằng Phóng nó hốt chợ, hốt hết mấy cây dù của ông Ba, ổng năng nỉ quá trời, cái gặp tao, tao nói "thôi, thông cảm cho ông Ba đi mậy, ổng cho thuê dù sống qua ngày, mà người ta làm sai chớ đâu phải ổng, mày hốt mấy lần ổng cụt vốn, sống sao được". Vậy là thằng Phóng dạ dạ, rồi tha. Chắc tại vậy. Mà tụi bây nghĩ coi mẹ nói đúng hông. Nói đúng thì người ta nghe thôi hà. 
... còn nữa (rảnh viết tiếp).