Có người nói, ngôn ngữ hay nói nôm na là lời nói, nó có sức mạnh hơn ngàn ngọn giáo. Chỉ 1 câu nói có thể làm tan nát 1 thành trì cũng như có thể cứu sống cả vạn mạng người. Vì vậy, khi phát ngôn cần cẩn trọng. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Tuy nhiên, sự cẩn trọng quá mức lại gây rất nhiều ngột ngạt và hiểu lầm, đôi khi tôi thấy giống như "ngoa ngôn". Tôi vừa mới có 1 cuộc nói chuyện với em gái như sau:
- tháng này em có dư tiền đưa mẹ rồi
- dư nhiều không?
- gần 10 triệu
- vậy cho mẹ tiền uống thuốc bao nhiêu?
- sao 2 lại nói cho, phải là nói đưa mẹ
- 2 đang nói chuyện với em, nên 2 nói vậy thôi, 2 đâu có nói với mẹ như vậy
- 2 nói vậy không được, phải có sự tôn trọng
- 2 đâu có thiếu sự tôn trọng mẹ, chỉ là nói chuyện giữa 2 chị em, không được như vậy sao?!
- em không thích vậy . . .
Tôi nghĩ hoài cũng không ra, có phải tôi thiếu tôn trọng mẹ chăng? hay tôi không khéo dùng lời nói. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, giữa 2 chị em nói sao cho dễ hiểu là ok, quan trọng là mình nghĩ gì và làm gì. Tuy nhiên, qua cuộc nói chuyện vừa rồi, tôi thấy em tôi khó gần hơn chút, có gì đó mà tôi không diễn tả được, đại khái như là xáo rỗng. Bỗng dưng tôi mất hứng nói chuyện, bới nếu nói tiếp, tôi phải kiếm từ gì đó cho dễ nghe, cho lịch sự để nói. Tôi không thích khoa ngôn với người thân, tôi nghĩ sao nói vậy. Công việc của tôi luôn bắt tôi phải "xảo ngôn" để lấy lòng khách hàng, nên tôi thấy sợ điều đó, tôi sợ mình cũng trở nên xảo quyệt như vậy. Tôi và chồng tôi có 1 điểm chung đó. Nhưng ba mẹ tôi thì không như vậy, ba mẹ tôi thích những mỹ từ mà nói thật khi tôi nghe 2 em tôi nói chuyện với ba mẹ, tôi thấy nó xạo. Ví như, ba tôi treo tùm lum lịch trên phòng khách, tôi thấy không đẹp và tôi nói thẳng là "con thấy nó không hay, treo nhiều quá làm phòng khách rối lắm, nhìn không sang" thế là ba tôi giận, nhưng 2 em tôi thì lại nói "ừa, treo như phòng triễn lãm, mỗi tờ lịch mỗi cảnh, ba đúng là có ý tưởng" mặc dù tôi biết tỏng là tụi nó cũng không thích ba treo như thế. Tôi cũng hiểu, chiều ba mẹ tí cũng không sao, nhưng tôi không làm được có lẽ vì vậy mà tôi và chồng không được thương nhiều. Đôi khi khéo ăn khéo nói cũng có lợi quá.
Tôi không biện minh cho cách nói thô thiển của mình, điều tôi băn khoăn là liệu có vì lời nói mà người ta dần xa cách nhau không? tôi có nên thay đổi cách nói chuyện cho khéo léo như với khách hàng không? Tôi thấy mình thật giả dối.
Không biết từ khi nào, tôi hay có ý so sánh giữa ba má chồng và ba mẹ. Tôi nhớ có lần tôi nói chuyện với ba chồng, tôi cố tìm từ lịch sự để nói về việc cô em dâu bỏ chồng thì ba tôi tỉnh queo "ối, nó theo trai thì nói ra vậy đi, con bao che làm gì cho mệt, ai cũng biết vậy" tôi vừa mắc cười vừa ngại. Kể từ đó, tôi nghiệm ra, ba chồng tôi không quen với mỹ từ, cứ nghĩ sao nói vậy, thoải mái là ok. Cũng kể từ nói, tôi với ba chồng khá thân thiện, 2 cha con nói chuyện vô tư, ox tôi đôi khi còn ganh tỵ "trong 04 cô con dâu, có mỗi mình em nói chuyện với ba được hà, không ai dám vậy hết". Má chồng cũng thế, má chồng tôi luôn bắt đầu bằng câu "tỷ như ..." vậy là tôi cũng chọc ghẹo má bằng câu đó, mỗi lần 2 má con nói chuyện, tôi lại bắt chước má cái câu "tỷ như ..." thế là 2 má con cười vui vẻ. Ngược lại. ba mẹ tôi thì không được nhái cái kiểu đó đâu nhe, như vậy là vô phép. Tôi nhớ có lần, mẹ tôi tâm sự rằng ba tôi không biết giúp mẹ, tôi đã thiệt thà nói là :"mẹ ơi, ba nào giờ không biết làm việc nhà, có gì mẹ phải nói ra, chứ ba đâu có tự động mà làm, hơn nữa, tụi con đi làm hết, mẹ ở nhà có mệt thì mẹ nhớ nói ba làm phụ, chứ mẹ cứ im im tự làm, rồi mệt thì sao". Chỉ có vậy mà mẹ tôi bảo là tôi lên lớp, dạy đời. Khổ chưa! Riết rồi tôi mất luôn thói quen tâm sự với mẹ và tôi tâm sự với mẹ chồng nhiều hơn.
Tôi biết mọi sự so sánh đều khập khiểng, nhưng cách sống và suy nghĩ của ba mẹ tôi luôn khiến tôi so sánh. Tôi thật sự đang dần xa cách với chính ba mẹ mình. Tôi nên làm gì đây?!